.

Toàn văn bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang lần thứ IX

Cập nhật: 21:06, 22/09/2023 (GMT+7)

(ABO) Sáng 22-9, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Danh tại Đại hội.

Hôm nay, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028, một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội Nông dân và của nông dân Tiền Giang.

a
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu tại Đại hội.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin gửi đến đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Đại hội, các vị khách quý, các đồng chí và 270 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 265.000 hội viên Hội Nông dân của tỉnh về dự Đại hội lời chúc mừng tốt đẹp và lời chào trân trọng nhất.

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn coi trọng nông dân và xem phát triển nông nghiệp là một tất yếu khách quan, là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khác. Người đã từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”; đồng thời khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”.

Lịch sử đã chứng minh, giai cấp nông dân Việt Nam đóng vai trò rất to lớn trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta; đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giai cấp nông dân luôn là lực lượng trung thành và quan trọng, có nhiều đóng góp tích cực vào những thành quả chung của đất nước. Được hình thành và phát triển từ phong trào đấu tranh của giai cấp nông dân, Hội Nông dân các cấp luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân do Đảng lãnh đạo; làm nòng cốt trong tổ chức các phong trào nông dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ; chủ trương, đường lối của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Tỉnh ủy, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh nhà đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. Các cấp Hội phát huy tốt vai trò nòng cốt là trung tâm của phong trào nông dân, hoạt động của Hội sâu sát thực tiễn, gắn kết được với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của địa phương. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết (Báo cáo chính trị đã nêu rất rõ, rất đầy đủ và cụ thể; so với Nghị quyết, có 9/10 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 1 chỉ tiêu về Quỹ Hỗ trợ nông dân chưa đạt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19). Tôi chỉ xin điểm lại một số thành tích nổi bật:

Một là: Các cấp ủy đảng luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của tỉnh, khẳng định vai trò nòng cốt của Hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các mô hình kinh tế, các chuỗi giá trị, các hoạt động dịch vụ nhằm tạo động lực để nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; tạo môi trường thuận lợi để thu hút, khai thác khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà, bố trí hợp lý, an toàn dân cư ở vùng ngập lũ, sạt lở ven kênh, rạch, ven sông, ven biển.

Hai là: Chất lượng đội ngũ cán bộ Hội ngày càng được nâng cao về trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, được trẻ hóa, năng động, nhiệt tình, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm (đây là một yếu tố, là nhân tố rất cần thiết cho hoạt động của Hội trong giai đoạn hiện nay). Việc nắm bắt dư luận xã hội được quan tâm thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nông dân; hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được chú trọng ngày một tốt hơn.

Ba là: Tổ chức Hội ngày càng thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân; nội dung, phương thức hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Thành lập tổ liên kết sản xuất, cầu nối liên kết doanh nghiệp và nông dân trong xây dựng các mô hình sản xuất gắn với hướng dẫn nông dân chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và phù hợp với địa phương, với biến đổi khí hậu (đặc biệt mô hình chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, đây là mô hình mới, có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân hợp tác làm ăn, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia; trong nhiệm kỳ, đã thành lập mới 106 Chi hội Nông dân nghề nghiệp với 2.708 thành viên và 918 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp với 8.724 thành viên).

Thứ tư là: Phong trào “Nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đạt kết quả rất cao, là một trong những phong trào được nông dân đồng tình và tích cực tham gia, có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua triển khai thực hiện phong trào, bình quân hằng năm có khoảng 120.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm 60,14%; số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 2,7 lần, trên 1 tỷ đồng/năm, tăng gấp 1,8 lần so với tổng số hộ nông nghiệp của tỉnh (đây là một kết quả, một tín hiệu rất đáng mừng đối với đời sống của người nông dân đã được cải thiện, nâng lên ngày một tốt hơn, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn).

