.

Tiền Giang: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử

Cập nhật: 07:16, 13/04/2023 (GMT+7)

Năm 2022, HĐND tỉnh,  HĐND các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là HĐND cấp huyện) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt công tác.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIÁM SÁT

Trong năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện đã thực hiện tốt công tác phối hợp các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình công tác đề ra. Thường trực HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện đã tổ chức thành công các kỳ họp thường lệ trong năm 2022 đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu - chi ngân sách; đầu tư công; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác xét xử; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; công tác thi hành án dân sự và hoạt động của Thường trực, các ban của HĐND trong năm 2022; đồng thời, tổ chức các kỳ họp chuyên đề giữa 2 kỳ họp thường lệ để giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất đáp ứng kịp thời các chính sách tại địa phương.

Theo đó, HĐND tỉnh ban hành 69 nghị quyết; trong đó, có 26 nghị quyết quy phạm pháp luật và 4 nghị quyết nhân sự. HĐND cấp huyện ban hành 247 nghị quyết; trong đó, có 1 nghị quyết quy phạm pháp luật và 16 nghị quyết về nhân sự, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Quang cảnh Hội nghị đánh giá công tác phối hợp năm 2022, thống nhất nội dung công tác phối hợp năm 2023  giữa Thường trực HĐND tỉnh và cấp huyện.
Quang cảnh Hội nghị đánh giá công tác phối hợp năm 2022, thống nhất nội dung công tác phối hợp năm 2023 giữa Thường trực HĐND tỉnh và cấp huyện.

Đặc biệt, công tác giám sát, nội dung giám sát được chọn lọc có trọng tâm, tập trung những vấn đề bức xúc, xã hội quan tâm. Trong năm 2022, HĐND tỉnh, Thường trực và các ban của HĐND tỉnh thực hiện nhiều nội dung giám sát, khảo sát như: Giám sát về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác khởi tố, điều tra các vụ án hình sự; tham gia giám sát về tình hình triển khai thực hiện các công trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; về công tác đầu tư và hiệu quả hoạt động các công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh.

Thường trực HĐND cấp huyện tổ chức và tham gia cùng các ban của HĐND cấp huyện tiến hành giám sát, khảo sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND theo Chương trình giám sát năm 2022 với nhiều vấn đề cử tri quan tâm như: Huyện Cái Bè giám sát về thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; huyện Cai Lậy giám sát tình hình triển khai, thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới; TX. Cai Lậy giám sát công tác thi hành án dân sự giai đoạn 2019 - 2021 và tình hình thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; huyện Châu Thành giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2021; huyện Gò Công Tây giám sát việc thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa xã, thị trấn trên địa bàn huyện”… Các thành viên trong đoàn giám sát đã tích cực nghiên cứu tài liệu và có đóng góp, chỉ ra những tồn tại, hạn chế đối với đơn vị được giám sát đã tạo được sự đồng thuận và niềm tin của cử tri, của nhân dân đối với HĐND, đại biểu HĐND và tin tưởng vào sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp còn phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri, theo dõi, đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND tỉnh và cấp huyện thường xuyên giữ mối liên hệ thông qua việc phát huy tối đa các kênh thông tin như văn phòng điện tử, mạng xã hội… để trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan một cách nhanh chóng, kịp thời, góp phần giúp cho Thường trực HĐND cấp huyện giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của HĐND cũng như hướng dẫn hoạt động HĐND cấp xã.

CÒN NHỮNG KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

Thực tế thời gian qua cho thấy, hoạt động của HĐND tỉnh, cấp huyện được phát huy dân chủ. Lề lối làm việc có cải tiến. Mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri được tăng cường. Vai trò của HĐND được nâng lên trong hệ thống chính trị ở địa phương, thể hiện HĐND các cấp cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, quyết định chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Các nghị quyết của HĐND các cấp được xây dựng, ban hành trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và bám sát tình hình thực tế, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân địa phương.

Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang giám sát về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác khởi tố, điều tra các vụ án hình sự tại huyện Tân Phước.
Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang giám sát về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác khởi tố, điều tra các vụ án hình sự tại huyện Tân Phước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục khắc phục và nâng chất. Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân, công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND cùng cấp trong việc chuẩn bị một số nội dung trình kỳ họp còn một số hạn chế, khó khăn nhất định, nên có một số trường hợp dự thảo nghị quyết, báo cáo của UBND trình không đảm bảo thời gian quy định gây ảnh hưởng chất lượng thẩm tra của các Ban của HĐND.  Việc kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận sau giám sát chưa được thường xuyên nên hiệu quả của hoạt động giám sát chưa cao.

Còn theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Cái Bè Lê Thị Thanh Nhàn, một số nội dung cử tri phản ánh những vấn đề bức xúc ở địa phương, đại biểu HĐND có ý kiến tại các kỳ họp HĐND tỉnh, cũng như có văn bản gửi về tỉnh nhiều lần nhưng vẫn chưa được UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh giải quyết đúng như lời hứa hẹn, điển hình như tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân một số xã trên địa bàn huyện, dẫn đến khi tiếp xúc cử tri đại biểu rất khó trả lời.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, cấp huyện, tại các buổi tiếp xúc cử tri, vẫn còn các trường hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được pháp luật quy định cụ thể, hoặc đã được phúc đáp trước đây, hoặc trong phạm vi giải quyết của chính quyền cấp huyện, xã… Vấn đề này lẽ ra được chính quyền địa phương hoặc đại biểu HĐND giải đáp ngay, nhưng các ý kiến, kiến nghị này vẫn được tổng hợp chuyển đến cơ quan chức năng xem xét lại.

Có nội dung thuộc thẩm quyền Trung ương, tuy được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, nhiều lần kiến nghị thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đến các cơ quan chức năng xem xét nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dẫn đến cử tri tiếp tục phản ánh tại các đợt tiếp xúc. Bên cạnh đó, hoạt động của đại biểu HĐND, tổ đại biểu HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND chưa đồng đều, chưa phát huy đầy đủ vai trò của người đại diện nhân dân…

TIẾP TỤC NÂNG CHẤT

Trước những hạn chế còn tồn tại, mới đây, tại Hội nghị đánh giá công tác phối hợp năm 2022, thống nhất nội dung công tác phối hợp năm 2023 giữa Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện, Thường trực HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện đã phân tích nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan và đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trên, nâng chất hoạt động cơ quan dân cử trong thời gian tới.

Tại hội nghị này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình đánh giá cao sự nỗ lực của HĐND các cấp trong việc từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua. Đồng thời, đề nghị: HĐND tỉnh, huyện cần phân tích kỹ từng hạn chế để khắc phục trong thời gian tới.

Đồng chí lưu ý, tiếp tục phát huy mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực, các ban HĐND cấp tỉnh với cấp huyện, cấp huyện với cấp xã; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp; rà soát, triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ tổ chức thành công các kỳ họp trọng tâm trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND các cấp cần nâng cao chất lượng giám sát, nội dung, chương trình giám sát; quan tâm công tác tiếp công dân, phân cấp phân quyền và giải quyết ngay những vấn đề cử tri phản ánh. Các đại biểu HĐND cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của đại biểu, tích cực nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin nắm rõ quy trình giải quyết đối với những trường hợp đã được giải quyết để trả lời cho cử tri.

Đối với hoạt động chất vấn, cần nâng cao chất lượng hơn, đại biểu cần mạnh dạn ý kiến những vấn đề còn bất cập ở địa phương, tạo niềm tin với cử tri tỉnh nhà..., cần thiết thì tổ chức đi học tập kinh nghiệm các đơn vị, địa phương làm hiệu quả, quan trọng là đi phải hiệu quả để về ứng dụng nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị mình...

HOÀI THU

.
.
.