Đề án 06 triển khai đúng hướng, mang lại hiệu quả rõ nét
(ABO) Ngày 21-12, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị (ảnh chụp qua màn hình). |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng chủ trì cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tính đến tháng 12-2023, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6,8 triệu tài khoản đăng ký, hơn 119 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 29 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, hơn 20,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7.113 tỷ đồng.
Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; công khai hơn 6,3 ngàn thủ tục hành chính, trong đó đã tích hợp, cung cấp 4.591 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 11,2 triệu tài khoản (tăng hơn 2,73 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành); hơn 269,1 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành); hơn 35,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 9.513 tỷ đồng (tăng hơn 2,58 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành).
Riêng đối với 53 dịch vụ công thiết yếu, đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg, ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang. |
Một số thủ tục hành chính có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (97%), đăng ký cấp biển số xe ô tô lần đầu (80,5%), thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (75,6%), cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (73%), đăng ký tạm trú (87,33%)... Hằng năm, đã tiết kiệm cho Nhà nước 2.505 tỷ đồng. Qua đó, Đề án đã góp phần giúp người dân không cần đi lại nhiều lần đến cơ quan hành chính, giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, góp phần hạn chế “tham nhũng vặt”.
Riêng Tiền Giang đã hoàn thành cấp 1.837.317 hồ sơ cấp Căn cước công dân, sớm hơn so với chỉ đạo của Bộ Công an giao trước 38 ngày và vượt chỉ tiêu được giao về tạo lập, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Toàn tỉnh thu nhận được 1.232.417 trường hợp, đạt 73,49%, đã kích hoạt 1.094.513 tài khoản, đạt 65,26% trên tổng số công dân đã có thẻ Căn cước công dân, so với chỉ tiêu Bộ Công an giao đạt và vượt.
100% cơ sở khám, chữa bệnh dùng thẻ Căn cước công dân để khám, chữa bệnh thay thẻ Bảo hiểm y tế, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân cho người dân đạt 95,42%. Dữ liệu hộ tịch số hóa đạt 74,34%, số hóa dữ liệu đất đai đạt 100% số mới phát sinh; thu thập thông tin người lao động đạt 60%.
Trong công tác chuyển đổi số, trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã thu thập thông tin của 86.046/104.676 đối tượng, có 15.493 đối tượng đã có tài khoản ngân hàng và thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản cho 3.797 đối tượng.
Ngoài ra, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở y tế, giáo dục, điện, nước, nộp thuế... đều được triển khai thực hiện; có 2 chợ, 4 tuyến đường, 422.154 điểm kinh doanh tạo mã QR thực hiện mua bán không dùng tiền mặt; có 1.413 máy POS/MPOS thanh toán không dùng tiền mặt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Đề án 06 thời gian qua. Đồng chí khẳng định việc thực hiện Đề án 06 triển khai đúng hướng, mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn, hành động quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu trong thực hiện Đề án 06. Tập trung vào việc: Tiếp tục hoàn thiện pháp lý; thể chế hóa Luật Giao dịch điện tử; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng; đẩy mạnh số hóa, chia sẻ kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận trong chuyển đổi số… để phục vụ hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp.
TUẤN LÂM