Năm là: Ý thức trách nhiệm của nông dân đối với xã hội ngày càng cao, tinh thần và nghị lực vươn lên ngày càng mạnh mẽ. Sự đóng góp của giai cấp nông dân đối với sự phát triển của tỉnh rất đáng được trân trọng, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới với việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp công, góp của, góp ý kiến là rất quan trọng, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc (trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020, cán bộ, hội viên, nông dân đã hiến hơn 300.000 m2 đất, làm mới và nâng cấp gần 607 km đường giao thông nông thôn, 809 cầu, cống; đóng góp trên 47.000 ngày công lao động và 170 tỷ đồng).

Những đóng góp của các cấp Hội Nông dân, của hội viên, nông dân và phong trào nông dân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là rất đáng trân trọng; thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, quyết tâm cao của các đồng chí. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin được chúc mừng, biểu dương những thành tích mà các đồng chí đã đạt được trong 5 năm qua và trong Đại hội này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ trao tặng Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh và cán bộ, hội viên, nông dân Bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”.

a
Đồng chí Nguyễn Văn Danh thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tặng Bức trướng cho Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh và cán bộ, hội viên, nông dân Bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”.

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong công tác lãnh đạo và hoạt động của Hội như báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đã chỉ rõ. Tôi chỉ nhấn mạnh thêm một số vấn đề để các đồng chí quan tâm hơn và sớm có giải pháp khắc phục:

Đó là: Nội dung, phương thức hoạt động của Hội có nơi vẫn chậm được đổi mới; công tác giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội còn hạn chế; còn khá nhiều cán bộ Hội thiếu sâu sát, không nắm được tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân nhiều nơi còn yếu, chưa khơi dậy mạnh mẽ được tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Đó là: Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết trong nông nghiệp còn lúng túng; hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa còn thấp; đời sống của một bộ phận nông dân vùng sâu còn khó khăn. Mặt khác, việc hạn chế tiếp cận tư duy kinh tế thị trường, sản xuất theo phong trào, tự phát, không theo định hướng quy hoạch là những vấn đề hết sức quan ngại, cần phải sớm có giải pháp khắc phục.

Đó là: Một số nơi, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa đánh giá đúng về vai trò của Hội Nông dân trong tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; chưa phát huy hết nguồn lực, thế mạnh trong nông dân, chưa gắn với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách có hiệu quả.

Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã nêu rất rõ trong Báo cáo trình Đại hội. Trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; yêu cầu đặt ra là phải xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững; nông dân phải được trang bị đầy đủ về kiến thức, năng lực để chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Các cấp Hội phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, tiếp tục đổi mới, tập hợp, đoàn kết, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phong trào nông dân.

Tại Đại hội, chúng ta đã nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo rất sâu sắc của đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chấp hành khóa mới cần nghiêm túc tiếp thu và bổ sung vào Nghị quyết để triển khai thực hiện. Tôi xin lưu ý và gợi mở thêm một số vấn đề để đại biểu Đại hội xem xét, quyết định:

Thứ nhất: Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên theo dõi và tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động của Hội Nông dân về tư tưởng, chính trị và tổ chức; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giai cấp, về lý tưởng cho cán bộ Hội, hội viên và nông dân; chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có nhiệt tình, tâm huyết với nông dân.

Ủy ban nhân dân các cấp và các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở; quan tâm phân bổ nguồn lực đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, thông tin thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để khai thác khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở ven kênh, rạch, ven sông, ven biển. Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai: Các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết để nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân. Đa dạng hóa các kênh thông tin để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước đến với cán bộ, hội viên và nông dân; xây dựng tổ chức Hội thật sự vững mạnh, phát triển sâu rộng các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp làm cơ sở xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, đây chính là sự thay đổi về phương thức tập hợp nông dân và là một nội dung trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ mới.

Thứ ba: Hội Nông dân phải là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới; xây dựng ấp, xã văn minh, môi trường lành mạnh; hình thành các khu dân cư với kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ. Phát huy dân chủ ở nông thôn đi đôi với xây dựng nếp sống văn hóa, nâng cao trình độ dân trí, bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục, mê tín, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng hội viên gắn với xây dựng hội viên nòng cốt từ những nông dân tiêu biểu có uy tín và nông dân sản xuất giỏi; quan tâm thu hút trí thức trẻ đến công tác ở nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp; có giải pháp khắc phục thực trạng “già hóa” lao động trong nông nghiệp, đưa cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến vào thay thế sức người trong sản xuất.

