.

Nam bộ - vùng đất "Thành đồng Tổ quốc"

Cập nhật: 09:12, 22/09/2023 (GMT+7)

Sáng 23-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ (sau đổi tên thành Ủy ban kháng chiến) họp khẩn tại phố Cây Mai (Chợ Lớn), đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống quân xâm lược. Ủy ban kháng chiến Nam bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong tỏa địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.

NAM BỘ KHÁNG CHIẾN

Trận phá xe của quân Pháp ở Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo) vào tháng 7-1947 của Tiểu đoàn 305 Mỹ Tho.                                                                                                                                                                            Ảnh: Tư liệu
Trận phá xe của quân Pháp ở Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo) vào tháng 7-1947 của Tiểu đoàn 305 Mỹ Tho. Ảnh: Tư liệu

Chỉ 3 tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 23-9-1945, 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở TP. Sài Gòn. Chúng mưu toan chiếm Nam bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương. Theo Lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam bộ đã thể hiện đúng tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng cho độc lập, tự do.

Tiếng súng mở đầu cho Ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945 ở TP. Sài Gòn đã chấn động cả nước, làm nên một tinh thần Nam bộ kháng chiến bất diệt. Từ gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Kết quả, ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bị bao vây chặt trong thành phố.

Từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng theo dõi sát sao diễn biến chiến trường Nam bộ, ngày 29-10-1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước, không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc… Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội quân xâm lăng nào đánh tan được…”.

Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào Nam tiến với khí thế hăng say chưa từng có. Với ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, quân và dân Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đề ra.

Chính vì lẽ đó, tháng 2-1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”. 2 năm sau, ngày 23-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi đồng bào và chiến sĩ Nam bộ, miền Nam Trung bộ nhân kỷ niệm Ngày Nam bộ kháng chiến. Bức tâm thư của Bác là lời tri ân và khẳng định: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập nhất định thành công!

HÀO KHÍ NAM BỘ KHÁNG CHIẾN Ở MỸ THO VÀ GÒ CÔNG

Cuối tháng 10-1945, quân Pháp tấn công Mỹ Tho và Gò Công. Nhân dân Tiền Giang đã anh dũng cầm súng chiến đấu chống lại địch. Cuộc kháng chiến lần thứ hai chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) đã bùng nổ.

Về chính trị, ngày 9-1-1946, dưới bom pháo của kẻ thù, nhân dân tỉnh nhà đã nô nức đi bầu cử Quốc hội và đã chọn được 5 vị đại biểu đại diện cho nhân dân tỉnh nhà. Tháng 5-1946, Mặt trận Việt Minh tỉnh tiến hành đại hội. Tiếp theo, Hội Liên Việt tỉnh đã được ra đời.

Với khí thế cách mạng sôi nổi và phấn khởi, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Việt Minh và nhân dân thị xã Mỹ Tho vinh dự tổ chức Lễ đón tiếp các đồng chí đảng viên trung kiên của Đảng từ ngục tù Côn Đảo trở về, trong đó có các đồng chí lãnh tụ của Đảng: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ… tại Trường College de Mytho với sự xúc động và niềm vui vô hạn.

Một sự kiện quan trọng khác trong thời điểm này là, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ vào ngày 25-9-1945, gồm đại diện Đảng bộ các tỉnh Nam bộ tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Thể (gần cầu Vĩ, xã Mỹ Phong). Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn, Dương Khuy, Nguyễn Văn Tiếp… đến dự, đặc biệt là đồng chí Hoàng Quốc Việt - Phái viên của Trung ương Đảng đến dự và phổ biến chủ trương của Đảng.

Qua đó, khối đoàn kết toàn dân tiếp tục được mở rộng. Chính quyền cách mạng phát triển vững chắc, kiểm soát hoàn toàn vùng nông thôn. Ủy ban Hành chính được đổi thành Ủy ban Kháng chiến - Hành chính để phù hợp với tình hình mới. Cơ sở chính trị quần chúng được xây dựng ở các thị xã, thị trấn. Từ đó, phong trào đấu tranh chính trị ngày càng dâng cao. Các cuộc bãi công, bãi khóa, bãi thị liên tiếp nổ ra. Phần lớn trí thức đều hướng về cách mạng. Nhiều học sinh “xếp bút nghiên” ra vùng bưng biền tham gia kháng chiến.

Về quân sự, mặc dù có quân đông, vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng quân Pháp chỉ chiếm được các thị xã, thị trấn và một số trục đường giao thông chiến lược. Tuy vậy, bọn chúng vẫn bị quân dân ta thường xuyên tập kích và phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.

Trong năm 1946, ta đã giành được những chiến thắng tiêu biểu, như trận Bình Ninh (huyện Chợ Gạo), diệt 40 tên địch; trận Bình Đức (huyện Châu Thành), bắt sống 12 tên và thu 12 súng; trận Long Khánh (huyện Cai Lậy), diệt 40 tên; trận tấn công thị trấn Cái Bè, làm chủ thị trấn trong nhiều giờ; trận Tân Bình Điền (Gò Công), loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên; trận Mỹ Trung - Mỹ An (Cái Bè), tiêu diệt một tiểu đoàn lính Hòa Hảo...

Lực lượng vũ trang trong tỉnh được xây dựng và phát triển nhanh chóng, bao gồm ba thứ quân: Dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực. Trong đó, các đơn vị của bộ đội chủ lực ngày càng lớn mạnh. Năm 1947, ở Mỹ Tho có Trung đoàn 105, ở Gò Công có Tiểu đoàn 305.

Về kinh tế, ta đã thành công trong việc vận động địa chủ hiến ruộng và giảm 50% mức địa tô. Đồng thời, chính quyền cách mạng còn tạm cấp ruộng đất cho nông dân thiếu hoặc không có ruộng. Do đó, giai cấp nông dân rất phấn khởi trong sản xuất và đóng góp hậu cần ngày càng nhiều cho kháng chiến.

Phong trào “Thi đua ái quốc” do Hồ Chủ tịch phát động được nhân dân Tiền Giang tích cực hưởng ứng. Nhân dân ra sức xây dựng và phát triển nền kinh tế kháng chiến; thực hiện triệt để công tác phong tỏa kinh tế địch. Trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, nhân dân có sáng kiến đào các “Kinh kháng chiến” để ngăn chặn xe cơ giới của địch, đảm bảo giao thông vận tải và tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp…

Nhìn chung, từ tháng 10-1945 đến đầu năm 1951, mặc dù phải trải qua nhiều gian khổ nhưng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Tiền Giang đã có sự phát triển vững chắc về mọi mặt, từng bước giành quyền chủ động trên chiến trường, đẩy địch vào thế bị động, phòng ngự.

NHƯ LÊ (tổng hợp)

 

.
.
.