Cử tri kiến nghị về sản xuất nông nghiệp, y tế và sạt lở
(ABO) Chiều 6-7, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; cùng các ĐBQH tỉnh: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang, Nguyễn Văn Dương đến tiếp xúc cử tri các huyện Cai Lậy, Gò Công Tây, Tân Phước, tỉnh Tiền Giang sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
ĐBQH lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri. |
Tại các buổi tiếp xúc, sau khi nghe ĐBQH tỉnh thông tin đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri phản ánh, kiến nghị một số vấn đề còn bức xúc ở địa phương.
CỬ TRI KIẾN NGHỊ HỖ TRỢ NÔNG DÂN TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Gò Công Tây bày tỏ ý kiến, hiện nay giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân không mặn mà với canh tác những loại cây truyền thống của vùng, đặc biệt là canh tác cây thanh long, do một vài năm trở lại đây loại cây ăn trái này thường xuyên lâm vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến nông dân chật vật trong vấn đề tiêu thụ nông sản. Nhiều người muốn chuyển đổi canh tác sang loại cây trồng mới nhưng lo sợ tiếp tục bị tắc nghẽn ở đầu ra. Mặt khác, nhiều người không đủ chi phí để tái sản xuất nông nghiệp. Cử tri kiến nghị Nhà nước nghiên cứu có chính sách hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất, hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng đất.
Cử tri huyện Gò Công Tây phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. |
Trả lời cử tri về vấn đề này, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có một số sản phẩm nông sản đã được đăng ký bảo hộ để đảm bảo yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiêu biểu là cây lúa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận hàng hóa độc quyền đối với gạo VD20 Gò Công. Đồng thời, để chuyển dịch nền nông nghiệp của huyện theo hướng tăng tỷ trọng giá trị và lợi nhuận cho nông dân. Huyện đã triển khai kế hoạch để được cấp mã số vùng trồng đối với cây thanh long, dừa và bưởi ở các xã có diện tích canh tác lớn, tạo tiền đề cho nông sản trên địa bàn được tiếp cận đến thị trường trong và ngoài nước, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn trả lời ý kiến cử tri. |
Ngoài ra, đồng chí cho rằng, vấn đề thua lỗ của nông dân trong việc canh tác cây thanh long là bắt nguồn từ việc phá bỏ diện tích khi thấy giá thấp và trồng lại khi giá cao. Bởi lẽ, chi phí duy trì diện tích trồng sẽ thấp hơn chi phí đầu tư lại từ đầu sau khi phá bỏ. Một khi ồ ạt tăng diện tích trồng cũng kéo theo nguy cơ mất cân bằng cung cầu, từ đó không đảm bảo được giá trị đầu ra cho nông sản. Đại biểu khẳng định, trách nhiệm của địa phương là luôn nỗ lực để tìm lời giải cho bài toán đầu ra nông sản, góp phần cải thiện kinh tế, ổn định thu nhập và đời sống cho người dân.
Quang cảnh buổi tiếp xúc. |
Thông tin thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Để khắc phục tình hình này, Quốc hội đã ban hành nghị quyết kỳ họp Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cho Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng trong nước; khai thác hiệu quả thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã; tập trung nguồn lực khôi phục và phục hồi đa dạng hóa thị trường quốc tế; tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá ra các thị trường lớn, thị trường có tiềm năng.
Ngoài ra, về vấn đề kiềm chế giá các vật tư đầu vào tăng cao, Việt Nam đã đề ra mục tiêu trong năm 2023 là ổn định kinh tế vĩ mô để kiềm chế lạm phát. Theo đó, Việt Nam tập trung hỗ trợ các đầu vào trong sản xuất nông sản và hàng hóa nói chung như các chính sách miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí về bảo vệ môi trường, VAT, thuế sử dụng đất…
CỬ TRI KIẾN NGHỊ QUAN TÂM ĐẦU TƯ CHO LĨNH VỰC Y TẾ
Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước kiến nghị ĐBQH, lãnh đạo tỉnh xem xét giải quyết cho người dân các vấn đề: Hỗ trợ F0, F1 cho trẻ em, người cao tuổi; vấn đề ưu đãi cho công chức, viên chức ngành Y tế; giải quyết trình trạng thiếu thuốc của Phòng khám Đa khoa Vạn Phúc; đề nghị sớm thông tuyến tỉnh tạo thuận lợi cho người dân trong khâu chữa bệnh; đầu tư, nâng cao chất lượng chữa bệnh của y tế cơ sở, bảo vệ sức khỏe người dân.
