Tiền Giang: Không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế
Cập nhật: 18:09, 28/08/2023 (GMT+7)
(ABO) Chiều 28-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong khoảng 10 năm gần đây, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, mỗi năm có từ 10 - 12 cơn bão, lốc xoáy; có hơn 23 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 11,28 km và 1.151 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài khoảng 87,6 km; riêng năm 2016 và năm 2020, hạn, mặn diễn ra gay gắt, kéo dài và xâm nhập sâu vào nội đồng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Quang cảnh hội nghị. |
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24, Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của tỉnh từng bước được cải thiện theo hướng tích cực hơn qua các năm, cơ bản đã đạt được theo yêu cầu đề ra của Nghị quyết 24 và các nghị quyết của Trung ương về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường do địa phương ban hành đang ngày càng hoàn thiện, đồng bộ phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, xây dựng, tăng cường kết nối với các vùng, mạng lưới quan trắc môi trường, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn ngày càng được tăng cường đầu tư cơ bản đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo nhằm hạn chế tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu dự hội nghị. |
Song song đó, công tác bảo vệ môi trường được Tiền Giang ưu tiên đầu tư hằng năm, thu hút được sự tham gia của các cấp, các ngành và người dân địa phương, cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trong giai đoạn 2013 - 2022, Tiền Giang đã triển khai 25 nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế tự nhiên của tỉnh.
Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường luôn được quan tâm, chỉ đạo. Tiền Giang xác định đây là nguồn lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân tại địa phương.
Đồng chí Phạm Văn Trọng báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 24. |
Công tác tuyên truyền, giáo dục về sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu luôn được chú trọng, tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp cũng như nội dung tuyên truyền.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường được nâng lên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát huy vai trò giám sát của người dân tham gia công tác quản lý.
Công tác bảo vệ tài nguyên được chú trọng thông qua việc nâng cao năng lực quản lý của ngành, việc khai thác tài nguyên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế được quản lý chặt.
Công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp như: Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng hiệu quả, sát với định hướng phát triển chung của tỉnh; công tác phòng, chống thoái hóa đất canh tác nông nghiệp và điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai được quan tâm đầu tư thực hiện; cơ sở dữ liệu địa chính ngày càng được hoàn thiện; đưa đất đai vào sử dụng hợp lý, hiệu quả; khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất; quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất có rừng phòng hộ…
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xác định bảo vệ môi trường là điều kiện, là nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không được đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.
Tăng cường công tác bảo tồn hệ sinh thái, phát triển rừng phòng hộ; phát huy tính kế thừa các thành quả và duy trì ổn định hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học hiện có; huy động mọi nguồn lực của cộng đồng vào công tác bảo tồn sinh học.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với thiên tai; nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai của từng địa phương, đặc biệt là các nơi dễ bị tổn thương.
Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê biển, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển; phát triển hệ thống thủy lợi, nâng cao khả năng tưới tiêu cho các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn. Thực hiện đúng quy định các quy hoạch về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường, về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên cát lòng sông; kiểm tra, rà soát, hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra bão, lốc xoáy, sạt lở và các nguy cơ thiên tai khác.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh đề nghị cần nhất quán quan điểm: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững cần phải được lồng ghép trong chiến lược, trong quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành và từng lĩnh vực. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho sự phát triển bền vững…
Đồng chí Võ Văn Bình và đồng chí Phạm Văn Trọng trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang cho các tập thể có thành tích qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 24. |
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho 12 tập thể có thành tích qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 24.
VĂN THẢO