Tiền Giang: Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy
(ABO) Sáng 19-5, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang khóa XI tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Nghị quyết 11.
Quang cảnh hội nghị. |
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương.
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 10, kinh tế - đô thị 3 vùng đã có sự chuyển động với những gam màu sáng. Khẳng định Nghị quyết 10 là hướng đi đúng và từng bước đi vào cuộc sống.
Cụ thể, giá trị sản xuất toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,6%/năm; trong đó vùng Trung tâm tăng 7,8%/năm, vùng phía Tây tăng 6%/năm và vùng phía Đông tăng 3,4%/năm.
Giai đoạn 2016 - 2020, thu hút tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 157,68 ngàn tỷ đồng; trong đó vùng Trung tâm 77,84 ngàn tỷ đồng, chiếm 49,4% so toàn tỉnh; vùng phía Tây 61,06 ngàn tỷ đồng, chiếm 38,7% so toàn tỉnh; vùng phía Đông đạt 18,78 ngàn tỷ đồng, chiếm 11,9% so toàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu kết luận hội nghị. |
Giai đoạn 2021 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 79,86 ngàn tỷ đồng; trong đó vùng Trung tâm đạt 38,83 ngàn tỷ đồng, chiếm 48,62% so toàn tỉnh, vùng phía Tây đạt 28,29 ngàn tỷ đồng, chiếm 35,42% so toàn tỉnh, vùng phía Đông đạt 12,75 ngàn tỷ đồng, chiếm 16% so toàn tỉnh.
Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2020, đạt 14,2%; trong đó, vùng Trung tâm đạt 20,1%, vùng phía Tây đạt 8,5%, vùng phía Đông đạt 14%.
Năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 31,2%, trong đó vùng Trung tâm 35,43%, vùng phía Tây 26,53% và vùng phía Đông 31,93%.
Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu tại hội nghị. |
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh giảm còn 1,27%; trong đó, vùng Trung tâm 1,23%, vùng phía Tây 1,34% và vùng phía Đông 1,65%.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị. |
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết 11, qua 5 năm triển khai thực hiện, việc đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh có bước khởi sắc. Qua 5 năm, tỉnh đã mời gọi được 12 dự án đầu tư phát triển du lịch, với tổng số vốn đăng ký 2.172 tỷ đồng.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tại các vùng trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh được quan tâm. Giai đoạn 2017 - 2022, đã phân bổ nguồn vốn cho các dự án phát triển du lịch từ ngân sách nhà nước 183,293 tỷ đồng.
Đồng thời, triển khai Quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tập trung đầu tư phát triển 4 trung tâm du lịch chính: Khu du lịch Cái Bè, cù lao Thới Sơn, biển Tân Thành và khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội nghị. |
Công tác phát triển sản phẩm du lịch luôn được tỉnh chú trọng phát triển. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh khai thác các sản phẩm sông nước miệt vườn ở cù lao Thới Sơn, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Chợ nổi Cái Bè, vườn cây ăn trái cù lao Tân Phong, tham quan khu du lịch biển Tân Thành, Trại rắn Đồng Tâm, Di tích lịch sử Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút…
Thực hiện liên kết, hợp tác phát triển vùng để cùng khai thác, bổ sung sản phẩm đặc trưng cho nhau giữa các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Văn Thức phát biểu tại hội nghị. |
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 2017 - 2019 tăng bình quân 8,16%; tổng thu từ du lịch tăng 10,13%.
Tuy nhiên, năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch, lượng khách và doanh thu giảm mạnh. Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp phục hồi ngành Du lịch.
Tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 10. |
Kết quả đến cuối năm 2022, lượng khách du lịch đến tỉnh là 883.815 lượt; trong đó khách quốc tế 80.945 lượt, tổng thu từ du lịch đạt 5.184 tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, có 412.749 lượt khách du lịch đến Tiền Giang; trong đó, có 101.863 lượt khách quốc tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh cho rằng, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện với những điểm nổi bật.
Tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 10. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 10, tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cần sớm có biện pháp tháo gỡ, khắc phục.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, đồng chí Nguyễn Văn Danh yêu cầu Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện cần tập trung tốt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cân đối, đồng bộ giữa nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và dài hạn.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn với chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững.
Tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 10. |
Đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh một số việc cần tập trung trong thời gian tới. Thứ nhất, khẩn trương hoàn thành, triển khai Quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của các vùng; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gia tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện theo lộ trình các đề án tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch của tỉnh.
Tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 10. |
Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao chất lượng đô thị…
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh, định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực là cây ăn trái - lúa gạo - thủy sản phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình mới.
Phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái…
Thứ tư, tiếp tục đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư các ngành nghề tạo ra các sản phẩm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước…
Thứ năm, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh…
Tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 11. |
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án đầu tư, mời gọi đầu tư mang tính chất trọng điểm, liên kết trong nội vùng và liên vùng…
Thứ bảy, tập trung rà soát các quy hoạch, thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công năm 2023 và các năm tiếp theo…
Đối với Nghị quyết 11, đồng chí Nguyễn Văn Danh cho rằng, các cấp, các ngành và các địa phương đã cụ thể hóa nghị quyết vào chương trình, kế hoạch công tác năm; xây dựng đề án và các văn bản chỉ đạo sát hợp với thực tiễn của địa phương; tổ chức tốt các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch của địa phương đến du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 11 về phát triển du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 11. |
Đồng chí Nguyễn Văn Danh cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ, có giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn để thích ứng, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch của tỉnh một cách toàn diện cả về phạm vi, về quy mô và về chất lượng dịch vụ, tính bền vững.
Thứ nhất là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện; phải nhận thức đúng và nâng cao trách nhiệm, quyết liệt trong hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển du lịch để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Muốn vậy, chúng ta cần phải mạnh dạn đổi mới tư duy, phát triển du lịch phải theo quy luật kinh tế thị trường; cần nâng cao ý thức của người dân, của doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ và phát huy hình ảnh vùng đất nước, con người Tiền Giang; tăng cường xúc tiến đầu tư về du lịch…
Thứ hai là triển khai có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án về phát trển du lịch đã được phê duyệt; trong đó, tập trung đầu tư phát triển các dự án du lịch tại 4 trung tâm du lịch chính như: Khu du lịch Cái Bè, khu du lịch cù lao Thới Sơn, khu du lịch biển Tân Thành và khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.
Đổi mới cách thức quảng bá, xúc tiến du lịch để từng bước xã hội hóa công tác xúc tiến du lịch; đẩy nhanh chuyển đổi số ngành Du lịch…
Thứ ba là các huyện, thành, thị cần chủ động xây dựng và triển khai các đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn theo tiến độ…
Thứ tư là về nhiệm vụ của các ngành và các địa phương. Cụ thể, TP. Mỹ Tho chủ trì, phối hợp với các ngành chuyên môn mời gọi đầu tư xây dựng phố đi bộ, khu ẩm thực đêm để phát triển dịch vụ, thu hút khách du lịch về đêm, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục phát triển du lịch làng nghề gắn với sản xuất đồ lưu niệm phục vụ du lịch…
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục dự án mời gọi đầu tư trên cơ sở quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các huyện, thành, thị…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp triển khai Chương trình phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới…
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện có kế hoạch tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu tham quan du lịch…
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mục tiêu và một số chỉ tiêu chủ yếu về du lịch đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Dịp này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen cho 21 tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 10 và 7 tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 11.
M. THÀNH