.

Cần tranh luận, truy vấn đến cùng vấn đề được chất vấn

Cập nhật: 11:07, 09/06/2023 (GMT+7)

Chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND các cấp không chỉ thể hiện quyền, mà còn là trách nhiệm của đại biểu dân cử trước cử tri. Đây là một trong những hoạt động giám sát trực tiếp của HĐND, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động HĐND.

Xoay quanh vấn đề này, trước thềm Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa X, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Sáng.

Đại biểu HĐND tỉnh phát biểu ý kiến về một số vấn đề bức xúc ở địa phương tại Phiên giải trình, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa X).
Đại biểu HĐND tỉnh phát biểu ý kiến về một số vấn đề bức xúc ở địa phương tại Phiên giải trình, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa X).

* PV: Với vai trò là người tham gia hoạt động của HĐND tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ, đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh?

* Đồng chí Nguyễn Thị Sáng: Tại các kỳ họp HĐND các cấp trong thời gian qua, Phiên chất vấn, trả lời chất vấn luôn thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri.

Thông qua hoạt động này, các vấn đề bức xúc, những ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại biểu đặt ra sẽ có tác dụng rất tốt trong việc giải quyết những vướng mắc, tồn tại nảy sinh trong đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, HĐND các cấp trong tỉnh rất coi trọng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, chất lượng các Phiên chất vấn từng bước được nâng lên, tạo niềm tin cho cử tri. Nội dung chất vấn là những vấn đề bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm, được đại biểu tiếp nhận thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban của HĐND. Đại biểu chất vấn đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng, các vấn đề đưa ra thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, minh bạch, kịp thời và thiết thực.

Phần lớn các ý kiến chất vấn được người đứng đầu cơ quan, tổ chức giải trình, tiếp thu, đề ra biện pháp, thời gian khắc phục những tồn tại, hạn chế, nên hoạt động chất vấn từng bước khắc phục được tính hình thức.

Điều đặc biệt quan trọng là qua mỗi Phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh và một số huyện trong thời gian qua, HĐND ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp để nâng cao hơn nữa hiệu lực và hiệu quả chất vấn của HĐND; nghị quyết của HĐND có những nội dung đồng ý với trả lời chất vấn, nhưng quan trọng hơn là đưa ra những biện pháp khắc phục, thời gian khắc phục hoặc quy kết trách nhiệm của cơ quan hay cá nhân bị chất vấn.

Việc ban hành nghị quyết và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết sẽ nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cá nhân bị chất vấn và bảo đảm hiệu quả của hoạt động chất vấn; đồng thời, cũng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.

Đồng chí Nguyễn Thị Sáng.
Đồng chí Nguyễn Thị Sáng.

* PV: Qua theo dõi nhiều kỳ họp HĐND tỉnh, một số cử tri cho rằng không khí Phiên chất vấn và trả lời chất vấn có phần trầm lắng, các đại biểu rất ít có câu hỏi chất vấn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tỉnh, chưa phát huy rõ nét vai trò người đại biểu nhân dân, đồng chí nghĩ sao về ý kiến này?

* Đồng chí Nguyễn Thị Sáng: Phải thừa nhận rằng, mặc dù thời gian qua hoạt động chất vấn của HĐND đạt được một số kết quả tốt; tuy nhiên, số lượng ý kiến chất vấn trong các kỳ họp vẫn còn ít, có đại biểu đặt câu hỏi chất vấn còn đơn giản, chủ yếu là nắm thông tin; người trả lời chất vấn có một số nội dung trả lời chưa cụ thể, chưa xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân, chưa đi thẳng vào vấn đề nên đại biểu và cử tri chưa hài lòng.

Một số vụ việc đại biểu chất vấn nhiều lần nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm… Đó là những hạn chế của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

* PV: Theo đồng chí, cần làm gì để hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới đạt hiệu quả cả bên hỏi và bên trả lời?

* Đồng chí Nguyễn Thị Sáng: Thực tế mỗi nhiệm kỳ, đại biểu HĐND phần lớn là đại biểu mới tham gia lần đầu, chưa có kinh nghiệm trong hoạt động HĐND, mà chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp, được cử tri đặc biệt quan tâm, vì vậy để hoạt động chất vấn đạt hiệu quả, sắc bén, mang tính phản biện cao và công khai, minh bạch thì đại biểu HĐND cần nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm, tính tích cực trong hoạt động chất vấn, không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng chất vấn như: Kỹ năng lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn, lựa chọn ngôn ngữ đối thoại trong chất vấn...

Phản ánh thông tin khi chất vấn phải ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu, nội dung chất vấn tại kỳ họp phải là những vấn đề có tính bức xúc, có tầm ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri và đại biểu HĐND quan tâm…; nắm chắc vấn đề thì mới đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu cần nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan, các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề chất vấn…. Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của từng ngành, từng cấp để những câu hỏi chất vấn và những kiến nghị của đại biểu sát thực, đúng địa chỉ.

Tại Phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn, giải trình chưa rõ thì cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu.

Trong mỗi nhiệm kỳ, Thường trực HĐND các cấp cần quan tâm nhiều đến công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu mới ứng cử lần đầu. Có thể trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND nên tổ chức tập huấn vài lần hoặc tổ chức Hội thảo chuyên đề để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa đại biểu tham gia HĐND nhiều nhiệm kỳ với các đại biểu mới tham gia lần đầu, được như vậy từng bước sẽ nâng cao chất lượng hoạt động HĐND.

Đối với việc xem xét trả lời chất vấn, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính quyết định đối với hiệu quả và ý nghĩa của quyền chất vấn. Người trả lời chất vấn phải trả lời tất cả các ý kiến mà đại biểu đã chất vấn; nội dung trả lời phải đúng trọng tâm, ngắn gọn, không phân tích viện dẫn các lý do dài dòng; tiếp thu nghiêm túc, có thái độ thiện chí, cầu thị, làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể.

Nếu hứa giải quyết vấn đề nào đó, người trả lời chất vấn cần nêu rõ phương án, lộ trình thực hiện cụ thể, giải pháp cụ thể và thời gian sẽ hoàn thành để đại biểu và cử tri giám sát. Người trả lời chất vấn phải đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, trường hợp có lý do chính đáng mới ủy quyền cho cấp phó trả lời thay và phải được HĐND đồng ý.

Tôi cho rằng, để hoạt động chất vấn của HĐND và Thường trực HĐND đạt hiệu quả cả bên hỏi và bên trả lời đòi hỏi mỗi người phải tích cực, thiện chí và trách nhiệm.

Về phía HĐND, phải tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết của HĐND cùng cấp và giám sát việc thực hiện lời hứa của người được chất vấn đối với cử tri. Ngay sau Phiên chất vấn, UBND cần chỉ đạo kịp thời thực hiện các nội dung việc giải quyết các vấn đề đại biểu, cử tri đã chất vấn.

Để làm được điều đó, cần duy trì tốt việc thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

Qua đó, những vấn đề phát sinh được trao đổi, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả; trong đó, có công tác chuẩn bị cho hoạt động chất vấn và giải quyết các vấn đề sau Phiên chất vấn.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, HĐND các cấp nên tiếp tục kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu quy định các chế tài cụ thể nếu việc giải quyết và trả lời chất vấn không nghiêm túc, không đạt yêu cầu nhằm nâng chất hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đáp ứng nguyện vọng cử tri cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THU HOÀI (thực hiện)

.
.
.