.

Quốc hội chất vấn việc thực hiện "lời hứa" của 21 Tư lệnh ngành

Cập nhật: 20:41, 05/11/2023 (GMT+7)

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ dành 2,5 (từ sáng 6 đến hết sáng 8-11) ngày làm việc cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với việc thực hiện lời hứa của 21 "Tư lệnh ngành" thuộc 4 lĩnh vực.

Chất vấn việc thực hiện "lời hứa" của các Tư lệnh ngành

Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực khoảng 160 - 170 phút, nhưng khi điều hành sẽ linh hoạt theo diễn biến tình thực tế.

Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.

Với phương châm "coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 là chất vấn về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Tức là chất vấn việc thực hiện “lời hứa” của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành theo 10 Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội khóa XV, không phải là chất vấn những vấn đề nổi lên hiện nay.

Tại Kỳ họp này, phiên chất vấn sẽ tiến hành theo nhóm 4 lĩnh vực gồm: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, xã hội; Tư pháp, Nội chính, Kiểm toán Nhà nước.

a
Quốc hội tiến hành chất vấn 4 nhóm lĩnh vực.

Cụ thể, theo chương trình, sáng 6-11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần lượt trình bày các Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về nội dung này.

Sau đó, bắt đầu từ sáng 6 đến sáng 8/11, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với 4 nhóm lĩnh vực trên.

Xuyên suốt các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu gợi ý một số nội dung tập trung chất vấn.

Kết thúc các nội dung chất vấn về 4 nhóm nhóm lĩnh vực trên, sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Cuối phiên chất vấn sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

 

a
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp

Hình thức chất vấn năm nay là một cách làm mới, nếu được thực hiện tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, thay vì chỉ tập trung vào 4 Bộ trưởng, trưởng ngành cùng Thủ tướng/Phó Thủ tướng như các kỳ trước, trong kỳ chất vấn này, các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ Bộ trưởng nào. Điều này đòi hỏi các thành viên Chính phủ phải bản lĩnh và có sự am hiểu toàn diện về chuyên môn lĩnh vực được giao.

Theo đại biểu, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ phải chịu áp lực lớn vì họ không biết trước được nội dung cụ thể mà đại biểu sẽ chất vấn. Vì không có chủ đề cố định như trước đây, các câu hỏi có thể vượt ra ngoài những vấn đề mà Bộ trưởng chưa từng nghĩ tới hoặc không đoán trước được.

“Cách chất vấn như vậy sẽ tạo ra thách thức lớn cho các thành viên Chính phủ, đòi hỏi họ phải thể hiện sự tự tin, bản lĩnh chính trị và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình trong suốt thời gian qua”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói, đồng thời cho biết tuy là một điểm mới, nhưng chắc chắn các nội dung chất vấn đều nằm trong phạm vi trách nhiệm của các thành viên Chính phủ.

Với tính chất quan trọng của phiên chất vấn, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng các thành viên Chính phủ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về các vấn đề và chính sách trong lĩnh vực của mình, hiểu rõ về các thành tựu và thách thức đang đối mặt.

Theo đại biểu, các vấn đề đã chất vấn và các thành viên Chính phủ đã giải quyết tốt thì không cần nêu lại, nhưng những vấn đề chưa được giải quyết hoặc mới phát sinh sẽ tiếp tục được đặt câu hỏi. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng sẽ ít vấn đề mới hơn khi mà nhiều vấn đề cũ vẫn chưa được giải quyết.

Chia sẻ về một số nội dung dự kiến chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết sẽ đặt vấn đề liên quan đến thị trường xăng dầu, đặc biệt là về quỹ bình ổn giá xăng dầu được giao cho doanh nghiệp quản lý. 

Bên cạnh đó là tình hình phát triển năng lượng sạch, tình trạng thiếu hụt điện ở miền Bắc trong khi điện gió và điện mặt trời ở miền Nam chưa thể tích hợp vào lưới điện quốc gia.

“Nhìn chung, hình thức chất vấn năm nay là một cách làm mới, nếu được thực hiện tốt, nó sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tôi hy vọng rằng các thành viên Chính phủ sẽ có sự tập trung, hiểu rõ vấn đề trong ngành của mình, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm và liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

a
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Chất vấn lần này chính là giám sát của giám sát, thể hiện một Quốc hội năng động, sáng tạo

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, đợt chất vấn lần này chính là giám sát của giám sát, thể hiện một Quốc hội năng động, sáng tạo và luôn làm mới hoạt động để đảm bảo thực hiện chức năng giám sát tối cao.