Trả lời vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, những phòng khám ngoài công lập có danh mục thuốc bảo hiểm y tế khác phòng khám công lập. Mỗi cấp có một danh mục thuốc điều trị bảo hiểm y tế riêng, từ trạm y tế phường, trung tâm y tế huyện, bệnh viện tỉnh có danh mục khác với những bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh nên khi chuyển lên tuyến trên thì sẽ được hưởng danh mục thuốc cao hơn. Trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ kiến nghị mở rộng danh mục để trạm y tế phường và trung tâm y tế có danh mục tương đương nhau và bệnh viện tỉnh cũng có danh mục thuốc gần giống với bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, người dân có bảo hiểm y tế sẽ được thụ hưởng những quyền lợi nhiều hơn và tránh để quá tải, chuyển lên tuyến trên.
Cử tri huyện Tân Phước phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. |
Về đề xuất thông tuyến tỉnh, đại biểu cho biết hiện tại đã có thông tuyến tỉnh. Bệnh viện chỉ chi trả bảo hiểm y tế đối với trường hợp thông tuyến tỉnh nội trú. Đối với những trường hợp không theo quy định của bảo hiểm y tế thì vẫn sẽ đóng tiền ngoài bảo hiểm y tế.
Đối với vấn đề ưu đãi cho công chức, viên chức ngành Y tế mà không được hưởng ưu đãi, theo Nghị định 05, đối tượng hưởng phụ cấp 40%, 70% lúc ban đầu tăng lên 100%. Tuy nhiên, nghị định có giá trị trong 2 năm (2022 - 2023) và hiện tại vẫn chưa thực hiện được. Sở Y tế cũng đã tổng hợp ý kiến và kiến nghị, đang chờ Bộ Y tế phản hồi.
ĐBQH tỉnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri |
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho biết thêm: Đối với việc thanh toán cho các đối tượng F0 và F1, Quốc hội cũng đã ra nghị quyết, giao nhiệm vụ cho Chính phủ trong năm nay phải thanh toán hết các chế độ cho những người được thụ hưởng. Việc huy động sử dụng nguồn lực trong phòng, chống Covid-19 sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm nay.
CỬ TRI LO LẮNG VỀ SẠT LỞ
Cử tri huyện Cai Lậy lo lắng tình trạng sạt lở, đặc biệt là sông Ba Rài thời gian qua. Cử tri cho rằng một trong các nguyên nhân là do tình hình khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ khiến hàng loạt điểm sạt lở xảy ra.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Nhanh cho biết, hiện tại địa phương đã thành lập 1 Tổ liên ngành phòng, chống khai thác khoáng sản trái phép. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã bắt được 9 vụ, tịch thu 1 vụ, còn lại xử lý hành chính. Liên quan đến vấn đề bắt cát tặc rồi thả không xử lý được, một trong những nguyên nhân là do phát hiện không đủ số lượng cát theo quy định nên rất khó để xử lý. Thậm chí, các đối tượng là chủ phương tiện chỉ thuê những người có hoàn cảnh khó khăn, không khả năng chi trả để đi khai thác cát trái phép.
Cử tri huyện Cai Lậy phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. |
Ngoài ra, địa bàn hoạt động rộng, trải dài nên quá trình truy bắt hết sức khó khăn. Huyện đề xuất kinh phí mua thêm thiết bị tuần tra để cùng với người dân trong phòng, chống khai thác cát trái phép, quyết tâm đẩy lùi loại tội phạm này.
Riêng đối với vấn đề sạt lở, huyện đang tiến hành khảo sát, cấp nguồn kinh phí cho Phú An và Hội Xuân và vừa cấp 23 tỷ đồng để làm kè. Tuy nhiên, địa phương chưa kịp thi công thì 1 điểm sạt lở nghiêm trọng khác xuất hiện. Đồng thời, nguồn kinh phí cho việc khắc phục sạt lở rất cao nên phải chờ vào nguồn ngân sách của tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tuyến thông tin thêm, trong tháng qua, Công an tỉnh phối hợp Tổ liên ngành bắt 14 vụ khai thác cát trái phép. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ quyết liệt hơn đối với tội phạm này. Đồng thời, đại biểu khuyến cáo người dân khi phát hiện cần nhanh chóng thông tin cơ quan chức năng để chung tay triệt xóa tội phạm khai thác cát trái phép.
LÊ MINH - SONG AN - TUẤN LÂM