.

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong tình hình mới

Cập nhật: 10:00, 20/10/2023 (GMT+7)

Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, theo dõi công tác Hội và phong trào phụ nữ theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và hướng dẫn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam. UBND tỉnh, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và UBND các cấp đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp, chương trình, kế hoạch… nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các thế hệ phụ nữ tỉnh nhà đã được tạo cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cán bộ nữ đã có sự vươn lên và phát triển mạnh mẽ, đảm nhận và khẳng định mình trên các cương vị lãnh đạo, quản lý.

NÂNG CAO VỊ THẾ PHỤ NỮ TRONG LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa và quà cho cán bộ nữ của tỉnh qua các thời kỳ nhân họp mặt 20-10-2023.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa và quà cho cán bộ nữ của tỉnh qua các thời kỳ nhân họp mặt 20-10-2023.

Vì vậy, sự nghiệp giải phóng phụ nữ không chỉ là công việc riêng của phụ nữ mà gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong hơn 93 năm từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (BĐG), được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ.

Tiền Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực tiễn công tác.

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đều quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trong quy hoạch. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo quản lý ở cả 3 cấp được nâng lên đáng kể, lực lượng nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đã chuyển hóa được những nội dung đã được đào tạo, bồi dưỡng từ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị đến kỹ năng lãnh đạo, quản lý vào thực tiễn công tác.

Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về BĐG và BĐG trong công tác cán bộ nữ bằng các hình thức phong phú, đa dạng, tránh lối mòn cũ. Đây là phương thức hữu hiệu nhất để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về công tác BĐG. Từ đó, khẳng định vai trò, vị trí của nữ giới khi tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là khi tham gia vào vị trí lãnh đạo quản lý.

Về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 14,9% (tăng 0,9% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện, thành, thị chiếm tỷ lệ 22% (tăng 2,9% so với nhiệm kỳ trước). Nữ tham gia Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện chiếm tỷ lệ 15,3% (tăng 1,9% so với nhiệm kỳ trước). Một số địa phương có cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện trên 30% như TP. Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông...; cấp cơ sở chiếm tỷ lệ 27,5% (tăng 5% so với nhiệm kỳ trước).

Về tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026: Nữ đại biểu Quốc hội 3/8 đại biểu (tỷ lệ 37,5%, tăng 25,5% so với nhiệm kỳ trước); nữ đại biểu HĐND tỉnh là 17/61 đại biểu (tỷ lệ 27,87%); nữ đại biểu HĐND cấp huyện là 114/365 đại biểu (tỷ lệ 31,23%, tăng 6,23% so với nhiệm kỳ trước); nữ đại biểu HĐND cấp xã là 1.326/4.469 đại biểu (tỷ lệ 29,67%, tăng 3,07% so với nhiệm kỳ trước).

THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI

UBND các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội LHPN cùng cấp như: Hỗ trợ kinh phí, điều kiện và phương tiện làm việc, các hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ…; hỗ trợ phụ nữ giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ phù hợp với pháp luật, chính sách của Nhà nước.

Tạo điều kiện cho các cấp Hội triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, nhất là Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938); Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939); Chương trình phối hợp 01 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động, sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững” giai đoạn 2021 - 2025; Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01)…

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tham mưu UBND tỉnh lồng ghép chỉ đạo công tác phụ nữ và bình đẳng giới vào kế hoạch hoạt động của các sở, ngành và địa phương. Tăng cường theo dõi việc thực hiện pháp luật liên quan đến phụ nữ, như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật BĐG, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chiến lược gia đình Việt Nam; các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, trong đó có phụ nữ; công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế…

UBND tỉnh và Hội LHPN tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện Nghị định 56 ngày 16-7-2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước. UBND các cấp thường xuyên phối hợp với Hội LHPN tổ chức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ gặp gỡ, đối thoại với Chủ tịch UBND cùng cấp; qua đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ đề xuất, kiến nghị các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ hội để cán bộ nữ, cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ phát triển toàn diện, đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

TIẾP TỤC NÂNG CAO TỶ LỆ NỮ TRONG CÁC LĨNH VỰC

Hiện nay, tồn tại không ít định kiến về phụ nữ nói chung, lãnh đạo nữ nói riêng gây ảnh hưởng lớn tới BĐG, hiệu quả công việc, sản xuất, đời sống. Thực trạng này đặt ra những vấn đề cấp bách về truyền thông, thay đổi nhận thức của cộng đồng và đặc biệt là sự tham gia của nam giới nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho phụ nữ. Để nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Họp mặt Câu lạc bộ nữ khối Đảng.
Họp mặt Câu lạc bộ nữ khối Đảng tỉnh Tiền Giang.

Về mục tiêu thực hiện từ nay đến năm 2030: Trong lĩnh vực chính trị, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đến năm 2030 đạt 75%. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động: Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030. Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030.

Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và đạt 30% vào năm 2030. Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt trên 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Để thực hiện đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp; đồng thời, phối hợp với các đoàn thể, Ủy ban MTTQ tăng cường triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng thực hiện Nghị quyết 28 ngày 3-3-2021 của Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030. 

Quan tâm hoạch định, xây dựng chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sáng tạo của phụ nữ, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về BĐG. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về BĐG. Thực hiện lồng ghép các nội dung BĐG trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ như đã nêu trên vào chương trình hoạt động, công tác của từng ngành, từng địa phương, nhằm đạt tỷ lệ giữa hai giới về vị trí, vai trò của phụ nữ trong cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nữ theo lộ trình chặt chẽ từ cấp cơ sở, công tác tuyển chọn quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ. Xây dựng và triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện thực tiễn cho cán bộ nữ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý nhà nước về BĐG ở các cấp.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.