.
KỲ HỌP THỨ 9 - HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA X:

Thảo luận, giải trình về ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững cây ăn trái

Cập nhật: 14:55, 13/07/2023 (GMT+7)

(ABO) Vấn đề phát triển bền vững cây ăn trái và tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải là những vấn đề quan trọng mà đại biểu và cử tri luôn quan tâm ở nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang.

Tại Phiên thảo luận, giải trình, Kỳ họp thứ 9 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X vào sáng 13-7, các vấn đề này tiếp tục được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra và đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành tỉnh giải trình, đề ra giải pháp cụ thể tháo gỡ những hạn chế, bất cập kéo dài.

Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGÀY CÀNG NHIỀU

Tại Phiên giải trình, các đại biểu cho rằng, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều như: Nước thải, khí thải, chất thải rắn sinh hoạt ở các khu, cụm công nghiệp và việc vứt rác thải sinh hoạt, bao bì trái cây, xây dựng lấn chiếm kinh rạch dẫn đến ngăn dòng chảy, gây mất mỹ quan ở đô thị và nông thôn… Nhưng việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt tại các địa phương thực hiện chưa tốt. Vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần, cơ quan chức năng đã có giải pháp thực hiện nhưng chưa hiệu quả. Đề nghị UBND tỉnh phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp sớm xử lý tình trạng này?.

Giải trình vấn đề này, Phó Chủ tich UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, với trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, từng văn bản, kế hoạch thực hiện cũng đã giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Nhung phát biểu tại phiên thảo luận, giải trình
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Nhung phát biểu tại phiên thảo luận, giải trình.

Cụ thể: Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn nông dân trong việc thu gom và xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi; Sở Tài chính bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường để triển khai thực hiện công tác BVMT trên địa bàn tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công thương tham mưu về việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp;.. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm và triển khai các nhiệm vụ về BVMT theo phân cấp quản lý trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác BVMT vẫn còn một số tồn tại nhất định như đại biểu có ý kiến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường về nước thải, chất thải rắn sinh hoạt ở các khu vực nông thôn, do một bộ phận tổ chức, cá nhân vùng nông thôn vẫn chưa nhận thức tốt về công tác BVMT, chậm thay đổi, việc xóa bỏ những tập quán lạc hậu, gây ô nhiễm nguồn nước.

Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp vẫn còn diễn ra. Cùng với đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm nhiều trong lãnh đạo nhiệm vụ BVMT; công tác quản lý nhà nước về môi trường đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức; ý thức, trách nhiệm về BVMT của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, còn khoảng cách giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện, chưa hình thành được thói quen, ý thức tự giác về BVMT trong xã hội…

Về các giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Phạm Văn Trọng cho biết, Nghị quyết 18 ngày 07-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã xác định 5 nhóm giải pháp để khắc phục các tồn tại hạn chế nêu trên, cụ thể:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác BVMT; các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong công tác này, xác định việc đảm bảo, nâng cao chất lượng môi trường là nhiệm vụ cần tập trung trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện thường xuyên, lâu dài; đồng thời, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý…

Hai là, cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình về BVMT. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân chung tay BVMT”.

đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. Tập trung lãnh đạo nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới công tác quản lý rác thải sinh hoạt, triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác vô cơ, rác hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệ; đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Gắn nội dung BVMT vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển.

Quản lý chặt chẽ công tác BVMT ngay trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật. Hạn chế tiếp nhận các dự án đầu tư thuộc danh mục các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng chất ở các xã, các địa phương đã hoàn thành xây dựng nông mới theo hướng BVMT bền vững.

Bốn là, chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục các nguồn gây ô nhiễm môi trường; triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh, phòng, chống tội phạm môi trường của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, giải quyết dứt điểm, không để phát sinh điểm nóng, tình trạng ô nhiễm kéo dài.

