Hiện thực hóa các mục tiêu trong khai thác, quản lý tài nguyên biển
Ngày 3-4-2023, Chính phủ ban hành "Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", với nhiều mục tiêu quan trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra.
Tàu cá của ngư dân miền trung ra khơi đánh bắt hải sản. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG) |
Việt Nam là quốc gia biển và biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Do vậy, phát triển bền vững kinh tế biển luôn là một trong những chủ trương lớn của Ðảng. Nhà nước, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm; khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập...
Trước thực trạng nêu trên, ngày 22-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó khẳng định phải phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân: Ðể góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về "Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Chiến lược được xây dựng theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đồng thời thể chế hóa được các chủ trương, định hướng lớn của Ðảng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Mong muốn của chúng ta đến năm 2050 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần phải đạt được từ nay đến năm 2030, cụ thể là: Tài nguyên biển được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển, đặc biệt là sáu ngành kinh tế biển đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho cộng đồng ven biển; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển phải được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả; các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức chịu tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển.
Tăng diện tích các khu bảo tồn biển và khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Ðiều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển đáp ứng được các yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển; tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết thêm, để giải quyết được các vấn đề trọng tâm, trọng điểm nêu trên, từ nay cho đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển các lĩnh vực kinh tế biển; phân vùng sử dụng không gian biển để khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các cấp, các ngành và đặc biệt quan tâm đến sinh kế của người dân, yêu cầu bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng "Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ" và "Quy hoạch không gian biển quốc gia" để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Một trong những đích đến của hai quy hoạch này là "phân vùng không gian biển" để giải quyết các vấn đề nêu trên.
Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc, đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển; đánh giá sức chịu tải môi trường, mức độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển cho phát triển kinh tế biển; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp, được kết nối và tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia; triển khai các giải pháp phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển (như phục hồi rừng ngập mặn) nhằm giảm thiệt hại do nước biển dâng, xâm nhập mặn...
Theo nhandan.vn