Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm ngay chiều ngày khai mạc kỳ họp thứ 6
Theo dự kiến chương trình kỳ họp 6, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành vào cuối chiều ngày khai mạc kỳ họp (23-10) và diễn ra trong 3 phiên họp. Lần này, có 5 chức danh được bổ nhiệm trong năm 2023 không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6 |
Chiều 18-9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 26 (đợt 2), dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 25 ngày, họp tập trung tại Nhà Quốc hội; khai mạc vào ngày 23-10 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29-11, trong đó có bố trí làm việc 3 ngày thứ bảy. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 là 20,5 ngày, từ ngày 23-10 đến sáng ngày 16-11. Đợt 2 là 4,5 ngày, từ ngày 24-11 đến sáng ngày 29-11.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp 6, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành ngay cuối chiều ngày khai mạc kỳ họp (23-10) và diễn ra trong 3 phiên họp.
Cụ thể, trong chiều 23-10, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm do Ban Công tác đại biểu trình, sau đó tiến hành thảo luận tại các đoàn đại biểu về việc lấy phiếu tín nhiệm.
Sáng 24-10, sau khi báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều 24-10. Sau đó, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội được tiến hành theo Nghị quyết 96 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 5. Những chức danh được bầu và phê chuẩn từ 1-1 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm) sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Như vậy, tại lần lấy phiếu tín nhiệm tới đây, Quốc hội sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng không thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm đợt này.
Đến nay, Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Lần đầu tiên, năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh. Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 chức danh. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh.
Theo sggp.org.vn