Lan tỏa cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong giáo dục lý luận chính trị
Nhằm phát huy giá trị to lớn cũng như lan tỏa nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (gọi tắt là Cuốn sách) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trường Chính trị Tiền Giang đã đưa Cuốn sách vào chương trình giảng dạy.
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tiền Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Phát biểu tại Lễ ra mắt Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Võ Văn Thưởng khi đó là Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh rằng: “Các cấp ủy, tổ chức Đảng sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung Cuốn sách; đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ; liên hệ với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương, đơn vị mình.
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tiền Giang Nguyễn Văn Sơn truyền tải nội dung Cuốn sách của Tổng Bí thư tại lớp trung cấp lý luận chính trị. |
Hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là các học viện, trường chính trị, trường đại học, cao đẳng cả nước, trên cơ sở nội dung Cuốn sách, xây dựng thành tài liệu học tập, nghiên cứu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Đồng thời, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai giới thiệu nội dung Cuốn sách của Tổng Bí thư cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại trường. Thư viện nhà trường cũng đã kịp thời bổ sung Cuốn sách của Tổng Bí thư, học viên các lớp có thể đến thư viện trường để mượn đọc.
Tại buổi học, các học viên lớp trung cấp lý luận chính trị được nghe thầy Nguyễn Văn Sơn giới thiệu tóm tắt nội dung Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm 3 phần là tổng hợp các bài viết, phát biểu, chỉ đạo, tổng kết được trình bày trong hơn 600 trang với 111 bức ảnh.
Cụ thể là về: Bản chất, mục đích, ý nghĩa, kết quả, bài học trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và những chủ trương, quan điểm, phương châm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay…
Đồng thời, thấy rõ tâm huyết, trăn trở, hành động quyết liệt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tích cực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân.
Thầy Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Việc triển khai nội dung các bài viết của Tổng Bí thư tới từng học viên nhằm giúp học viên nhận thức sâu sắc về những nội dung cốt lõi trong Cuốn sách.
Cụ thể, trong phần thứ nhất có tiêu đề “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” đã tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”; đòi hỏi “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Phần thứ hai về công tác xây dựng Đảng có tiêu đề “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”; trong đó, nhấn mạnh Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đổi mới thì cần phải trẻ hóa đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo; trong đánh giá cán bộ phải thật công tâm, khách quan.
Phần thứ ba có tiêu đề “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư.
Nội dung phần thứ ba khẳng định: “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách, mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”.
Lồng ghép triển khai nội dung cốt lõi các bài viết của Tổng Bí thư, thầy Nguyễn Văn Sơn còn minh chứng cụ thể những vụ việc tham ô, tham nhũng đã được xử lý. Trong hơn 10 năm (2012 - 2022) đã xử lý 167.700 cán bộ; trong đó, có 190 cán bộ thuộc Trung ương quản lý, 4 thành viên Bộ Chính trị, 50 sĩ quan cấp tướng.
Những con số trên cho thấy quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, đưa nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này không chỉ là tuyên ngôn chính trị, mà đã trở thành hành động thực tế. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần đưa nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.
Khẳng định giá trị, ý nghĩa to lớn của tác phẩm trong giáo dục tư tưởng, lý luận chính trị, thầy Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Nhà trường tiếp tục nghiên cứu sâu, vận dụng từng nội dung của tác phẩm vào các chuyên đề giảng dạy, góp phần đưa tầm vóc giá trị tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn quá trình giảng dạy; cán bộ, giảng viên nhà trường cần không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; tiếp tục thực hiện hiệu quả sứ mệnh giáo dục, đào tạo lý luận chính trị đến cán bộ, đảng viên, người dân. Mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường phải là lực lượng tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Học viên các lớp bồi dưỡng, lớp trung cấp lý luận chính trị tập trung hay không tập trung đều là các cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Vì vậy, việc học tập và vận dụng nội dung Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là yếu tố “cần” trong việc hoàn thiện trình độ lý luận chính trị của mỗi học viên.
Mỗi học viên cố gắng khắc phục khó khăn, tập trung học tập tốt; đồng thời, chú trọng liên hệ với thực tiễn cơ quan, đơn vị và địa phương nơi cư trú để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công việc và đời sống, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương công tác trong sạch, vững mạnh.
LÊ PHƯƠNG