.

Hội nghị thượng đỉnh G7, những góc nhìn và dấu ấn Việt Nam

Cập nhật: 09:07, 24/05/2023 (GMT+7)

Tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam không những củng cố, mở rộng quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, mà còn ghi nhận những bài học quan trọng về đối ngoại, hội nhập quốc tế.

b

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh G7 thăm Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình Hiroshima ngày 21/5. (Nguồn: Kyodo)

Kết quả và những vấn đề bỏ ngỏ

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19-21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản; có sự tham gia của 8 quốc gia khách mời và 6 tổ chức quốc tế, khu vực. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. Xung đột Nga-Ukraine, đối đầu căng thẳng giữa phương Tây và Nga, cạnh tranh quyết liệt Mỹ-Trung… gây chia rẽ sâu sắc, đặt các quốc gia trước tình thế phải chọn bên; làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh toàn cầu.

Trước bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo G7 đặt cho mình một khối lượng lớn các vấn đề, nhiệm vụ phức tạp cần giải quyết. Nội dung, kết quả hội nghị thể hiện qua 10 phiên họp thượng đỉnh, 3 phiên họp mở rộng và trong tuyên bố chung. Qua đó, có thể thấy rõ thông điệp, quan điểm, cam kết của G7 về các vấn đề nóng của thế giới; triển vọng và những vấn đề còn bỏ ngỏ.

Thứ nhất, sự khẳng định và những thay đổi cách tiếp cận. Các nhà lãnh đạo G7 tiếp tục khẳng định vai trò chủ chốt đối với các thách thức an ninh toàn cầu và nền kinh tế thế giới. G7 đánh giá, nêu quan điểm, đề ra sáng kiến, giải pháp về nhiều vấn đề lớn, nóng, như: giải trừ vũ khí hạt nhân, khủng hoảng Ukraine, an ninh kinh tế, tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, y tế, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo (AI); quan hệ với Trung Quốc, Nga và các nước đang phát triển, mới nổi…

G7 tái khẳng định nỗ lực thực hiện thế giới không vũ khí hạt nhân; cam kết lộ trình phi carbon hóa vào năm 2030 và thực hiện lộ trình trung hòa khí thải đến năm 2050; tiếp tục thực hiện Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen; xây dựng, củng cố mạng lưới chuỗi cung ứng các nguyên liệu quan trọng, chống các hạn chế thương mại đơn phương… Điểm mới kỳ này là đề xuất xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về AI.

Điều đó cho thấy G7 tiếp tục khẳng định vai trò chủ chốt và tự tin về khả năng đối phó với các vấn đề toàn cầu. Nhưng họ cũng nhận thấy không thể thực hiện được tất cả, nếu không có sự tham gia tích cực, rộng rãi của các nước đang phát triển, mới nổi. Do đó, G7 điều chỉnh cách tiếp cận, chú ý thu hút sự ủng hộ bằng cách tăng cường hỗ trợ năng lượng và phát triển cho các nước đang phát triển và mới nổi. Trong quan điểm, đối sách với 2 đối thủ lớn nhất, Trung Quốc và Nga, cũng có những điều chỉnh đáng chú ý.

Thứ hai, “vừa cần vừa lo ngại” trong quan hệ với Trung Quốc. Một mặt, G7 biện minh cho cách tiếp cận và chính sách của mình là “không nhằm gây hại cho Trung Quốc, cũng không tìm cách cản trở tiến bộ và phát triển kinh tế của Trung Quốc”. G7 nhấn mạnh mong muốn “quan hệ ổn định và mang tính xây dựng” với Bắc Kinh. Hàm nghĩa của nó là tìm cách đối phó với thách thức, giảm thiểu rủi ro mà không phải cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Mặt khác, G7 tiếp tục phản đối các hoạt động quân sự hóa thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Khẳng định quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các chuỗi cung ứng nhạy cảm. G7 khuyến cáo Trung Quốc về duy trì hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan. Kêu gọi Trung Quốc tham gia giải quyết xung đột tại Ukraine, G7 vừa thừa nhận vai trò, vừa ngầm “gắn trách nhiệm” cho quan hệ ngày càng gắn bó giữa Bắc Kinh và Moscow.

