Đồng chí Nguyễn Thị Thập sống mãi trong lòng dân
Cập nhật: 23:26, 09/10/2023 (GMT+7)
(ABO) Suốt cuộc đời tận hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thập luôn thể hiện tinh thần “vì dân, vì nước, vì phụ nữ”. Trong thời chiến cũng như thời bình, trên mọi cương vị công tác, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã để lại những dấu ấn sâu sắc được người dân cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng yêu mến, kính phục.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập về thăm căn cứ khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa (ảnh Tư liệu). |
Đồng chí Nguyễn Thị Thập sinh năm 1908 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Sinh ra, lớn lên trong thời điểm đất nước bị áp bức, bóc lột, nô dịch của chế độ thực dân, đế quốc, đời sống của nhân dân Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng vô cùng cực khổ, lầm than, bản thân đồng chí thuở nhỏ cũng phải vất vả để kiếm sống và phụ giúp gia đình. Thực tiễn quê hương, đất nước cũng như cuộc sống cực khổ, bươn chải của bản thân đã sớm hình thành trong người con gái trẻ tinh thần yêu nước và cách mạng, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Sớm giác ngộ tư tưởng yêu nước, năm 1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập bắt đầu tham gia Nông hội đỏ, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin liên lạc. Năm 1931, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động trong phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí luôn gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, nhưng rất đỗi oanh liệt, vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam. Điểm nổi bật trong cuộc đời hoạt động của đồng chí là dù ở bất kỳ hoàn cảnh, cương vị nào, đồng chí luôn hướng tới mục tiêu cao nhất “vì dân, vì nước, giải phòng phụ nữ” để đưa ra những quyết định phù hợp với tình hình thực tiễn, hợp lòng dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập trò chuyện với các đại biểu khu tự trị Việt Bắc tại Hội nghị Phụ nữ miền núi toàn miền Bắc, ngày 17-3-1964 (ảnh Tư liệu). |
Năm 1940, địch ra sức khủng bố, nhân dân đòi bạo động đánh lại quân Pháp. Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định lấy rừng Ba U làm căn cứ, tổ chức nhiều hội nghị ở nhiều nơi khác nhau trong tỉnh, bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa ở Mỹ Tho, thành lập Ủy ban Khởi nghĩa.
Đồng chí được giao nhiệm vụ phụ trách Lực lượng vũ trang của tỉnh. Từ tháng 8 đến tháng 11-1940, đồng chí tích cực tổ chức cho các địa phương trong tỉnh luyện tập, chuẩn bị cuộc khởi nghĩa lớn. Khi có lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy, Lực lượng vũ trang và nhân dân Mỹ Tho làm một cuộc “tiến công lên trời”, cờ đỏ sao vàng (sau này trở thành quốc kỳ của nước ta) lần đầu tiên được xuất hiện ở Đình Long Hưng - nơi được chọn làm tổng hành dinh cách mạng của cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho.
Trong hồi ký đồng chí viết: “Đúng ngày 22, rạng ngày 23-11-1940 cuộc khởi nghĩa, lệnh từ Sài Gòn về Mỹ Tho, 2 giờ khuya đến 5 giờ sáng, khắp nơi kéo quân đến đường bạo động giành chính quyền… Tôi như quên hẳn mình đang có thai gần kỳ sinh nở… Tóc búi cao, quần xắn đến gối, tôi thắt chặt bụng chửa bằng chiếc khăn rằn. Khi lên trước, khi chạy ngược lại đằng sau nhắc nhở anh em chỉnh tề đội ngũ mà người cứ nhẹ tênh, tưởng mình như còn con gái…”.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập nói chuyện với các đại biểu tại Hội nghị Phụ vận các tỉnh khu IV, năm 1972. (ảnh tư liệu) |
Cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945 đã giành thắng lợi trong cả nước, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I. Sau đó, đồng chí được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trở về miền Nam hoạt động.
Tại đây, đồng chí lãnh đạo phong trào phụ nữ Nam bộ đấu tranh và tổ chức các đoàn thể quần chúng. Từ năm 1947 đến năm 1952, đồng chí là Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ. Sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, theo chỉ đạo của Trung ương, đồng chí Nguyễn Thị Thập tập kết ra miền Bắc và suốt từ đó, đồng chí dành toàn bộ tâm trí và sức lực cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, năm 1989 (ảnh: Tư liệu). |
Với cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại biểu Quốc hội, đồng chí đã dành nhiều thời gian để đến với các cấp Hội, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ để kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng một Bộ luật Hôn nhân và gia đình cho phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí cũng dành nhiều tâm huyết để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ nữ.
Theo những đề nghị rất cụ thể và thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã cho ra đời 3 nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ nữ. Các nghị quyết trên từng bước đi vào cuộc sống thể hiện sự bình đẳng nam, nữ.
