.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận một số dự án luật quan trọng

Cập nhật: 20:17, 10/11/2023 (GMT+7)

(ABO) Ngày 10-11, tiếp tục ngày làm việc thứ 15, cũng là ngày làm việc cuối cùng của đợt 1, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận về một số dự án luật quan trọng, trong đó có Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia đóng góp nhiều ý kiến.

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình các vấn đề các đại biểu quan tâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông; xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Tham gia thảo luận dự án luật trong đó có Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Văn Dương, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, tại khoản 7 Điểu 61 Ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung loại hình kinh doanh vận chuyển bệnh nhân bằng xe cấp cứu. Vì đây là loại hình đã có nhưng chưa có luật điều chỉnh để tránh gây thiệt hại cho người bệnh. Hiện tại, các đơn vị khám, chữa bệnh rất khó khăn đối với phương tiện vận chuyển này, bởi phụ thuộc vào định mức theo Thông tư 27 của Bộ Y tế quy định dưới 50 giường sẽ bố trí 1 xe cấp cứu, trên 300 giường trở lên, tăng 150 giường trở lên thì định mức tăng thêm 1 xe cấp cứu. Tuy nhiên, hiện các đơn vị khám bệnh rất khó khăn, không mua được xe cấp cứu nên phải hợp đồng với đơn vị vận chuyển bệnh nhân, không chỉ vận chuyển người bệnh, mà còn vận chuyển tử thi nên còn nhiều khó khăn, bất cập mà thời gian qua báo chí đã phản ánh tình trạng xe cứu thương dù, giá cao gây bức xúc dư luận. Vì vậy, cần bổ sung vấn đề này vào khoản 7 Điều 61 để làm sao điều chỉnh được dịch vụ này để hỗ trợ cho người bệnh được tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Tại Điều 62 vận tải hành khách bằng xe ô tô, tại khoản 2 việc vận tải hành khách bằng xe ô tô phải thực hiện quy định Điều 61 của luật này; Điều 56, 57 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải chấp hành quy định: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe theo quy định, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị bổ sung thêm kiểm tra sức khỏe đột xuất đối với người lái xe, vì nếu cảnh sát giao thông kiểm tra đột xuất phát hiện có chất ma túy hay sử dụng nồng độ cồn thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của hành khách, vì vậy nên phòng ngừa và yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải thực hiện; bởi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm thì rất lâu.

Ngoài ra, đối với quy định quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô quy định là từ chối vận tải hành khách đang bị bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp, Ban soạn thảo xem xét quy định lại cho phù hợp hơn, bởi tài xế, nhân viên phục vụ trên xe rất khó để biết hành khách bị bệnh truyền nhiễm nhóm A, ngay cả nhân viên y tế nếu không khám, không xét nghiệm thì cũng không thể biết. Mặt khác, khi người bị bệnh truyền nhiễm nhóm A đi khám, nếu bị bệnh thì đã bị cách ly y tế hoặc vận chuyển bằng xe chuyên dụng theo quy định của Bộ y tế. Vì vậy cấn nghiên cứu quy định lại cho phù hợp hơn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đối với dự án Luật Đường bộ, đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Góp ý thảo luận đối với dự án luật này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quan tâm hơn đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người khuyết tật… để có chính sách đường bộ phù hợp cho đối tượng này. Đại biểu đề nghị cụ thể các chính sách vào những điều luật như việc phát triển giao thông thông minh để giúp và hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.