Một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại tướng Chu Huy Mân là một tài năng quân sự - chính trị xuất sắc, có tầm chiến lược, giỏi về chiến dịch, chiến thuật; lăn lộn khắp các chiến trường Cao - Bắc - Lạng, Khu 4, Khu 5, Tây Bắc, Tây Nguyên, chiến trường Lào... từng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị, quân sự; có lúc kiêm cả Chính ủy và Tư lệnh các đại đoàn, sư đoàn, quân khu, mặt trận. Đồng chí thật xứng đáng với cái tên thân thương, trìu mến “Hai Mạnh” (mạnh cả về chính trị và quân sự, văn võ song toàn) mà đồng chí, đồng đội vẫn thường quen gọi.
Đại tướng Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Ðiều, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
VỊ TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN
Từ nhỏ, đồng chí Chu Huy Mân sớm bộc lộ tố chất, bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng và tài năng quân sự thiên bẩm. Ông trở thành Bí thư huyện ủy Hưng Nguyên lúc chỉ mới 23 tuổi. Từ tháng 5-1935, đồng chí đổi tên thành Chu Huy Mân với ý nghĩa là “ngọc sáng”. Đúng như tên gọi của mình, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí từ buổi ban đầu cho đến khi giữ những cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Quân đội thật sự là một tấm gương lớn về bản lĩnh, tài năng và sự cống hiến.
Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm đơn vị xe tăng T54 trước giờ tiến công vào giải phóng TP. Đà Nẵng năm 1975. |
Từ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, đồng chí Chu Huy Mân đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Từ năm 1937 - 1940, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam đồng chí ở nhà lao Vinh rồi chuyển đến các nhà tù ở huyện Đăk Glei, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum). Thời kỳ chống thực dân Pháp, bàn chân ông đã in dấu trên nhiều chiến trường, giữ nhiều chức trách quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ở cương vị Chính ủy Sư đoàn 316, ông tham gia chỉ huy các trận đánh đồi A1, C1, C2, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao ông làm Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia sang giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1958, ông được phong hàm Thiếu tướng, được Đảng, quân đội và nhân dân Lào yêu mến gọi với cái tên “Tướng Thao Chăn”. Kết thúc nhiệm vụ ở nước bạn Lào, Thiếu tướng Chu Huy Mân được phân công làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Quân khu IV.
Sinh thời, đồng chí từng nói với các đồng đội: “Vinh quang nhất của cuộc đời là được cống hiến, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân; tôi vào Đảng là hoàn toàn tự nguyện, suốt đời hy sinh, chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân”. |
Năm 1963, sau khi hoàn thành chương trình học nâng cao trình độ lý luận và nghệ thuật quân sự tại Học viện Quân sự Phơ-run-de (Liên Xô), Thiếu tướng Chu Huy Mân được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên, nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu V đánh xe tăng, bắn máy bay bằng súng trường và trung liên để chống cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.
Năm 1965, là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên, Thiếu tướng Chu Huy Mân quyết định mở chiến dịch Plâyme - Ia Đrăng. Đây là lần đầu tiên bộ đội chủ lực của ta tiêu diệt hoàn toàn một đơn vị cấp tiểu đoàn lính Mỹ và buộc Mỹ phải thừa nhận đây là “một trận chiến đấu làm thay đổi cục diện chiến tranh”.
Là vị tướng gắn bó nhiều năm với núi rừng Tây Nguyên. Trong những năm tháng gian lao đó, ông luôn dành sự quan tâm, tình thương yêu đến đồng bào các dân tộc và các lực lượng vũ trang Tây Nguyên. Chia sẻ những khó khăn với đồng bào khi “thiếu cơm, lạt muối”, cứu giúp đồng bào thuốc men khi ốm đau… những “rẫy sắn cách mạng”, “rẫy sắn bộ đội” từ sáng kiến của ông được trồng khắp mọi nơi, trên đồi, ven suối, bên cạnh hố bom… đã không chỉ cứu đói cho bộ đội trong chiến tranh, mà còn thiết thực cứu đói cho bộ đội và đồng bào ngay cả những năm đầu miền Nam đã được giải phóng. Tấm lòng và những việc làm của ông in đậm trong trái tim đồng bào và chiến sĩ miền cao nguyên đầy nắng và gió này…
NGƯỜI HỌC TRÒ XUẤT SẮC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngay từ những năm tháng hoạt động ở quê nhà và thời gian bị thực dân Pháp giam cầm, đồng chí Chu Huy Mân luôn là biểu tượng ngời sáng của tinh thần gang thép, niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và trở thành tấm gương tiêu biểu cho ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của người cộng sản trước kẻ thù tàn bạo.
Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Chu Huy Mân luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân. Đồng chí suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, thực sự “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, không chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách, luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất, cùng với đồng chí, đồng đội, sâu sát cơ sở, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Là người từng nhiều lần được gặp mặt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, nhưng hè năm 1967, khi ra Bắc báo cáo tình hình và được Người cho gọi cũng là lần cuối cùng ông được gặp Người tại Thủ đô Hà Nội. Được ăn cơm cùng Bác tại ngôi nhà sàn nhưng ông cứ nghẹn ngào… Bác hỏi thăm, căn dặn ông về đạo làm tướng và khi ông báo cáo mình đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Bác đã trìu mến nói: “Chú Mân chịu khó gánh vác hai vai cho khỏe càng tốt”. Từ lời nói của Bác Hồ, cái tên thân thương - anh “Hai Mạnh” văn võ song toàn đã ra đời và cái tên đó luôn làm ấm lòng những người lính trong chiến tranh cũng như hòa bình.
Thiếu tướng Chu Huy Mân được thăng quân hàm vượt cấp lên Thượng tướng năm 1974 và phong quân hàm Đại tướng năm 1980. Đại tướng Chu Huy Mân mất vào ngày 1-7-2006 ở tuổi 93. Với 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân, chiến đấu, hy sinh trọn đời cho cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc, Đại tướng Chu Huy Mân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu Xô Viết Nghệ Tĩnh; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và nhiều phần thưởng cao quý khác.
HỒNG LÊ (tổng hợp)