.
KỶ NIỆM 78 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG VÀ QUỐC KHÁNH (2-9-1945 - 2-9-2023)

Tuyên ngôn Độc lập vang mãi giá trị trường tồn

Cập nhật: 10:15, 01/09/2023 (GMT+7)

78 năm trôi qua, nhưng thời khắc lịch sử tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) vào chiều ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mãi hằn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt.

QUYỀN CON NGƯỜI GẮN LIỀN VỚI QUYỀN DÂN TỘC

Theo dòng lịch sử, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới. Việt Nam từ một nước thuộc địa, phong kiến đã trở thành một nước tự do, độc lập. Kể từ đây, nhân dân Việt Nam đã chấm dứt cuộc sống nô lệ, biến ước mơ thành hiện thực và sự dày công đấu tranh gian khổ, bền bỉ của cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đền đáp xứng đáng. 2 chữ “Việt Nam” đã trở lại trên bản đồ thế giới mà chủ nghĩa thực dân, phát xít xóa bỏ suốt gần một thế kỷ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Vào thời khắc thiêng liêng của lịch sử, với tư cách là đại biểu cho cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ (năm 1776) và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp (năm 1791), Người đã lần lượt khẳng định những quan điểm về quyền con người phải được công nhận: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.

Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Đó không chỉ là tư tưởng cơ bản về quyền con người, Hồ Chí Minh đã mở rộng và nâng cao hơn thành tư tưởng lớn về quyền của dân tộc, mà độc lập - tự do là tư tưởng cốt lõi.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã gắn kết 2 phạm trù pháp lý cơ bản là quyền dân tộc với quyền con người có mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ với nhau. Một dân tộc có được độc lập là điều kiện tiên quyết để đảm bảo con người có thể sống trong đất nước tự do, là công dân của một nước độc lập.

Đó cũng là tư tưởng bất hủ phải được xác lập mà Hồ Chí Minh đã đặt ra với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu hay khác nhau về thể chế chính trị, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và đứng vào hàng ngũ của các dân tộc tiên phong đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Một điều đáng chú ý trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện rất rõ việc xác lập thể chế nhà nước của một đất nước vừa giành được độc lập. Theo Hồ Chí Minh, “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa” thực hành theo nguyên tắc “chủ quyền nhân dân” với ý nghĩa nhân dân là chủ thể nước Việt Nam mới, của chế độ dân chủ cộng hòa đã được Hồ Chí Minh khẳng định rõ ràng.

Đồng nghĩa với việc xác lập quyền làm chủ của nhân dân không bó hẹp trong giai cấp, tầng lớp nào, mà là mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt giới tính, địa vị, tôn giáo, giai cấp. Đó là chế độ được lập ra từ thành quả đấu tranh của nhân dân, được xây dựng theo ý nguyện của các tầng lớp nhân dân cùng hướng tới mục tiêu cao cả “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho nhân dân, tạo tiền đề cho việc ra đời Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ngay khi thiết lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà tư tưởng của Người đã trở thành dòng chủ lưu dẫn dắt con đường cách mạng Việt Nam liên tục giành những thắng lợi lịch sử.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh tuyên bố rằng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” đã thể hiện ý chí, quyết tâm lớn lao của cả dân tộc trong việc bảo vệ giá trị thiêng liêng, bất khả xâm phạm và nêu cao tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Theo Người, sau khi giành được độc lập dân tộc phải đưa đất nước tiến lên xây dựng CNXH, nhằm giải phóng con người, giải phóng xã hội, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu, vươn tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người, mọi dân tộc.

Độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phản ánh qua sự thật lịch sử, chứng minh lời tuyên bố bất hủ của Người đúng 3 tuần lễ sau Ngày Độc lập 2-9-1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam, 2 miền Nam - Bắc đã đi liền một mạch gian khổ, kiên cường, miền Nam trở thành Thành đồng Tổ quốc, miền Bắc là hậu phương vững chắc của cách mạng miền Nam cùng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975) đến tận ngày 30-4-1975.

Sức mạnh đoàn kết, kiên cường của cả dân tộc một lần nữa được phát huy mạnh mẽ trong bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; tinh thần quyết tâm, đồng lòng của Đảng và Nhà nước cùng nhân dân đã tận dụng những thời cơ, vươn mình vươn lên trong sự nghiệp đổi mới đất nước đến thời kỳ hội nhập, phát triển cũng đã đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Mỗi giai đoạn lịch sử đều có những nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng một mục tiêu chung là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Nhìn lại dòng chảy của lịch sử của cách mạng Việt Nam và thực tiễn về con đường đi lên XHCN ở nước ta trong thời kỳ quá độ có đầy đủ luận cứ để khẳng định rằng, tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau 37 năm đổi mới, tư tưởng nhất quán về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vẫn còn nguyên giá trị, trở thành động lực, nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam phù hợp với ý Đảng, lòng dân. Đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần.

Vị thế, tiềm lực của đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Từ đó, tăng cường thêm niềm tin của nhân dân, góp phần nâng cao sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Nhất là tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp hữu hiệu để thực hiện 3 mục tiêu lớn để Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; tự cân đối ngân sách và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thực hiện thành công các chỉ tiêu đề ra.

LÊ NGUYÊN

.
.
.