.

Việt Nam - Campuchia: "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"

Cập nhật: 22:26, 08/07/2023 (GMT+7)

(ABO) Việt Nam và Campuchia là 2 quốc gia láng giềng, có đường biên giới tiếp giáp kéo dài 10 tỉnh của phía Việt Nam và 10 tỉnh của Campuchia. 2 quốc gia có truyền thống gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, sau 56 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ 2 nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực, góp phần củng cố mối đoàn kết giữa 2 dân tộc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước.

a
Phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.

Phải khẳng định rõ, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng mối quan hệ với nước bạn Campuchia. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa 2 nước là biểu tượng rực rỡ của mối tình hữu nghị, thân thiết, đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia. Một nhân tố tích cực trong việc gìn giữ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”, “Ngày nay cũng như ngày mai, 2 nước chúng ta mãi mãi là người bạn thân thiết”.

Trước tình hình mới, lãnh đạo Việt Nam, Campuchia tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống và hợp tác toàn diện giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước, coi đây là mối quan hệ chiến lược lâu dài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước, cần phải được giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. 2 nước đều mong muốn tiếp tục được củng cố, phát triển mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 20 đến ngày 22-7-2017, Thủ tướng Hun Sen nhất trí hoàn toàn với đề nghị 5 điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hướng tăng cường quan hệ giữa 2 Đảng, 2 nước trong thời gian tới là: Tăng cường, duy trì thường xuyên, hiệu quả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao 2 Đảng, 2 nước; đồng thời, mở rộng hợp tác rộng rãi giữa các bộ, ngành, các tổ chức nhân dân, các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới nhằm giúp đỡ nhau một cách thiết thực, có hiệu quả; không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.

Cũng trong chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao 2 nước đều khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của 2 nước về mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam. Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn chặn sự quay lại của chúng? Câu trả lời là nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu được những phận người khi gặp khó khăn, khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.

Với truyền thống đoàn kết, gắn bó đã qua sự tôi luyện thăng trầm lịch sử, quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục được giữ gìn, vun đắp và phát triển thông qua đường lối ngoại giao đúng đắn của mỗi nước. Các chuyến thăm ngoại giao cấp cao giữa 2 Chính phủ thường xuyên được tổ chức. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia tiếp tục duy trì mối quan hệ thường xuyên, gắn bó. Với tư cách thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam tích cực ủng hộ và thúc đẩy tiến trình kết nạp Campuchia vào Hiệp hội. Năm 2005, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo 2 nước nhất trí quyết tâm phát triển quan hệ 2 nước theo phương châm 16 chữ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, thúc đẩy nâng tầm từ “hợp tác nhiều mặt” lên “hợp tác toàn diện”. Trên cơ sở đó, quan hệ giữa 2 nước vừa phát triển theo chiều rộng, diễn ra trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến kinh tế, văn hóa - xã hội, vừa từng bước đi vào chiều sâu, hướng tới các thỏa thuận mang tính chiến lược, lâu dài ở cấp quốc gia.

Mặc dù các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ, song tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác giữa 2 Đảng, nhân dân 2 nước vẫn được giữ gìn, vun đắp và ngày càng phát triển qua các giai đoạn của lịch sử, phù hợp với nguyên tắc mà lãnh đạo cấp cao 2 Đảng, 2 Nhà nước đã thống nhất. Đó là “Quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Theo đó, 2 bên tiếp tục duy trì và phát huy quan hệ tốt đẹp về chính trị để định hướng tổng thể quan hệ giữa 2 nước; quan tâm gìn giữ và không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa sống còn của quan hệ Việt Nam - Campuchia đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trong tình hình mới; củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa 2 nước.

Tích cực trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm tăng cường sự gắn bó và tin cậy lẫn nhau; triển khai tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam; hợp tác chặt chẽ, chú trọng xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định và phát triển toàn diện; nhân rộng trên toàn tuyến một số mô hình hợp tác tốt và hiệu quả như hợp tác tuần tra chung của lực lượng Biên phòng; phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú tại khu vực biên giới 2 nước; phát triển và nâng cao đời sống nhân dân vùng biên giới thông qua phát triển các cụm kinh tế dọc biên, như khai khoáng, nông trường... và các dự án, chương trình hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Campuchia; phối hợp triển khai thực hiện có kết quả các thỏa thuận hợp tác của lãnh đạo cấp cao 2 nước và các thỏa thuận khác của các ngành và địa phương; tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại - một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ 2 nước, bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển của mỗi nước; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực.

Khuyến khích quan hệ hợp tác trực tiếp, toàn diện và hiệu quả giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới, các địa phương có điều kiện của Việt Nam với các tỉnh, thành phố của Campuchia, nhất là hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương và khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai và nguồn tài nguyên, nhân lực của mỗi bên. Đặc biệt, tích cực triển khai Thỏa thuận về tìm kiếm quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia và thực hiện công tác tôn tạo, tu bổ các Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại các tỉnh, thành phố ở Campuchia.

Năm 2023, kỷ niệm 56 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia (24-6-1967 - 24-6-2023), 2 nước đã và đang khẳng định quyết tâm phấn đấu, kế thừa và vun đắp nhân tố quyết định mối quan hệ giữa 2 nước là “tình đoàn kết, mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, gắn bó và sự hợp tác toàn diện giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia” ngày càng phát triển lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

                                                                        NGUYỄN HỮU HÒA

                                                          Phòng Kỹ thuật - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang




 

.
.
.