.

Triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Cập nhật: 15:56, 17/11/2023 (GMT+7)

(ABO) Sáng 17-11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2024.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND, UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tạ Minh Tâm; các ĐBQH tỉnh và đại diện Ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành tỉnh...

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023. Theo đó, Quốc hội, UBTVQH đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc UBTVQH tích cực tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về giám sát.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH tiếp tục có nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm với việc tổ chức 4 phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH; trên cơ sở đó, Quốc hội, UBTVQH ban hành 3 nghị quyết đối với 8 lĩnh vực.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được chú trọng với nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện; hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được UBTVQH quan tâm chỉ đạo... Các Đoàn giám sát đã tổ chức các đoàn công tác với sự tham gia của các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội - Trưởng Đoàn giám sát để khảo sát, làm việc trực tiếp với 33 địa phương, Chính phủ, các Bộ, ngành; tổ chức nhiều tọa đàm, hội nghị tham vấn chuyên gia…

Đặc biệt, lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành giám sát đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn các chương trình bắt đầu triển khai thực hiện, chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Qua đó, thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện các chương trình.

Trong năm 2024, Quốc hội và UBTVQH sẽ tiến hành 4 giám sát chuyên đề. Cụ thể, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, về một số dự án quan trọng quốc gia và chuyên đề về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8. UBTVQH tiến hành giám sát 2 chuyên đề: Về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và chuyên đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại phiên họp tháng 8 và tháng 9-2024.

Mục đích của Chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2024 là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu trong hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH trong năm 2024; góp phần tiếp tục đổi mới, tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động, sáng tạo, chuyên sâu trong hoạt động giám sát. Qua đó, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung tập trung đánh giá khái quát tình hình triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; thảo luận, tham gia ý kiến về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và các giải pháp triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024…

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là hội nghị lần thứ 3 trong nhiệm kỳ về triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội. Cách thức tổ chức hội nghị này thực tiễn đã chứng minh cho thấy hiệu quả cao, từ đó thống nhất được nhận thức và hành động để kết quả giám sát ngày càng tốt hơn. Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội điểm lại một số nội dung chính trong kết quả triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH trong năm qua.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong công tác giám sát như xác định trách nhiệm trong giám sát, còn tình trạng nể nang, né tránh; hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội chưa có nhiều đổi mới và chưa có những kết quả nổi bật; công tác phối hợp cơ bản tốt nhưng vẫn còn những vướng mắc khó khăn; giám sát của Đoàn ĐBQH và nhất là của ĐBQH chưa nhiều.

Nhấn mạnh bối cảnh của năm 2024 là năm chuẩn bị cho đại hội các cấp, tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, do đó công tác phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt được yêu cầu mục tiêu giám sát, vừa đỡ ảnh hưởng đến địa phương, cơ sở. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số trọng điểm trong hoạt động giám sát của năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất, mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị, mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Do đó, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung được xác định là một trong các khâu trọng tâm then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội...

T. H

.
.
.