Đặc biệt, tuyên bố chung nhấn mạnh “sự cưỡng ép kinh tế”, dù không chỉ đích danh, nhưng dễ hiểu là nhắm vào Trung Quốc. Họ đưa ra sáng kiến Nền tảng phối hợp về ép buộc kinh tế giữa G7 và các nước khác, thực hiện biện pháp cảnh báo sớm, chia sẻ thông tin, tham vấn định kỳ và nguyên tắc “minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững, đáng tin cậy” trong xây dựng các mạng lưới cung ứng.

Rõ ràng, Trung Quốc là một trong những chủ đề chính của hội nghị. Thừa nhận Trung Quốc có thể lần nữa trở thành cứu tinh cho nền kinh tế thế giới trước nguy cơ suy thoái, G7 để ngỏ cánh cửa hợp tác, tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng lại lo ngại đối thủ số một thách thức vai trò, cạnh tranh ảnh hưởng địa chiến lược, nên không thể không đề phòng.

Thứ ba, tiếp tục trừng phạt Nga và ủng hộ Ukraine. Tuyên bố chung khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine về tài chính, quân sự, chính trị, ngoại giao cho đến khi còn cần thiết. Nghĩa là đến khi Moscow suy yếu, chấp nhận thất bại. G7 và phương Tây tiếp tục gói trừng phạt thứ 11, mở rộng đối tượng và biện pháp nhằm ngăn chặn các nước khác làm ăn với Nga. Mỹ đảo ngược lập trường về cung cấp máy bay tiêm kích F-16 cho Ukraine. Động thái đó càng gia tăng căng thẳng, khó tìm lối thoát cho khủng hoảng.

Thứ tư, thái độ của Trung Quốc, Nga. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu Đại sứ Nhật để bày tỏ “sự không hài lòng và cương quyết phản đối” về những điều mà Bắc Kinh cho là bị thổi phồng liên quan nước này tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cáo buộc G7 “bôi nhọ, tấn công và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các quyết định của G7 nhằm chia rẽ Moscow và Bắc Kinh. Hãng thông tấn Nga Tass cảnh báo về những “rủi ro lớn” nếu Ukraine được cung cấp F-16...

Nhìn nhận khách quan, Hội nghị G7 đã tập trung vào những vấn đề nóng, cấp thiết nhất; đề xuất sáng kiến, biện pháp tạo động lực mới, thúc đẩy nỗ lực chung đối phó với các thách thức an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề bỏ ngỏ, chưa gỡ bỏ hoàn toàn các nghi ngại vốn có từ lâu.

Vấn đề lớn nhất là chưa có ý tưởng mới, cách tiếp cận có thể hóa giải mâu thuẫn Đông - Tây, khủng hoảng Ukraine, cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngược lại, các bên đang làm cho tình hình phức tạp hơn. Căng thẳng, đối đầu càng gia tăng chia rẽ, phân tán nỗ lực, nguồn lực chung đối phó các thách thức an ninh toàn cầu. Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của Nga. Nhưng chưa biết khi nào và làm thế nào để khôi phục các hiệp định về hạn chế vũ khí hạt nhân.

Các lệnh trừng phạt chưa từng có đã và đang gây nhiều khó khăn cho Nga và phần nào là Trung Quốc. Nhưng trừng phạt là “con dao hai lưỡi” tác động đến chính Mỹ và phương Tây; khó đẩy Nga vào thế suy sụp, thậm chí có thể khiến Moscow hành động cực đoan.

Hiệu quả trừng phạt Nga, Trung Quốc phụ thuộc vào mức độ hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển, mới nổi. Nhưng chính các nước này lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là về lương thực, năng lượng, do Nga bị cấm xuất khẩu. Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar nhận xét rất xác đáng: “Châu Âu phải từ bỏ suy nghĩ rằng các vấn đề của châu Âu là vấn đề của thế giới, nhưng các vấn đề của thế giới không phải là vấn đề của châu Âu”. Điều đó đúng với cả phương Tây.