Đại biểu hy vọng đợt chất vấn này tiếp tục là dịp để đại biểu Quốc hội cùng các bộ, ban, ngành rà soát lại những yêu cầu đã kết luận ở những kỳ họp trước, hay trong các phiên họp của Thường vụ Quốc hội.

Qua đó xem những gì chúng ta đã làm được thì phải biểu dương, những gì chưa được thì phải tập trung giải quyết rốt ráo. Tránh tình trạng Quốc hội cứ ra nghị quyết, còn cơ quan thực hiện thì chậm chạp. Thực trạng đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả các nghị quyết Quốc hội và điều đấy cần hết sức tránh, nếu không sẽ trở thành hiệu ứng domino không tốt.

Đại biểu chia sẻ, là thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho nên các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu, như nước thải, rác thải, cấp nước; các vấn đề về đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước… vẫn là ưu tiên số một của ông.

Ngoài ra còn có những tâm tư cử tri gửi gắm, thí dụ như phát triển công nghiệp văn hóa hay tiếp tục thảo luận Luật Đất đai; các nghị quyết định hướng chính sách phát triển hạ tầng giao thông...

Đơn cử như lần tiếp xúc cử tri gần đây nhất, cử tri rất băn khoăn về những tồn đọng của dự án BOT, từng được ấn định giải quyết dứt điểm trong 2022. Nhưng thực tế hiện nay vẫn còn một số nơi, một số chỗ chưa làm, ví dụ như là trạm thu phí Bắc Thăng Long Nội Bài chẳng hạn...

Rất nhiều vấn đề cần phải được đưa ra thảo luận nhằm tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, tuy nhiên thời gian dành cho phiên chất vấn có hạn, chỉ hai ngày rưỡi mà các đại biểu lại rất quan tâm. Đại biểu cho biết sẽ chất vấn những nội dung nào có thể, còn không sẽ gửi văn bản tới các bộ, ngành.

a
Đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường (Đồng Nai).

Đã hứa thì phải thực hiện

Đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường (Đồng Nai) đánh giá cao việc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV sẽ tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn. 

Theo đại biểu, đây là lúc Quốc hội, cử tri và nhân dân có thể nhìn lại trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trước những lời đã hứa. Đồng thời, các bộ, ngành phải thấy rõ, những gì đã hứa trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân thì phải được hoàn thành.

Đại biểu chia sẻ, tại phiên chất vấn lần này, ông quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội có mặt có biểu hiện xuống cấp. Đây là nội dung đã được chất vấn nhiều lần tại Quốc hội, nhưng thực trạng hiện vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Theo ông, để giữ được phẩm chất, đạo đức, thì giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng, mà ở đây là giáo dục từ nhà trường và từ gia đình. Bởi từ ghế nhà trường, đội ngũ giáo viên là lực lượng có tác động lớn đến đạo đức học sinh, chất lượng của đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng đạo đức của học sinh. Vì vậy, mỗi cán bộ, giáo viên phải là những tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực công tác, tận tâm… 

Đồng thời, gia đình cũng là môi trường có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Trong đó, cha mẹ là "người thầy đầu tiên" giáo dục cho con em mình những phẩm chất, nhân cách cơ bản làm nền tảng cho quá trình phát triển toàn diện về đạo đức, trí lực… Do đó, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức cho học sinh là điều hết sức cần thiết để có thể mang lại hiệu quả thực sự cho công tác này. 

"Nếu chất vấn, tôi sẽ dành câu hỏi này cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo", đại biểu bày tỏ và hi vọng qua phiên chất vấn mang tính tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn lần này, cử tri và nhân dân sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát xem Chính phủ và các bộ, ngành có thực sự nghiêm túc triển khai thực hiện những gì đã hứa trước Quốc hội hay không? Tất nhiên, có những nội dung không thể giải quyết ngay trong "một sớm, một chiều", song các bộ, ngành cũng cần chỉ rõ được định hướng, kế hoạch và cam kết thời gian hoàn thành.

Với tinh thần ngày càng đổi mới và đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, qua hoạt động giám sát trực tiếp lần này, chúng ta sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp khả thi, tối ưu, cùng Chính phủ giải quyết có hiệu quả nhất các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, vì cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no hơn của nhân dân và kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phát triển.

a
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận).

