.
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

BÀI 2: KẾT QUẢ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC: Đập tan các luận điệu xuyên tạc

Cập nhật: 10:34, 14/06/2023 (GMT+7)

BÀI 1: Từ suy thoái đến tham nhũng, tiêu cực

Những thành quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (TN), tiêu cực (TC) thời gian qua của Đảng và Nhà nước ta là lời đáp trả đầy thuyết phục trước những luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch lan truyền.

PHÁT HIỆN, NHẬN DIỆN

Xã hội hiện đại gắn liền với sự phát triển của mạng xã hội, các thế lực thù địch lợi dụng phương tiện này để thực hiện âm mưu chống phá, với chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại chế độ ta. Phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng này sử dụng ngày càng tinh vi, gian xảo.

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách thực hiện chiêu trò xuyên tạc gây “chiến tranh tâm lý” trong nhân dân. Đối tượng chủ yếu mà các thế lực thù địch hướng đến là cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ có nhiều điều kiện thuận lợi tiếp cận với mạng xã hội. Những tít bài cùng nội dung dưới danh nghĩa “vì chính nghĩa, vì lợi ích nhân dân” mà lực lượng này xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta về công tác phòng, chống TN, TC xuất hiện hằng ngày, hằng giờ trên các trang mạng bằng tiếng Việt. Từ đó có thể làm dao động đến nhận thức về chính trị - xã hội, thay đổi về quan điểm, tư tưởng theo chiều hướng xấu của cán bộ, đảng viên,  dẫn đến sự suy thoái, biến chất về tư tưởng, đạo đức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống TN, TC vào ngày 30-6-2022. 				                                                                                                                     Ảnh: noichinh.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống TN, TC vào ngày 30-6-2022. Ảnh: noichinh.vn

Cán bộ chủ chốt, người lãnh đạo như người cầm lái con tàu. Nếu không vững tay lái, không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì con tàu sẽ đi chệch hướng, tất yếu sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cả hệ thống chính trị. Đây cũng là nguyên nhân cốt lõi mà lực lượng phản động lợi dụng để suy diễn rằng “Hô hào chống TN chỉ là màn trình diễn trên sân khấu mà thôi”.

Nguy hiểm và sâu xa hơn khi những đối tượng này còn đá xoáy vào nền kinh tế nước ta. Các đối tượng lập luận rằng chiến dịch phòng, chống TN, TC ở Việt Nam sẽ tạo ra ““Cơn sốc cung ứng” làm tê liệt nhiều giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á”. Cùng với giọng điệu xuyên tạc, các đối tượng này còn dẫn dụ: “Muốn chống được TN thì phải kiểm soát được quyền lực! Muốn kiểm soát được quyền lực thì phải có Nhà nước tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng!” sẽ phù hợp với Việt Nam, giảm tình trạng TN, TC. Và cuộc đấu tranh phòng, chống TN, TC hiện nay “chỉ mang hình thức trên giấy tờ, trong các cuộc hội họp, nêu khẩu hiệu chứ chưa đi vào thực tiễn...”.

NGĂN CHẶN LUẬN ĐIỆU SUY DIỄN SAI TRÁI, VÔ CĂN CỨ

Một sự thật cần khẳng định nhất quán rằng, các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch là hoàn toàn vô căn cứ, sai sự thật. Thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam, thành quả được ghi nhận trong công cuộc đấu tranh phòng, chống TN, TC của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua đã đập tan những âm mưu, thủ đoạn mà thế lực này lần lượt sử dụng. Do đó, cần nhận diện rõ, nhận thức đúng đắn, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tránh sa vào những chiêu trò của các thế lực thù địch.

Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống TN, TC lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

TN, TC xuất hiện từ rất sớm trong một xã hội có giai cấp, có quyền lực mà ở quốc gia nào, thời đại nào cũng có. Do đó, không thể cố tình quy chụp, đánh đồng TN, TC là bản chất của chế độ ta. Những tác hại nhiều mặt của TN, TC là quá rõ ràng. Đảng, Nhà nước ta khẳng định quyết tâm phòng, chống TN, TC và đã đạt những kết quả tốt đẹp.

Đặc biệt, sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống TN, TC cấp tỉnh được thành lập, kiện toàn, nhiều địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát, khởi tố, truy tố nhiều tập thể, cá nhân có liên quan đến TN, TC. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, chấn động dư luận như: Công ty Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”, Vụ thao túng giá chứng khoán, Vạn Thịnh Phát... được tổ chức tinh vi, có hệ thống đã bị phát giác, khởi tố. Điều đó giúp nhân dân tin rằng điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” đã và đang trở thành hiện thực.

Con số ấn tượng khi phát hiện vụ án TN, TC tăng liên tục từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và đến nay đã khởi tố, điều tra hơn 4.000 vụ án về các tội TN, chức vụ, kinh tế. Hầu hết, các đối tượng bị xử lý đều đã nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hơn nữa, trong quá trình chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chuyên môn nên công tác thu hồi tài sản TN, TC đạt kết quả khá cao. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản TN trong giai đoạn thi hành án dưới 10%, đến năm 2022 đã thu hồi được các nguồn vốn, tài nguyên lớn cho quốc gia, phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước đạt 34,7%. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống TN, TC của nước ta trong thời gian vừa qua.

Câu hỏi được đặt ra, phòng, chống TN, TC có làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế? Dẫn chứng điển hình từ thực tiễn, trong năm 2022, song song với nhiều vụ án TN lần lượt được truy tố, xét xử thì tốc độ tổng sản phẩm bình quân đầu người (GDP) ở nước ta vẫn tăng, đạt mức 8,2%, cao hơn so với những năm trước. Điều đó cho thấy, càng tích cực phòng, chống TN, TC hiệu quả, nền kinh tế không “chậm lại” mà còn tạo nên những hiệu ứng tích cực trước sự minh bạch trong các chính sách kinh tế, tài chính của Đảng, Nhà nước, tạo niềm tin vững chắc với nhân dân và các doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, hội nhập, tạo uy tín và hình ảnh của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Tích hợp dẫn chứng từ thực tiễn là cơ sở quan trọng để chứng minh lý luận luôn song hành với thực tiễn, phản bác, đập tan những lý lẽ giả hiệu mà các thế lực thù địch đã cố tình cổ súy, xuyên tạc chống TN, TC chỉ diễn ra trong các cuộc hội họp, những màn trình diễn... Những luận điệu bôi nhọ trên đã đi ngược lại với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chiều hướng phát triển của nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống TN, TC hiện nay. Từ đó khẳng định rằng, công tác đấu tranh phòng, chống TN, TC là cả một quá trình dài “đắp lũy xây thành” được tiến hành một cách bài bản, khẩn trương của Đảng, Nhà nước ta và cả hệ thống chính trị, nhất là sự chỉ đạo toàn diện, vừa quyết liệt, vừa đậm tính nhân văn của “Người nhóm lò” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đấu tranh phòng, chống TN, TC là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài. Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống TN, TC, đề ra các chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp để đập tan các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.      

LÊ NGUYÊN   

(còn tiếp)

 

.
.
.