.

Một bộ phận cán bộ không dám làm, làm thì sợ sai

Cập nhật: 17:34, 28/03/2023 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Đảng, Nhà nước đang tập trung cao cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên có một bộ phận cán bộ muốn "an toàn", không dám làm, làm thì sợ sai. Bởi vậy, cấp thiết Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

b

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 28/3, tại TPHCM, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo các nghị định về chính sách tinh giản biên chế; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có 21 giám đốc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đây là 3 dự thảo nghị định hết sức quan trọng. Hiện nay Bộ Nội vụ đang tập trung cao độ để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, vậy nên cần thiết phải hết sức chủ động cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện tinh giản biên chế để sắp xếp cán bộ và công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong điều kiện và bối cảnh hiện nay, cần có những cơ chế đủ mạnh để nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, đảm bảo số lượng, chất lượng cũng như yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Những kiến nghị của cử tri và đề xuất, kiến nghị của các địa phương trong những năm qua tập trung rất cao cho vấn đề đội ngũ cán bộ công chức cấp xã và đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã. Chính vì vậy, theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội cũng như của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang tập trung xây dựng, sửa đổi 3 nghị định và 1 quyết định để làm tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã và đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Ngoài ra, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng bày tỏ, một vấn đề quan trọng là trong lúc Đảng, Nhà nước đang tập trung cao cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có một bộ phận cán bộ muốn "an toàn", không dám làm, làm thì sợ sai. Bởi vậy, cấp thiết Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

b

Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang Nguyễn Minh Trí nêu ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Sỹ Đông

Có phương án động viên cán bộ năng động, sáng tạo

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang Nguyễn Minh Trí cho biết, Hậu Giang đã có đề án về tinh giản biên chế. Tuy nhiên, nếu làm không khéo, trong vài năm tới, với việc biên chế giảm và không có thêm biên chế mới thì lực lượng công chức, viên chức của tỉnh sẽ bị "già" đi, không còn đối tượng trẻ.

Về phương án giảm biên chế, ông Trí cho biết, ý tưởng của Hậu Giang là trong một tập thể có thể có nhiều cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng theo Bộ tiêu chí đánh giá của tỉnh mà điểm hằng năm của người đó thấp hơn những người khác thì sẽ bị đưa vào đối tượng để tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang, nếu cho những người này ra khỏi biên chế thì họ sẽ làm đơn khiếu nại rằng cách làm không đúng quy định của pháp luật, vì vậy, "chúng tôi đã dám nghĩ, dám làm nhưng có những cái chưa dám triển khai, vì triển khai thì sẽ đụng đến những vấn đề khác", ông Trí nói.

Cũng về vấn đề giảm biên chế, Giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang Nguyễn Hoàng Thông đề xuất, đối với các cán bộ bị kỷ luật, chưa đến mức thôi việc nhưng không tự giác thì nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, nếu kết quả dưới 50% tín nhiệm thì đưa vào đối tượng tinh giản biên chế.

Còn đối với Nghị định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang Nguyễn Minh Trí cho rằng cần có quy định, chế tài để xử lý những trường hợp mà cá nhân đề xuất những ý tưởng sáng tạo nhưng thủ trưởng bảo thủ, không chấp nhận.

Còn theo Giám đốc Sở Nội vụ Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Giàu, cần có phương án để động viên những cán bộ này. Cụ thể, nên xem xét bổ sung thêm quy định các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định ý tưởng đổi mới sáng tạo của cán bộ, công chức để trên cơ sở các đề xuất đó thì cơ quan, tổ chức thẩm định để tiến hành thực hiện. Ngoài ra, cần có cơ quan thẩm tra độc lập về kết quả thực hiện nhiệm vụ để tạo chế độ, chính sách khuyến khích các công chức, viên chức có sự đồng bộ trong thực hiện.

Đề xuất cán bộ không chuyên trách ở ấp, khu phố được hưởng BHYT

Tại Hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị Ngô Quang Chiến nêu ý kiến về việc sắp xếp, bố trí đối với cán bộ đoàn quá tuổi quy định. Theo ông, hằng năm, số lượng cán bộ đoàn (bí thư đoàn cấp xã) quá tuổi theo quy định khá nhiều, hầu hết cán bộ đều được đào tạo căn bản, có quá trình rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, có nhiệt huyết, nhiều cống hiến và gắn bó với địa phương. Tuy nhiên, việc sắp xếp, bố trí cho cán bộ đoàn quá tuổi gặp nhiều khó khăn do không có vị trí cán bộ, công chức để sắp xếp, bố trí, ảnh hưởng đến tâm tư cán bộ và lãng phí nguồn nhân lực (nếu không bố trí được phải nghỉ việc).

Vì vậy Sở Nội vụ Quảng Trị kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, có cơ chế tạo điều kiện cho địa phương sắp xếp, bố trí sử dụng đối với cán bộ đoàn quá tuổi.

Còn đối với chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố, ông Chiến cho biết dự thảo nghị định quy định 3 chức danh hoạt động không chuyên trách và mức khoán quỹ phụ cấp đối với thôn, tổ dân phố theo quy mô số hộ gia đình là hợp lý. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố thì đối với một số tổ dân phố mặc dù quy mô chưa đạt 350 hộ gia đình nhưng địa bàn rộng, việc đi lại giải quyết công việc khó khăn hơn trước nhưng chế độ chính sách đối với những thôn này không có gì thay đổi so với trước lúc sắp xếp.

Đồng quan điểm trên, Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Nai Trần Quang Tú cho biết, trên địa bàn tỉnh có một số phường dân số khá đông, có nơi trên 135.000 dân nhưng số lượng cán bộ, công chức theo quy định chỉ có 45 người, do đó, trong quá trình làm việc, hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo là vô cùng khó. TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đều gặp tình trạng này.

Vì vậy, Sở Nội vụ Đồng Nai đề xuất nên cân nhắc, xem xét tăng lượng công chức cho các địa phương đông dân hoặc có quy định cụ thể, ví dụ trên 100.000 dân thì số lượng công chức, viên chức là bao nhiêu người để các địa phương theo đó thực hiện.

Về quy định đối với cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Sở Nội vụ Đồng Nai đề nghị Nghị định xác định rõ người hoạt động không chuyên trách cấp xã có được hưởng BHYT hay không.

Ngoài ra, Sở này đề xuất cho hưởng BHYT đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố, trưởng các đoàn thể như chi hội trưởng hội cựu chiến binh, chi hội trưởng hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân và bí thư chi đoàn ấp, khu phố…

Theo Chinhphu.vn

.
.
.