Các nước khác phải tìm con đường của mình, không nhằm đối đầu với Mỹ, phương Tây mà hợp tác, liên kết tránh tác động của lệnh trừng phạt; vì lợi ích quốc gia, ổn định của khu vực hơn là vì quan hệ, lợi ích của các nước lớn. Những chuyển dịch ở Trung Đông gần đây hay sự phát triển của BRICS, SCO là những minh chứng.

Thống nhất lập trường chung, nhưng trên thực tế, một số nước phương Tây cũng có cách tiếp cận riêng, những toan tính vì lợi ích quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc, Nga, có khi mâu thuẫn nhau. Nội bộ một số quốc gia thành viên phương Tây cũng có những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội. Vừa qua, Mỹ và đồng minh cũng gặp khó khăn, lúng túng nhất định trước 2 đối thủ lớn, nhất là khi 2 nước này xích lại gần nhau. Điều đó cho thấy những trở ngại khó vượt qua khi Mỹ và đồng minh đồng thời tiếp tục đối đầu với cả Trung Quốc và Nga. Bên cạnh đó, “tiêu chuẩn kép” và không thực sự hành động như tuyên bố vẫn là căn bệnh trầm kha, gây nghi ngại cho nhiều nước.

b

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo G7 và các nước khách mời dự phiên họp với chủ đề "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng". (Nguồn: VGP)

Thông điệp và dấu ấn sâu đậm của Việt Nam

Trong gần 3 ngày tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam đã tham dự khoảng 40 hoạt động, cả song phương và đa phương. Qua đó, Việt Nam đóng góp cách tiếp cận, đề xuất giải pháp thiết thực.

Về chủ đề “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh 3 thông điệp. Một là, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác, phát triển vừa là nền tảng thiết yếu vừa là đích đến cuối cùng vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng, trên thế giới, từng khu vực, quốc gia... Hai là, thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, đàm phán và những cam kết cụ thể… Ba là, sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.

Tại phiên họp “Hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính thuyết phục bằng luận điểm: bối cảnh chưa từng có tiền lệ đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ, với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương… Vấn đề cấp thiết là thúc đẩy và tạo những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế toàn cầu theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn. Việt Nam cam kết sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất lương thực góp phần thực hiện Tuyên bố Hiroshima.

Với chủ đề “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công qua tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương; tự lực tự cường của mỗi quốc gia và hợp tác quốc tế sâu rộng. Về an ninh năng lượng, cần bảo đảm cân bằng, hợp lý, tính tới điều kiện, trình độ của mỗi quốc gia; cân bằng giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu; lộ trình chuyển đổi có tính thực tiễn cao, phù hợp với quy luật thị trường. Động lực cho phát triển bền vững là nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; yếu tố then chốt là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Việt Nam cam kết dù khó khăn vẫn quyết tâm đưa phát thải ròng về không năm 2050.

Thông điệp, cam kết, đề xuất của Việt Nam được các nhà lãnh đạo G7, các nước, các tổ chức quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao. Hoạt động tích cực, trách nhiệm, phong phú, hiệu quả của Việt Nam góp phần làm sâu sắc quan hệ với các đối tác. Là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam không ngợp trước G7, các vấn đề nóng toàn cầu; không “khép mình” trong tư thế khách mời, mà chủ động, tích cực tham gia, đóng góp thiết thực theo cách của mình.

b

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 21/5. (Nguồn: TTXVN)

Như vậy, chuyến công tác của đoàn Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng đã thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; để lại những dấu ấn sâu đậm về vai trò, đóng góp và uy tín quốc tế, khẳng định Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề toàn cầu.

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, chúng ta không những củng cố, mở rộng quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, mà còn ghi nhận những bài học quan trọng về đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đó là, trên nền tảng độc lập, tự chủ, chủ động tích cực tham gia, đóng góp cho cộng đồng quốc tế, qua đó khẳng định mình, tạo vị thế có lợi trên thế giới và khu vực.

Với những kết quả đạt được, cần thúc đẩy quan hệ quốc tế, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khu vực đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực hơn. Việc Việt Nam 3 lần được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, trong đó 2 lần do Nhật Bản làm chủ nhà, là một minh chứng, cần phát huy mạnh mẽ.

Theo Baoquocte.vn

.
.
.