Phát huy trí tuệ, tâm huyết xây dựng các báo cáo trình Trung ương
Tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương sáng 13-2, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương tập trung thực hiện hoàn thành các kế hoạch đã đề ra; phát huy trí tuệ, tâm huyết của từng ủy viên Hội đồng trong việc xây dựng các báo cáo trình Trung ương...
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, qua gần 2 năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2026, với tinh thần đoàn kết, tận tâm và trách nhiệm, Hội đồng Lý luận Trung ương (Hội đồng) nhiệm kỳ 2021-2026 đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các công việc được giao.
Hội đồng đã tham gia tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời cụ thể hóa các Văn kiện, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để góp phần sớm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Nghiên cứu, xây dựng các báo cáo tư vấn phục vụ các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 khóa XIII, các báo cáo chuyên đề phục vụ học tập, nghiên cứu lý luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; Tổ chức biên soạn, xuất bản, tuyên truyền nội dung, tư tưởng tác phẩm quan trọng của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; Xây dựng và triển khai Chương nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 (KX.04/21-25) phục vụ việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; Tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thẩm định các chương trình, đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; Chủ trì tổ chức hội thảo, trao đổi, đối thoại lý luận với các đảng cộng sản, đảng cầm quyền và các tổ chức nghiên cứu, học giả, chính khách có uy tín trên thế giới; Xây dựng đề án và chuẩn bị triển khai nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 40 năm công cuộc đổi mới (1986-2026), góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chuẩn bị bước đầu cho việc tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh 1991…v.v.
Hội đồng Lý luận Trung ương luôn bám sát chương trình làm việc toàn khóa của Trung ương Đảng, chương trình công tác hằng năm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quyết tâm thực hiện có kết quả những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư giao.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới bước đầu, có kết quả tích cực về nội dung, phương thức hoạt động, lề lối làm việc của Hội đồng và Cơ quan Hội đồng trong gần 2 năm của nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí khẳng định, Hội đồng Lý luận Trung ương vừa phải kiện toàn lại tổ chức bộ máy, nhân sự của Thường trực Hội đồng, Thành viên Hội đồng và đội ngũ thư ký khoa học, vừa tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ trực tiếp công tác tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng đã chủ động khắc phục nhiều khó khăn, hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách, phát huy dân chủ, tăng cường trao đổi, tọa đàm sâu với các chuyên gia, các học giả trong và ngoài nước.
“Những kết quả nổi bật trên đây là đóng góp trí tuệ, tâm huyết hết sức có ý nghĩa của Hội đồng Lý luận Trung ương cho việc tham mưu, tư vấn phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIII” – đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Hình ảnh tại buổi làm việc. |
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, thời gian của Nhiệm kỳ XIII đã sắp đi hết một nửa chặng đường. Tình hình quốc tế đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công cuộc đổi mới đang được đẩy mạnh, nền kinh tế nước ta đã và đang có bước phát triển nhanh, năng động, làm thay đổi sâu rộng đời sống xã hội, tuy nhiên cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức về nhiều mặt. Tình hình đó đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải làm rõ về lý luận, góp phần luận giải được các vấn đề thực tiễn đặt ra, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối, chính sách phát triển đất nước của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Để phục vụ thiết thực và có chất lượng việc các Hội nghị Trung ương tới đây và đặc biệt là việc soạn thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương cần tập trung thực hiện hoàn thành các kế hoạch đã đề ra. Trước mắt, tập trung xây dựng với chất lượng cao nhất các báo cáo tư vấn phục vụ các Hội nghị Trung ương 7, 8, 9 khóa XIII và các báo cáo chuyên đề phục vụ học tập, nghiên cứu lý luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Triển khai tổ chức thực hiện Đề án nghiên cứu tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới (1986-2026), góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; chuẩn bị cho việc tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, trong đó có 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) năm 2011.
Cùng với đó, Hội đồng cần tổ chức, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Chương nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025. Tổ chức chắt lọc kết quả nghiên cứu mới của các đề tài trong Chương trình KX.04/21-25, đồng thời tổ chức chắt lọc kết quả nghiên cứu mới của các chương trình, đề tài khoa học lý luận chính trị khác từ các cơ quan nghiên cứu của Đảng và Nhà nước, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ có chất lượng, hiệu quả việc soạn thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
Chuẩn bị chu đáo, nâng cao chất lượng các cuộc hội thảo, trao đổi lý luận với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cầm quyền. Tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và các học giả, chuyên gia có uy tín trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu chọn lọc các thành tựu nghiên cứu mới và tăng cường sự tin cậy, hiểu biết chung. Tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tư tưởng và nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng, là đầu mối tập hợp, kết nối các thành viên, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, nhạy bén với thực tiễn phát triển đất nước và sự biến chuyển của thế giới và nhân loại, dấn thân tìm tòi, đúc rút quy luật, nâng tầm sáng tạo và đột phá lý luận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…./.
Theo dangcongsan.vn