.
NGÀY LÀM VIỆC ĐẦU TIÊN TẠI KỲ HỌP THỨ 11 - HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA X:

Bức tranh kinh tế - xã hội của Tiền Giang có nhiều điểm sáng

Cập nhật: 20:44, 06/12/2023 (GMT+7)
(ABO)  Đánh giá tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả rất phấn khởi. Hầu hết chỉ tiêu, kế hoạch đề ra từ đầu năm đều đạt, vượt mục tiêu kế hoạch; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh trở lại; lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; tình hình phạm tội về trật tự xã hội, tai nạn giao thông đường bộ được kiềm chế. 
 
Đây được xem là động lực to lớn để tỉnh Tiền Giang bước vào năm 2024 bứt phá, tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. 
 
NHIỀU CHỈ TIÊU ĐẠT VÀ VƯỢT 
 
Tại kỳ họp, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Qua báo cáo cho thấy, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang trong năm 2023 có nhiều điểm sáng tích cực. 
 
Huyện Châu Thành nỗ lực ra mắt huyện Nông thôn mới trong năm 2023.
Châu Thành nỗ lực ra mắt huyện nông thôn mới trong năm 2023.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 5,7% so năm 2022; trong đó, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, khu vực dịch vụ tăng 5,8%. Trong 5,7% tăng trưởng năm 2023, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp đóng góp 0,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,8% và khu vực dịch vụ đóng góp 2,1%.
 
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 37,2% năm 2022 xuống còn 36,4% năm 2023; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng từ 28% năm 2022 lên 28,5% năm 2023; khu vực dịch vụ tăng từ 34,8% năm 2022 lên 35,1% năm 2023.
 
Nông dân huyện Cái Bè chăm lo phát triển kinh tế.
Nông dân huyện Cái Bè chăm lo phát triển kinh tế.
 
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh uớc thực hiện cả năm 2023 là 10.182 tỷ đồng, đạt 98,97% so với dự toán, trong đó thu nội địa là 9.888 tỷ đồng, đạt 100% so với dự toán. Ước thực hiện chi ngân sách địa phương năm 2023 là 19.755,3 tỷ đồng, đạt 140% dự toán năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,3 triệu đồng, tăng 6,32 triệu đồng/người/năm so với năm 2022.
 
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ước cả năm, sản lượng lương thực có hạt đạt 801,4 ngàn tấn, đạt 100,6% kế hoạch, giảm 5,5% so cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 304,6 ngàn tấn, đạt 83,6% kế hoạch, giảm 15% so cùng kỳ.
 
Hoạt động sản xuất công nghiệp ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 2,9% so cùng kỳ, chỉ số tăng chủ yếu thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2023, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ. 
 
Lĩnh vực dịch vụ phát triển tốt, gia tăng giá trị. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 82.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,5%; kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 4,615 tỷ USD, vượt 18,3% kế hoạch, tăng 12,9%; khách du lịch ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 58%, khách quốc tế 400 ngàn lượt khách, tăng 5 lần so cùng kỳ.
 
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội cho người dân được đảm bảo, cải thiện. Ngành Giáo dục đã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022 - 2023. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 99,7%. Tỷ lệ học sinh huy động so dân số trong độ tuổi ở các bậc học đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch. 
 
Công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 93% dân số tham gia bảo hiểm y tế, có 24 giường bệnh/vạn dân, 7,63 bác sĩ/vạn dân.
 
Công tác an sinh xã hội được quan tâm, chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được thực hiện lồng ghép, triển khai đồng bộ, kịp thời. Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,97%; giải quyết việc làm cho 16.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 3,2%; 490 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, vượt 63,3% kế hoạch.
 
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, thông tin - tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động tập trung chào mừng các ngày lễ, tết và các sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh.
 
Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững; tăng cường công tác xây dựng, bảo vệ tiềm lực quốc phòng của địa phương, xây dựng Lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ; quản lý, huy động nền kinh tế quốc dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng của địa phương trong mọi tình huống. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, có được những kết quả đáng khích lệ đó là nhờ vào sự tập trung lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
 
Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch năm 2023 của các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương luôn bám sát vào các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thông qua; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt và đề ra các giải pháp phù hợp từng thời điểm. 
 
TẬP TRUNG CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NĂM 2024 
 
Trong năm 2024, tỉnh Tiền Giang tiếp tục kế thừa những thành tựu đạt được, cùng với cả nước thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến tích cực, thực chất hơn trong các khâu đột phá; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại.
 
Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  5 năm 2021 - 2025; ước thực hiện năm 2023, Tiền Giang dự kiến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như sau: Về các chỉ tiêu kinh tế, tăng trưởng kinh tế đạt 7 - 7,5%. Cơ cấu kinh tế với khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ chiếm 35,3%; GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 - 50.650 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.801 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 14.456 tỷ đồng; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.
 
Ở nhóm các chỉ tiêu xã hội, trong năm 2024, tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho 18.000 lao động; trong đó, đưa 400 lao động làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 55,5%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 24%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,1 điểm so với năm 2023; phấn đấu có 90% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2022 - 2025; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
 
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi: Nhà trẻ 17,5%, mẫu giáo 87,5%, tiểu học 100%, trung học cơ sở 99%, trung học phổ thông và tương đương 84%... 
 
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chính sách, quan tâm, đầu tư chăm lo cho giáo dục.
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang có nhiều chính sách, quan tâm đầu tư, chăm lo cho giáo dục.
 
Các chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 96,75%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 99,77%, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý đạt trên 98,5%. 
 
Trên cơ sở các chỉ tiêu đặt ra, UBND tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Tổ chức công bố và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư của tỉnh.
 
Quy hoạch tỉnh làm căn cứ để triển khai thực hiện các quy hoạch ngành theo quy định pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  5 năm, hằng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh. 
 
UBND tỉnh  tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, nâng cao năng lực phân tích, dự báo...; xây dựng đội ngũ này theo hướng nâng cao cả về số lượng và chất lượng, có tính chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới.
 
Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực của tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; phát triển kinh tế đi liền với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội... 
 
ĐỖ PHI - CAO THẮNG 
 
 
 
 
 
.
.
.