Cũng trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng với các đồng chí lãnh đạo Hội Phụ nữ đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt phong trào Phụ nữ 3 đảm đang đã có sức mạnh lôi cuốn toàn thể phụ nữ từ thành thị đến nông thôn hăng hái tham gia để chồng con yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Phong trào còn lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới.
Trong hồi ký, đồng chí Nguyễn Thị Thập từng tự sự rằng: “Trong mất mát, không phải chỉ riêng tôi, hàng ngàn hàng vạn bà mẹ đã phải hy sinh những người con thân yêu của mình. Trong vinh quang chung, gia đình tôi, người còn đang sống cũng như người đã hy sinh, đều có thể tự hào là đã có phần đóng góp ít nhiều cho sự nghiệp chung của dân tộc”.
SỐNG MÃI TRONG LÒNG DÂN
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân khi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi lại cảm xúc khi đến viếng Khu tưởng niệm Nam kỳ khởi nghĩa và thăm Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập. |
Để tri ân công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Thập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập tại khu Di tích Đình Long Hưng, được hoàn tất vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa 23-11-2005.
Nhà thờ là một trong những công trình thể hiện sự tôn kính và đầy tự hào của người dân Tiền Giang; nơi đã tập hợp, lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh nhà, trở thành một điểm về nguồn không thể thiếu của khách gần xa mỗi khi đến Tiền Giang.
Nhiều năm gắn bó với công việc thuyết minh tại Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị thập, chị Lê Thị Huyền Linh cảm thấy tự hào khi là người trực tiếp giới thiệu đến khách về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập, người được xem là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.
Trong một lần về Tiền Giang vào tháng 7-2013, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân khi đó giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi lại cảm xúc khi đến viếng Khu tưởng niệm Nam kỳ khởi nghĩa và thăm Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân viết: “Cô Mười Thập - một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Cô Mười là tấm gương sáng cho phụ nữ Việt Nam và các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo để tiếp tục sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, vững mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa”.
Đồng chí Trần Thị Kim Cúc, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang xem lại những hình ảnh về cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Thập. |
“Tôi may mắn được gặp đồng chí mấy lần và biết về cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Thập qua lời kể của các chú, các bác, sách, báo… Đồng chí Nguyễn Thị Thập là người phụ nữ hy sinh tình riêng vì cách mạng, phẩm chất vô cùng quý giá. Bên cạnh đó, đồng chí còn rất mưu trí, sáng tạo vượt qua được tai mắt của địch để hoạt động khi bí mật, lúc công khai. Đồng chí có lòng thương dân, gắn bó với quần chúng nhân dân, được nhân dân che chở, bảo vệ; công tác vận động quần chúng vô cùng tốt. Tôi thật sự rất kính trọng và khâm phục đồng chí Nguyễn Thị Thập” - đồng chí Trần Thị Kim Cúc, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang tâm sự.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang và bà Lê Ngọc Thu (con gái đồng chí Nguyễn Thị Thập) thắp hương tại mộ đồng chí Nguyễn Thị Thập ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. |
Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và phong trào phụ nữ Việt Nam.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng tự hào: Tự hào về đồng chí Nguyễn Thị Thập, phụ nữ Tiền Giang phát huy truyền thống trong thời kỳ đổi mới. Xuất phát từ thực tế địa phương, qua từng thời kỳ, các cấp Hội đều xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo theo hướng “lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả”. Qua đó, thực hiện tốt phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội”.
Trong thực hiện phong trào thi đua luôn gắn liền với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”…; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, chủ đề thi đua gắn với nhiệm vụ trọng tâm hằng năm.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trung An, TP. Mỹ Tho thắp hương tại mộ đồng chí Nguyễn Thị Thập ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. |
Thắp nén hương tại mộ đồng chí Nguyễn Thị Thập ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trung An, TP. Mỹ Tho Võ Thị Tuyết Loan xúc động: Tìm hiểu, biết về cuộc đồng của đồng chí Nguyễn Thị Thập mà tôi không khỏi thẹn với lòng, khi trước đây thấy khó khăn là chùn bước. Tôi sẽ cố gắng phấn đấu trong công tác nhiều hơn nữa để khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập, người phụ nữ kiên cường của mảnh đất thành đồng Tổ quốc, đã cống hiến trọn vẹn cả đời mình vì sự nghiệp cách mạng, được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách, là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội.., đồng chí là người đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dài nhất, từ năm 1956 đến năm 1974. Lịch sử Tiền Giang mãi mãi ghi nhận đồng chí Nguyễn Thị Thập là người con ưu tú, là tấm gương tiêu biểu của nhân dân tỉnh Tiền Giang.
LÊ PHƯƠNG - HÀ NAM