Bản hùng ca trên sông Ba Rài
Chiến thắng Ba Rài không chỉ phá tan cuộc hành quân càn quét mang biệt danh “trận càn Cohart” của quân viễn chinh Mỹ, mà còn góp phần chặn đứng cuộc hành quân càn quét mang biệt danh “Cửu Long 63” của quân ngụy (2 cuộc hành quân càn quét này dự kiến kéo dài từ ngày 15 đến 20-9-1967, nhưng buộc phải chấm dứt trong ngày 16-9-1967).
Tái hiện Chiến thắng Ba Rài. |
Đây là chiến thắng không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự là khẳng định vai trò của lực Lượng vũ trang Quân khu 8 và tỉnh Mỹ Tho, mà còn có vai trò quan trọng và quyết định, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, mà trực tiếp là Khu ủy khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho.
ĐÁNH BẠI CHIẾN THUẬT “HẠM ĐỘI NHỎ TRÊN SÔNG”
Cuộc hành quân của quân viễn chinh Mỹ đánh phá vào khu vực sông Ba Rài thuộc xã Cẩm Sơn vào ngày 15-9-1967 có quy mô cấp lữ đoàn. Lực lượng tham chiến gồm có: 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc lữ đoàn 2, sư đoàn 9, được mang biệt danh là “trận càn Cohart”.
Cuộc hành quân này không chỉ nhằm mục đích đánh chiếm, bình định địa bàn chiến lược và tiêu diệt Tiểu đoàn bộ binh 263 - bộ đội chủ lực Quân khu 8, mà còn để thử nghiệm nhằm khẳng định một chiến thuật mới (chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”) mà chúng dự kiến triển khai rộng rãi trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long, với hy vọng sẽ thoát khỏi những bế tắc của Mỹ - ngụy ở vùng này.
Tượng đài Chiến thắng Ba Rài. Ảnh: NGUYỄN NGỌC PHAN. |
Để thực hiện chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, lính bộ binh Mỹ đóng quân trên những chiến hạm vốn là doanh trại của hải quân Mỹ đóng ở ven sông Tiền, thuộc khu vực căn cứ Đồng Tâm. Từ trên những chiến hạm, lực lượng bộ binh Mỹ được bố trí vào các “xuồng thiết giáp đổ bộ”, có sự yểm trợ của các tàu chiến nhỏ (được trang bị pháo 40 ly hoặc 20 ly và súng cối 81 ly).
Để hỗ trợ cho lực lượng này, Mỹ bố trí xung quanh địa bàn Cai Lậy các cụm pháo theo đội hình có thể bắn chi viện cho nhau một cách hiệu quả nhất, như các cụm pháo do quân ngụy điều khiển đặt ở: Bến Tranh, Long Định, Cái Bè…; các cụm pháo do quân Mỹ điều khiển đặt ở: Thân Cửu Nghĩa, Hội Cư, Đồng Tâm và các khẩu pháo đặt tại các chiến hạm trên sông Tiền.
Trong “trận càn Cohart”, quân Mỹ dùng “xuồng thiết giáp đổ bộ” bí mật chở quân từ sông Tiền vào sông Ba Rài, khu vực xã Cẩm Sơn (địa bàn mà Tiểu đoàn bộ binh 263 của ta vừa mới cơ động tới và triển khai đội hình tác chiến trong đêm 14-9-1967). Trận chiến đấu đã diễn ra liên tục, quyết liệt, ròng rã suốt ngày 15-9-1967.