Vấn đề đặt ra là, người nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động để có thể làm chủ được công nghệ; người nông dân sẽ trở thành người nông dân chuyên nghiệp, biết ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thay sức người để xây dựng một nền nông nghiệp của tỉnh phát triển có chất lượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Thứ tư: Trong công tác phối hợp, Hội Nông dân tỉnh cần tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân các cấp, sự thống nhất với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong triển khai thực hiện các đề án, các chương trình của Hội. Vận động nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả trong chuỗi sản xuất đến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả; phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực vận động nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng cho nông dân đến việc giao dịch buôn bán trên các sàn giao dịch điện tử, đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại và quảng bá hàng hóa nông sản.

Thứ năm: Tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân để tiếp tục thực hiện chủ trương “trí thức hóa nông dân”; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học - công nghệ và những cơ hội, thách thức mới của quá trình toàn cầu hóa, của biến đổi khí hậu, giúp nông dân có đủ thông tin, có điều kiện để phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh việc xây dựng những hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tham gia cùng các ngành vận động nông dân thực hiện xã hội hóa để hình thành những dịch vụ chế biến nông sản, bảo quản trái cây nhằm tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiếp tục thực hiện trong các chuỗi giá trị, xây dựng các hình thức liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp, thực hiện các hoạt động dịch vụ, vận động thêm các nguồn vốn để hỗ trợ, giải quyết nhu cầu về vốn của nông dân. Đặc biệt, phải tìm mọi giải pháp khắc phục điệp khúc “Được mùa, mất giá”, “Được giá, mất mùa” và người luôn thiệt thòi là người sản xuất nông sản, người nông dân.

Quang cảnh tại Đại hội.
Quang cảnh tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Trong phiên họp ngày thứ nhất, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, đại biểu Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới 33 đồng chí, đây là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với công tác Hội. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin được chúc mừng các đồng chí đã được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành khóa mới và tin tưởng các đồng chí sẽ phát huy tốt năng lực, trí tuệ trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào nông dân và hoạt động Hội Nông dân nhiệm kỳ 2023 - 2028 có bước phát triển mới, xứng đáng với sự kỳ vọng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Công việc tiếp theo cũng rất quan trọng của Đại hội chúng ta đó là bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Để việc bầu cử Đoàn đại biểu thật sự có chất lượng, đại biểu Đại hội cần có sự cân nhắc kỹ trong lựa chọn bầu các đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực tốt, vừa đảm bảo tiêu chuẩn, vừa đáp ứng yêu cầu cơ cấu để hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu; các đồng chí được tín nhiệm bầu vào Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII cần phải phát huy tốt khả năng và năng lực của mình, mạnh dạn đề đạt tâm tự, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân tỉnh nhà tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Bác Hồ kính yêu đã dạy chúng ta: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Người cũng chỉ rõ quá trình, bước đi để xây dựng nông thôn mới thiết thực, có hiệu quả, đó là phải xây dựng cơ sở vật chất cho người nông dân để họ ổn định và có điều kiện tăng gia sản xuất. Muốn xây dựng nông thôn mới thì việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng vì an cư thì mới lạc nghiệp”.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ thường xuyên, có hiệu quả của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Hội Nông dân các tỉnh, thành bạn đối với phong trào nông dân tỉnh nhà trong những năm qua. Mong rằng, trong thời gian tới, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa của các đồng chí.

Xin kính chúc đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Đại hội, các vị khách quý và các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc các cấp Hội và nông dân tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh, phát triển mạnh mẽ, vững chắc, hoạt động ngày càng hiệu quả, xứng đáng với vai trò, vị trí và tiềm năng to lớn của mình; thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Chúc Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ IX thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

NGUYỄN VĂN DANH
 

.
.
.