Tái giám sát, khẳng định quyết tâm theo đuổi đến cùng các vấn đề đã giám sát, chất vấn

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận): Tại Kỳ họp thứ Sáu lần này, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như các kỳ họp thông thường, mà sẽ chất vấn tổng thể chung theo nhóm lĩnh vực đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. 

Thông qua đó, Quốc hội sẽ nắm được tiến độ thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các "lời hứa", cam kết của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. 

Việc tái giám sát, theo đuổi đến cùng các vấn đề đã giám sát, đã chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội báo cáo với cử tri và Nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra. 

Đồng thời khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển.

Đại biểu cho rằng, với các nhóm lĩnh vực khá rộng, như kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng), kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường); văn hóa - xã hội; và an ninh quốc phòng, nội chính, tư pháp, kiểm toán... đây cũng là thách thức đối với Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, đòi hỏi phải nắm rất chắc ngành, lĩnh vực được giao phụ trách, để trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Đại biểu bày tỏ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo ông, vấn đề không mới, nhưng làm sao chúng ta phải giải quyết cho được "điệp khúc được mùa, mất giá”, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành nông nghiệp như thế nào để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị…

Đại biểu cho biết, trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc về công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó đã nhấn mạnh, cách thức tổ chức phiên chất vấn phải vừa tạo thuận lợi cho người hỏi và người trả lời, tạo sự chủ động, liền mạch trong các vấn đề, lĩnh vực chất vấn. 

Với cách làm chu đáo, chuẩn bị từ sớm, từ xa, đại biểu tin rằng, phiên chất vấn sẽ thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội.

a
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang).

Giám sát để đi đến tận cùng vấn đề, kịp thời gỡ những nút thắt, cùng kiến tạo các giá trị tốt đẹp nhất

Theo đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): Khác với hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thông lệ, tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực. 

Các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn lại những vấn đề mà trước đây đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, từ đó thấy rõ việc thực hiện các cam kết, lời hứa, giải pháp đưa ra với ngành, lĩnh vực phụ trách đến nay còn có tồn tại, hạn chế, vướng mắc gì hay không?

Một điểm mới của hoạt động chất vấn lần này Quốc hội tiến hành chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực, chia theo 4 nhóm: kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa - xã hội; và tư pháp - nội chính - kiểm toán nhà nước. 

Cách thức này sẽ giúp việc chất vấn một cách tập trung, đi sâu làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành về những vấn đề nóng, đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế. 

Đại biểu tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, từ sớm, từ xa và tinh thần xây dựng, các phiên chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, đúng trọng tâm, đáp ứng kỳ vọng về hoạt động giám sát trực tiếp của Quốc hội luôn được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm và mong chờ. 

Đại biểu chia sẻ, tại phiên chất vấn này, bà quan tâm đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp, nông nghiệp. 

Đây là các vấn đề đã được chỉ ra từ trước, mặc dù Chính phủ và các địa phương đang tập trung khắc phục, nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng theo yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn đòi hỏi.

Thực tế, qua theo dõi nhiều cuộc chất vấn, sau nhiều lời hứa “kiên quyết xử lý dứt điểm...”, “đã có kế hoạch, nhất định sẽ làm và nhanh chóng tháo gỡ…”, nhưng thực tế không ít người dân, doanh nghiệp vẫn bị gây khó khăn, sách nhiễu, một số vấn đề chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, thỏa đáng. 

Theo đại biểu, không phải lời hứa nào cũng có thể được thực hiện trọn vẹn, nhanh chóng, nhưng người dân và cử tri cả nước có quyền được biết về tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và lộ trình, giải pháp cụ thể giải quyết từng nhóm vấn đề cho đến khi có kết quả cuối cùng. Mọi việc phải được công khai, minh bạch dưới sự giám sát, đánh giá không chỉ của các cơ quan chuyên môn mà là của toàn dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: “Chất vấn không phải là cuộc thi hay sát hạch, đánh đố gì các Bộ trưởng, trưởng ngành mà là cùng nhau làm sáng tỏ các vấn đề để giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn”. 

Trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội suy đến cùng cũng không nằm ngoài mục đích đó. Giám sát để đi đến tận cùng vấn đề, kịp thời tháo gỡ những nút thắt và cùng kiến tạo các giá trị tốt đẹp nhất, phục vụ lợi ích chung của cử tri, nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo chinhphu.vn


 

 

.
.
.