.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Cập nhật: 19:58, 05/06/2023 (GMT+7)

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 5-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo luật này.

Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở: Từ phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, quản lý nhà nước về nhà ở và việc xử lý vi phạm các vấn đề về nhà ở; trong đó, có chính sách nhà ở xã hội đã giúp hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hộ nghèo tại khu vực nông thôn tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh - xã hội của đất nước.

Đồng thời, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Toàn cảnh thảo luận tại tổ.

Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, luật hiện hành đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các luật khác có liên quan. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo luật đã tăng hơn 13 điều; trong đó, bãi bỏ 7 điều trong luật hiện hành, giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; luật hóa từ nghị định 11 điều.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đánh giá Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bên cạnh đó, đóng góp thêm ý kiến đối với những điều, khoản còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu thảo luận
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cơ bản nhất trí với Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật. Để hoàn thiện dự án luật, đại biểu đóng góp một số nội dung như sau:

Tại Điều 1, phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chuyển nội dung quy định tại khoản 2 Điều 4; áp dụng Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan về Điều 1 dự thảo luật như quy định tại Điều 1 Luật Nhà ở hiện hành, phù hợp với nội dung quy định thuộc về phân định phạm vi điều chỉnh giữa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

 Về nội dung quy định, đại biểu cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện nay mới chỉ có những quy định về “chính sách về nhà ở xã hội” (Chương VI dự thảo luật), chưa rõ ràng về các quy định liên quan đến giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội của các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản (các quy định liên quan đến hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên hợp đồng, việc bàn giao nhà ở xã hội hình thành trong tương lai theo hợp đồng…).

Bên cạnh đó, tại dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) theo Tờ trình số 150/TTr-CP ngày 26-4-2023 của Chính phủ trình Quốc hội vẫn có các quy định đối với nhà ở xã hội (hợp đồng mua bán, thuê mua, thuê, thanh toán hợp đồng, bàn giao nhà, quyền và nghĩa vụ của các bên, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu…). Vì vậy cần quy định cụ thể để đảm bảo tính khả khi luật được ban hành.

Tại Điều 4, áp dụng Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan cần rà soát, bỏ những nội dung trùng lặp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Tại Điều 5, về các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định tại khoản 7 về cấm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở ủy quyền hoặc giao cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện ký hợp đồng thuê, thuê mua, mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc các giao dịch về nhà ở hoặc kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, thống nhất với nguyên tắc về tự do ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định tương ứng tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Tại Điều 19, về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đại biểu đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, phù hợp với quy định tại Điều 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Tờ trình số 136/TTr-CP ngày 25-4-2023 của Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo đó, người sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân nước ngoài. Cân nhắc quy định về “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam” tại điểm c khoản 1 Điều 19 và khoản 3 Điều 20 dự thảo luật chưa đủ rõ ràng về thời gian lưu trú tại Việt Nam và các điều kiện khác bảo đảm tính hợp lý của quy định.

Cũng cho ý kiến góp ý đối với dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, chung cư là lời giải cho các đô thị lớn, tại Việt Nam chung cư phân khúc bình dân và trung cấp là sản phẩm có thanh khoản tốt do nhu cầu của người dân rất lớn, Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến thị trường nhà chung cư khi làm thay đổi bản chất quyền sở hữu theo hướng giảm quyền lợi của người mua nhà, tuy nhiên cơ quan soạn thảo luật chưa đưa ra dự báo tác động của quy định sửa đổi trên thị trường bất động sản.

Đại biểu cũng cho rằng, khi sử dụng nhà chung cư, người dân cần bảo đảm 2 quyền là quyền sở hữu và quyền sử dụng. Tuy nhiên, luật còn chưa quy định rõ ràng gây khó hiểu, tâm lý lo lắng cho người mua. Vì vậy, dự thảo luật lần này cần quan tâm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và các bên khi tham gia hợp đồng mua bán chung cư. Cần bổ sung rõ thêm những nội dung mang tính nguyên tắc, cốt lõi về hợp đồng mua bán chung cư, đặc biệt về nghĩa vụ của các bên: Nhà đầu tư có nghĩa vụ gì, khách hàng có nghĩa vụ gì? Bên cạnh đó, quy định rõ về những thỏa thuận và những chế tài đối với nhà đầu tư, đối với người phát hành sản phẩm cũng như đối với khách hàng.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Theo đại biểu, dự thảo luật sửa đổi cũng cần quy định việc phân chia quyền sở hữu chung, sở hữu riêng của các chủ đầu tư, các nhà đầu tư, của các khách hàng sở hữu căn hộ trong chung cư, sở hữu chung như thế nào? Ngoài ra, cần phải phân biệt các quy định và có chế tài để làm căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, của người sở hữu, của người sử dụng các căn hộ chung cư hết sức rõ ràng.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm góp ý cụ thể đối với các nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; mức giá bồi thường nhà chung cư khi bị giải tỏa; chính sách phát triển nhà ở xã hội; ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê; về nhà lưu trú công nhân; đối tượng được hưởng chính sách về nhà lưu trú công nhân...

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.