.

Về thăm Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa

Cập nhật: 09:37, 09/11/2023 (GMT+7)

Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, có trận đánh Giồng Dứa diễn ra vào ngày 25-4-1947 tại ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước thời bấy giờ. Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng công nhận di tích cấp Quốc gia vào năm 2003.

LỊCH SỬ HÀO HÙNG

Trận đánh Giồng Dứa diễn ra tại ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, đoạn km 1974 + 250 Quốc lộ 1 ngày nay. Giồng Dứa là một bộ phận của đất Ba Giồng nổi tiếng ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang gồm giồng Cánh én, giồng Kỳ lân và giồng Qua qua.

Giồng chạy theo hướng Bắc - Nam, xuất phát từ xã Tam Hiệp chạy cặp Quốc lộ 1, thuộc ấp Đông, xã Long Định. Do có nhiều cây dứa gai mọc hoang um tùm nên nhân dân địa phương gọi là Giồng Dứa.

Tại khu vực này, ngày 25-4-1947, dưới tài trí của Thượng tướng Trần Văn Trà, Khu Bộ trưởng Khu 8, đã trực tiếp chỉ huy Đại đội xung phong Khu 8 cùng Chi đội 17 phối hợp cùng quân dân du kích Mỹ Tho đã đánh tiêu diệt đoàn xe Công-Voa và đoàn xe của Chính phủ bù nhìn Nam Kỳ tự trị.

Kết quả, đã phá hủy 14 xe, tiêu diệt gần 80 tên, trong đó có tên Quan năm chỉ huy tình báo Pháp, bắt sống 7 tên khác, trong đó có tên đốc phủ Bích và Trương Vĩnh Khánh, Bộ trưởng của Chính phủ Nam Kỳ tự trị.

Các cựu chiến binh về thăm Di tích lịch sử chiến thắng Giồng Dứa.
Các cựu chiến binh về thăm Di tích lịch sử chiến thắng Giồng Dứa.

Có thể nói, chiến thắng Giồng Dứa đã đánh dấu bước trưởng thành của Lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đây là trận đánh tiêu biểu, táo bạo, quyết đoán, được nhân rộng ở nước ta trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến; thúc đẩy khí thế đấu tranh cách mạng, tạo được sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân cả nước; đánh dấu bước trưởng thành của Lực lượng vũ trang nước ta cả về trình độ, nghệ thuật tác chiến, chỉ huy, sử dụng lực lượng, bố trí thế trận của cuộc chiến tranh nhân dân. Đồng thời, khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ địa phương.

Sau 76 năm - kể từ chiến thắng Giồng Dứa oai hùng ngày ấy đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành dấu son chói lói về truyền thống yêu nước, tài mưu lược của ông cha ta không quản ngại gian khó, hy sinh xương máu cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc.

Nhận định về trận đánh Giồng Dứa, Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 cho biết: “Trận đánh Giồng Dứa là trận đánh dùng cách đánh “giao thông chiến” của quân đội ta tổ chức, bố trí chặt chẽ sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về tình hình quân địch hằng tháng và đúng vào ngày 25 sẽ đi ngang qua đoạn lộ này, nên tổ chức đánh địch với mục đích tịch thu tài sản, vũ khí của quân địch cung cấp, tăng cường sức mạnh cho lực lượng kháng chiến”.

Đồng thời, Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng cũng nhận định: “Trận đánh Giồng Dứa còn thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm tiêu diệt quân Pháp xâm lược của quân và dân ta lúc bấy giờ dưới tài mưu trí, sáng tạo của Thượng tướng Trần Văn Trà trong cách đánh táo bạo, bất ngờ khiến quân địch hoang mang, khiếp sợ. Đặc biệt, sau trận đánh này, quân Pháp phải thừa nhận rằng, trận đánh Giồng Dứa là trận đánh bất ngờ đối với thực dân Pháp.

Do đó, chiến thắng Giồng Dứa không những gây tiếng vang lớn ở trong nước, trong cục diện 3 nước Đông Dương, mà còn vang xa ra ngoài nước. Về sau này, cách đánh “giao thông chiến” được bố trí, sử dụng trong trận đánh Giồng Dứa đã được quân đội và nhân dân ta áp dụng đánh trên tất cả các mặt trận trong các trận đánh, lập nên những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến năm 1960, lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam cũng bắt đầu đánh “giao thông chiến” ngay trên đoạn lộ này, từ ngã ba Trung Lương chạy dài đến Bắc Mỹ Thuận…”.

TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG

Theo nguồn tư liệu của Bảo tàng Tiền Giang, sau ngày giải phóng miền Nam, nơi xảy ra trận đánh Giồng Dứa năm xưa đã thay đổi nhiều, được nhân dân khai khẩn trồng trọt thành vườn cây ăn trái. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao 5 ha đất Giồng Dứa cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang xây dựng Trường Quân sự địa phương tỉnh năm 1977 và xây dựng 1 sân bóng đá cho trường và cho nhân dân quanh vùng, có nơi vui chơi, thể thao.

Để ghi dấu trận đánh Giồng Dứa oai hùng, năm 1985, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang xây dựng tại đây một tượng đài chiến thắng gồm: Tượng tròn và phù điêu mô tả trận đánh do 2 nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn và Phạm Mười tạo mẫu, Thượng tướng Trần Văn Trà làm cố vấn. Tượng đài mô tả lại cảnh chiến đấu đốt xe địch của quân ta qua hình ảnh 3 nhân vật: Nữ dân quân, vệ quốc quân và một nông dân thổi tù và.

Năm 2000, do nhu cầu mở rộng Quốc lộ 1, tượng đài đã được quy hoạch, tôn tạo lại và di dời vào trong 40 m, xây dựng trong khuôn viên với diện tích 8.826 m2 gồm các hạng mục công trình công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh.

Tượng đài và phù điêu được đắp bằng chất liệu bê tông, cốt thép cao 7 m, dài 24 m. Vào năm 2003, Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng công nhận di tích cấp Quốc gia.

76 năm qua kể từ chiến thắng Giồng Dứa, đến nay, di tích lịch sử này dù không còn nhiều tư liệu, hình ảnh được lưu lại, nhưng giá trị và ý nghĩa lịch sử  về trận đánh Giồng Dứa năm xưa vẫn còn vang mãi. Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa đã trở thành “địa chỉ đỏ” về nguồn của các thế hệ nhân dân tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Định Nguyễn Văn Tám cho biết, vào ngày 25-4 hằng năm, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, huyện Châu Thành và xã Long Định đều tổ chức các đoàn đến đặt tràng hoa, dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh, sinh viên, đoàn viên tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Đồng thời, hằng năm, Hội Cựu chiến binh xã Long Định phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tổ chức các buổi gặp gỡ, tuyên truyền về diễn biến và giá trị của chiến thắng Giồng Dứa, với mong muốn truyền đạt cho thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị lịch sử hào hùng của ông cha ta đã gây dựng, tô thắm cho mảnh đất quê hương hôm nay ngày càng giàu đẹp và không ngừng phát triển.

Tiếp nối truyền thống cách mạng là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Định đã vượt qua những thăng trầm với nhiều khó khăn để chuyển mình vươn lên, tiếp tục phát triển, kiến thiết quê hương.

Đồng chí Phạm Thanh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Long Định cho biết: “Xã Long Định với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển, nhưng với sự cố gắng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã, kinh tế - xã hội địa phương không ngừng phát triển, với những kết quả tích cực. Điểm mốc là từ năm 2017, xã Long Định chính thức bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), mang lại diện mạo mới cho quê hương giàu truyền thống cách mạng”.

Theo đồng chí Phạm Thanh Hùng, kinh tế - xã hội của xã tiếp tục phát triển ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và dân sinh từng bước hoàn thiện.

Các tuyến đường giao thông liên ấp được trải bê tông, nhựa hóa. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, hệ thống kinh mương được kiên cố hóa… đã mang lại những đổi thay đáng kể trong sản xuất, đời sống của người dân. Sau khi về đích xã NTM, Long Định tiếp tục quyết tâm xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2025.

Về thăm Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa hôm nay, không chỉ là hành trình trở về với lịch sử hào hùng của quê hương, mà còn giúp chúng ta trân trọng hơn những giá trị lịch sử cao đẹp; đồng thời, phát huy truyền thống hào hùng, ý nghĩa và bài học sâu sắc của chiến thắng Giồng Dứa hào hùng năm xưa ra sức thi đua, thể hiện lòng yêu nước, yêu quê hương, tích cực lao động, học tập và rèn luyện để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

L. NGUYÊN - T. LÂM

.
.
.