Chiều 1-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đã chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 5-11.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh tại lễ đón chính thức, chiều 1-11 ở Phủ Chủ tịch. Ảnh: QUANG PHÚC |
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Mông Cổ và Phu nhân. Ảnh: QUANG PHÚC |
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam tại lễ đón chính thức. Ảnh: QUANG PHÚC |
Ngay sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh tiến hành hội đàm.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh chụp ảnh chung trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: QUANG PHÚC |
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chụp ảnh chung cùng Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân ở Phủ Chủ tịch. Ảnh: QUANG PHÚC |
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh diễn ra trong bối cảnh hai nước đang hướng tới cột mốc kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024. Việt Nam và Mông Cổ là hai nước bạn bè truyền thống, nhân dân hai nước có tình cảm gắn bó mật thiết lâu đời.
Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 17-11-1954) và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Mông Cổ vào tháng 5-1955 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Người sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh trước khi tiến hành hội đàm. Ảnh QUANG PHÚC |
Gần 70 năm qua, quan hệ hữu nghị hai nước không ngừng được củng cố, phát triển mạnh mẽ. Mặc dù hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn hạn chế nhưng số liệu thống kê cho thấy con số hợp tác thương mại song phương phát triển rõ rệt. Từ 41,4 triệu USD trong năm 2017, lên hơn 85 triệu USD năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 đã đạt khoảng 75 triệu USD.
Việt Nam và Mông Cổ đều ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì thường xuyên. Mông Cổ đánh giá cao mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và mong muốn phát huy những tiềm năng sẵn có để tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, lao động, an ninh, quốc phòng... Kể từ năm 1979, hai nước đã tiến hành 18 kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, thúc đẩy hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ.
|
Quang cảnh cuộc hội đàm. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trong khuôn khổ hợp tác song phương mà còn mở ra khả năng phát triển rộng lớn trong khu vực và quốc tế. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 4 của một Tổng thống Mông Cổ tới Việt Nam sau 10 năm kể từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj vào tháng 11-2013.
Những thỏa thuận cấp cao về phương hướng hợp tác giữa hai nước trong chuyến thăm lần này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho hai nước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như nông nghiệp, khai khoáng, du lịch..., và đóng góp thiết thực vào việc làm cân bằng cán cân thương mại vốn đang lệch 95% sang phía Việt Nam.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội đàm. Ảnh: QUANG PHÚC |
|
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh phát biểu tại hội đàm. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo Đại sứ Doãn Khánh Tâm, Mông Cổ là đất nước rất rộng lớn với thế mạnh là trữ lượng khoáng sản phong phú và số lượng gia súc chăn thả dồi dào. Việt Nam nên tăng cường mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác các kim loại đất hiếm và nguyên tố thiết yếu, những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xe điện, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm không khí; nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi gia súc của Mông Cổ...
Trong khi đó, thế mạnh của Việt Nam là có thị trường hơn 100 triệu dân với dân số trẻ đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng. Chính phủ hai bên cần thúc đẩy, hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp của hai nước trong mọi lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh bổ sung lẫn nhau. Các doanh nghiệp Mông Cổ sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN cũng như thị trường rộng lớn trên thế giới vì Việt Nam là đối tác đã ký hơn 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu
Theo sggp.org.vn