Chủ tịch Hồ Chí Minh - người hoạt động báo chí suốt đời không mệt mỏi
(ABO) Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động báo chí mẫu mực. Người không chỉ có công sáng lập và chỉ đạo xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam, mà còn là một nhà báo trực tiếp cầm bút tài năng xuất chúng, để lại cho đời sau một khối lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng. Hồ Chí Minh là một nhà báo mẫu mực, một tấm gương sáng, trở thành niềm tự hào của nền báo chí Việt Nam ngày nay và mãi mãi về sau.
Nắm vững lý luận và thực tiễn cách mạng, vận dụng đúng thời cơ, ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu - Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Thanh niên ra đời đã mở ra một dòng báo chí mới ở nước ta: Báo chí cách mạng Việt Nam. Là đội quân đi đầu trong công tác chính trị - tư tưởng, với chức năng tuyên truyền, cổ động, tổ chức nhân dân đứng lên làm cách mạng vì độc lập, tự do, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, báo chí cách mạng đã trở thành một vũ khí cách mạng vô cùng lợi hại.
Tờ Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu - Trung Quốc. Ảnh tư liệu |
Cách mạng Tháng Tám thành công, các báo Cứu quốc, Cờ giải phóng… tiếp tục xuất bản ở thủ đô Hà Nội với thể tài phong phú, hình thức đẹp và địa bàn phát hành rộng rãi hơn. Nhiều tên báo mới ra đời ở Thủ đô và một số thành phố lớn. Chỉ 5 ngày sau Lễ Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), theo quyết định của Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, Đài Tiếng nói Việt Nam (7-9-1945) và ít ngày sau đó là Việt Nam thông tấn xã thành lập (15-9-1945), với quy mô và nhiệm vụ của những cơ quan thông tin đại chúng quốc gia.
Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân ở chiến khu Việt Bắc năm 1951. |
Trong những ngày kháng chiến gian khổ cũng như trong xây dựng hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, xây dựng báo chí, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm báo. Người khen ngợi, biểu dương những nhà báo có việc làm tốt, có tác phẩm hay cũng như phê bình, uốn nắn những thiếu sót, bất cập của báo chí. Người luôn tự nhận mình là người “có duyên nợ đối với báo chí”. Hai kỳ Đại hội toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành năm 1959 và 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đến thăm và có những lời chỉ bảo sâu sắc, ân cần.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16-4-1959 . Ảnh tư liệu |
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm xây dựng, chỉ đạo báo chí, dành cho báo chí nhiều ưu ái, Người còn trực tiếp viết báo. Hồ Chí Minh là người hoạt động báo chí suốt đời không mệt mỏi. Ngay cả trong thời gian giữ trọng trách lãnh đạo đất nước, nhiệm vụ nặng nề và thời gian eo hẹp, Bác Hồ vẫn viết báo đều đặn. Riêng Báo Nhân Dân, từ khi báo này ra số đầu tiên (năm 1951) cho đến khi Người đi xa (năm 1969), đã đăng khoảng 1.200 bài báo của Bác, trung bình mỗi năm, Người viết 60 - 70 bài. Trong nửa thế kỷ, tính từ ngày đăng bài báo đầu tiên cho đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết không dưới 2.000 bài báo.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là cốt lõi, là vấn đề cần quan tâm trước hết. Trong thư gửi lớp học viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng (năm 1948), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng tới mục đích chung. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc”.
Mặc dù bận rất nhiều công việc của một vị Chủ tịch nước, nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng. Nói về mục tiêu của báo chí cách mạng, trong phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II (4-1959), Người chỉ rõ: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Đại hội III, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam). |
Đạo đức báo chí, trong tư duy báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện trước hết ở tinh thần nhà báo là chiến sĩ. Người làm báo phải tự coi mình là chiến sĩ cách mạng, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp của nhân dân, vì độc lập, tự do cho chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “Những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì mọi việc khác mới đúng được”.
Đạo đức báo chí đòi hỏi người làm báo phải “gần gũi quần chúng”, “đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” để viết cho thiết thực; khắc phục thói ba hoa, hình thức, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Nhà báo phải trung thực. Bác Hồ luôn đòi hỏi các nhà báo phải “coi trọng tính chân thực của tác phẩm”. Người nhiều lần nhắc nhở các nhà báo có dịp đi theo phục vụ công tác của Người phải “thận trọng” đến từng chi tiết, từng số liệu trích dẫn trong bài. Phải giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ, nhà báo trong chuyến thăm và làm việc ở Quảng Ninh, ngày 2-2-1965, dịp Tết Ất Tỵ. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam). |
Trong kháng chiến chống Pháp và cả sau khi đã về thủ đô Hà Nội, mỗi lần viết xong một bài báo, Bác Hồ thường mang ra đọc cho một vài đồng chí phục vụ gần gũi Người nghe trước. Phần lớn họ là những người lao động bình thường, học vấn không cao. Chỗ nào họ cảm thấy khó hiểu, Bác sửa lại. Thế nhưng những bài chính luận, những tiểu phẩm Người viết bằng tiếng nước ngoài cho những tờ báo lớn lại là những tác phẩm mẫu mực cả về nội dung và ngôn ngữ, cho đến nay vẫn làm kinh ngạc nhiều nhà văn, nhà báo lỗi lạc.
Nhận xét khái quát văn phong của Bác Hồ, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: “Cách nói và cách viết của Hồ Chủ tịch có những nét rất độc đáo: Nội dung khẳng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và khối óc của người ta; hình ảnh sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân”.
Có thể khẳng định rằng, những cống hiến của Hồ Chí Minh với tư cách là người sáng lập, tổ chức, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng như với tư cách một người trực tiếp viết báo trong gần nửa thế kỷ là rất to lớn. Di sản báo chí mà Người để lại cho đời sau là di sản của cách mạng Việt Nam, di sản của văn hóa Việt Nam.
HỒNG LÊ (tổng hợp)