Chiến thắng Ba Rài tuy chỉ diễn ra trong 1 ngày (15-9-1967), nhưng là chiến thắng của một trận trực tiếp đánh quân viễn chinh Mỹ, tiêu diệt nhiều sinh lực và nhiều phương tiện chiến tranh nhất của địch kể từ khi chúng đặt chân lên vùng đất Tiền Giang. Chiến thắng Ba Rài đã tiếp nối một cách xuất sắc tinh thần Rạch Gầm - Xoài Mút, chiến thắng thủy quân Xiêm năm xưa, điểm thêm một nét son không bao giờ phai nhạt trong lịch sử - văn hóa Tiền Giang. |
Được sự chỉ đạo và động viên kịp thời của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và sự hỗ trợ liên tục, có hiệu quả của Đảng bộ và nhân dân địa phương, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 và bộ đội chủ lực quân khu đã phát huy cao độ tinh thần dũng cảm, sự mưu trí, truyền thống quyết thắng đã kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa, bảo toàn lực lượng và giáng cho địch những đòn choáng váng, lập nên chiến công vang dội. Ta đã bắn chìm 16 tàu các loại; bắn cháy, bắn hư 10 chiếc khác; bắn chết và bị thương hơn 500 tên địch; bắn cháy 9 xe M.113 chở trên tàu chiến của địch.
Vào thời điểm này, chiến thắng Ba Rài đã đem lại niềm tin và nguồn cổ vũ lớn lao đối với quân và dân Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong việc quyết tâm đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Đây chính là sự chuẩn bị cần thiết của Cẩm Sơn - Ba Rài - vùng giải phóng 20 tháng 7, của quân và dân Tiền Giang cho Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Chiến thắng Ba Rài không chỉ là chiến thắng của một trận đánh tiêu diệt tàu chiến Mỹ nhiều nhất của quân và dân Quân khu 8, mà còn là chiến thắng của một trận đột phá, có tính chất quyết định trong việc đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của “lực lượng hỗn hợp hải - lục trên sông”, có không quân và pháo binh chi viện tối đa, là phương án chiến thuật mà đế quốc Mỹ đã lựa chọn để triển khai trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giành thắng lợi cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên địa bàn này.
NHỮNG ĐỔI THAY TRÊN QUÊ HƯƠNG CHIẾN THẮNG BA RÀI
Sông Ba Rài là một trong những tuyến đường thủy huyết mạch của huyện Cai Lậy. Tại ấp 4 (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), đoạn sông này đã ghi dấu trận chiến đấu anh dũng lập nên chiến công oanh liệt ngày 15-9-1967, làm nên Chiến thắng Ba Rài lịch sử. Sau chiến thắng vang dội ấy, có những tên đất, tên người đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Quê hương thanh bình, dòng sông Ba Rài lại tiếp tục nhiệm vụ nối mạch giao thông, bồi đắp phù sa..., tạo điều kiện để xã Cẩm Sơn và các xã trong vùng không ngừng phát triển.
Cây sầu riêng đã giúp nông dân xã Cẩm Sơn vươn lên khấm khá. Ảnh: TRƯỜNG GIANG |
Hơn 50 năm sau Chiến thắng Ba Rài, những nơi từng là trận địa ác liệt năm xưa đã phủ xanh sức sống của vườn cây ăn trái. Truyền thống lịch sử hào hùng của Chiến thắng Ba Rài đã tiếp thêm sức mạnh cho xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) xây dựng cuộc sống mới.
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Sơn đã tập trung nâng chất các tiêu chí đã đạt hướng đến đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2023.
Theo UBND xã Cẩm Sơn, xã đã đạt 2/4 quy định về xây dựng xã NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025. Sau thời gian triển khai xây dựng NTM, NTM nâng cao, đời sống của người dân trong xã không ngừng được nâng cao, đến nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 71 triệu đồng/năm (đạt quy định số 2). Còn đối với quy định số 1, xã Cẩm Sơn đã duy trì đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Trong đó, xã Cẩm Sơn còn 3 tiêu chí cần nâng chất là tiêu chí Quy hoạch, Giao thông và Giáo dục.
Quê hương Chiến thắng Ba Rài đã và đang đổi thay từng ngày và chắc chắn, với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, cũng như sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân, vùng đất giàu truyền thống cách mạng này sẽ vững bước đi lên và sớm cán đích xã NTM kiểu mẫu.
NHƯ NGỌC (tổng hợp)