.

Huy động trí tuệ, tâm huyết, thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện Luật Đất đai

Cập nhật: 08:45, 24/06/2023 (GMT+7)

Chiều 21/6, phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nêu rõ cơ quan soạn thảo sẽ phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật , bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

b

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý giải trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đánh giá là có bước tiến rất quan trọng về chất lượng của dự thảo Luật - Ảnh: VGP/LS

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới nhân dân cả nước thời gian qua đã rất quan tâm tham gia góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi); cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và cho ý kiến kết luận; cảm ơn các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trách nhiệm, sát đúng với tình hình thực tiễn cũng như định hướng lâu dài trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng gửi lời cảm ơn các cơ quan hữu quan, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ cơ quan soạn thảo đã cố gắng phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật,  bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý giải trình, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đánh giá là có bước tiến rất quan trọng về chất lượng của dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 gồm 16 chương, 263 điều.

Bộ trưởng cho biết để đảm bảo tính thống nhất và tránh chồng chéo giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự thảo luật khác, xác định nguyên tắc đối với các luật được ban hành trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát luật nào có quy định mâu thuẫn, xung đột thì quy định cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo luật, bảo đảm có hiệu lực đồng bộ và bảo đảm tính khả thi. Đối với các luật đã có trong chương trình xây dựng pháp luật như Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng, Luật Đấu thầu, v.v. sẽ được rà soát, thống nhất quy định với Luật Đất đai.

Cùng với đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động nghiên cứu kỹ lưỡng chi phí đất đai là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai và đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư.

Khi thảo luận, góp ý, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề liên quan đến nguyên tắc, phương pháp định giá đất, áp dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể và phương pháp tính định giá đất. Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết dự thảo Luật Đất đai bỏ khung giá đất và sẽ thực hiện bảng giá đất hằng năm. Sau khi Luật Đất đai có hiệu lực sẽ xây dựng bảng giá đất hằng năm lần đầu tiên và dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2025.

Về phương pháp tính định giá đất, dự thảo Luật đưa ra 4 phương pháp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ 4 phương pháp này sẽ bao trùm tất cả những trường hợp liên quan đến đất đai. Về định giá đất cụ thể thì tùy từng trường hợp, địa phương sẽ quyết định, trong đó phải đảm bảo được việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và giá đất sát nhất với với thị trường, đảm bảo công bằng.

Việc thực hiện đấu giá, đấu thầu giao đất cho thuê đất theo thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết sẽ ưu tiên việc đấu giá đất. Đồng thời, nghiên cứu quy định về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên giao cho HĐND tỉnh quyết định về những dự án trọng điểm, dự án quan trọng, dự án vì sự cần thiết của địa phương.

Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong Luật Đất đai sẽ cố gắng đưa các điều khoản bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi có được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trong đó, để có cuộc sống bằng và hơn nơi ở cũ không phải chỉ về điều kiện sống về hạ tầng mà chọn vị trí của tái định cư, chọn vị trí vừa ở và vừa sản xuất là rất quan trọng, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, phù hợp với tính cộng đồng, phù hợp với dân tộc. Như vậy chính quyền địa phương phải quyết định được việc tái định cư như thế nào. Cùng với đó, bảo đảm sinh kế của nhân dân. Về lâu dài, tiếp tục đào tạo, hỗ trợ lao động.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết phải có tính đồng bộ trong quy hoạch. Do đó phải công khai, minh bạch cho nhân dân để người dân theo dõi, được sử dụng, được khai thác và được giám sát.

Với quy định về giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Luật Đất đai sẽ cố gắng để quy định việc thu hồi đất của những đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không hiệu quả để tập trung đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Về giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo, Bộ trưởng nêu rõ phương châm là khuyến khích giải quyết việc tranh chấp từ cơ sở, không đẩy lên cấp cao hơn.

Điểm lại một số nội dung khác mà các đại biểu đã nêu như thu hồi đất kinh tế, tách dự án giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu đất đai, các hành vi bị cấm v.v.., Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ./.

Theo Chinhphu.vn 

.
.
.