Năm là, triển khai, thực hiện hiệu quả chính sách thuế, phí BVMT, ký Quỹ BVMT, bảo hiểm trách nhiệm bồi tường thiệt hại do sự cố môi trường theo quy định pháp luật; chính sách ưu đãi, hỗ trợ về BVMT, kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho BVMT; ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho BVMT, đảm bảo mức chi cho hoạt động sự nghiệp BVMT và tăng dần trong từng giai đoạn, phù hợp với khả năng ngân sách và yêu cầu, nhiệm vụ về BVMT.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY ĂN TRÁI

Cũng tại phiên thảo luận, giải trình, đại biểu tiếp tục đặt vấn đề, Cái Bè là huyện đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, huyện nỗ lực phát huy tiềm năng kinh tế vườn cây ăn trái. Kinh tế vườn đang mang lại cho nông dân nguồn lợi kinh tế quan trọng, nhất là các cây ăn trái như: Sầu riêng, xoài cát Hòa lộc,… có giá trị mang lại thu nhập cao. Với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết giải pháp lâu dài để người nông dân an tâm đầu tư đối với các loại cây trồng này.

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn giải trình các vấn đề đại biểu đạt ra
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNN Nguyễn Văn Mẫn cho biết, huyện Cái Bè có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 32.623 ha, trong đó diện tích sản xuất cây ăn trái khoảng 24.000 ha, chiếm 73,57% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện, cây ăn trái chủ lực của huyện là sầu riêng, mít, bưởi, xoài... Qua rà soát, diện tích xoài cát Hòa Lộc của huyện hiện còn rất ít, khoảng 260 ha, giảm 676 ha so với năm 2020. Đối với cây sầu riêng, đến tháng 6-2023 có 7.726 ha, tăng 4.938 ha so với năm 2000, trong đó có 877,96 ha được người dân trồng tự phát ngoài vùng quy hoạch.

Để hỗ trợ phát triển các nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở NN& PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang; Dự án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng và xoài cát Hòa Lộc... nhằm phát triển cây trồng theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, tình trạng phát triển sản xuất tự phát ngoài vùng quy hoạch còn diễn ra, địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác quản lý, định hướng sản xuất cho người dân.

Giám đốc Sở NN&PTNN cũng đề ra một số giải pháp để phát triển bền vững cây ăn trái của huyện Cái Bè. Cụ thể, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án được phê duyệt như: Đề án Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang; Dự án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng và xoài cát Hòa Lộc...

Hiện nay, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương lấy mẫu xác định tầng sinh phèn các huyện phía bắc Quốc lộ 1, để có khuyến cáo người dân trong vùng chỉ chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng trong vùng thích nghi, đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững, mang lại hiệu quả cao.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng cÁC đbqh TNIHR tIỀN gIANG DỰ
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh tham dự phiên giải trình, chất vấn.

Bên cạnh đó, tăng cường quản công tác giống, khuyến khích nhà vườn sử dụng giống cây ăn trái đảm bảo chất lượng, phù hợp điều kiện sản xuất, được sản xuất từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để trồng mới, thay thế vườn già cỗi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất buôn bán giống cây trồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất giống cây ăn trái không rõ nguồn gốc, kém chất lượng lưu thông cung cấp cho nông dân sản xuất.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, khuyến cáo người dân tiếp tục áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ, duy trì và mở rộng diện tích cây trồng đã được tỉnh hỗ trợ chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo nguồn sản phẩm chất lượng, tạo đầu ra ổn định và tăng giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nhà vườn.

Đối với việc thiết lập và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, huyện Cái Bè được cấp 112 mã số vùng trồng, với diện tích 7.249,9 ha, trên 5 chủng loại cây gồm sầu riêng, mít, xoài, vú sữa, dưa hấu và 47 cơ sở đóng gói xuất khẩu. Huyện cần thực hiện công tác này tốt và bền vững hơn nữa trong quản lý, duy trì, mở rộng thêm mã số cấp mới gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, giải quyết đầu ra sản phẩm.

Củng cố, nâng chất hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động đủ mạnh để đại diện nông dân ký kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng và phát huy thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý các cây ăn trái để tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái…

THU HOÀI - CAO THẮNG

.
.
.