.
Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 / 7-1-2024) - trang sử vẻ vang của hai dân tộc

Bài 3: Chiến thắng của chính nghĩa

Cập nhật: 10:18, 07/01/2024 (GMT+7)

Chiến thắng ngày 7-1-1979 không chỉ là thắng lợi chung, thể hiện nghĩa tình sâu nặng giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia mà còn là chiến thắng của chính nghĩa.

Tự vệ và giúp bạn

Lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam đã vượt qua muôn vàn thử thách cam go, hiến dâng cả máu đào của mình, chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả. Theo Giáo sư Pankaj Jha của Trường Quan hệ Quốc tế Jindal (Ấn Độ), chính Việt Nam là quốc gia đã giúp Campuchia "thoát khỏi nỗi thống khổ của chế độ diệt chủng" và trong cuộc chiến ấy, những người lính Việt Nam "đã trải qua không biết bao nhiêu gian khổ".

"Mặc dù phần lớn lịch sử của cuộc chiến đã được ghi chép lại nhưng sự hy sinh của Quân đội Việt Nam để giúp giải phóng người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo đã từng có thời điểm chưa được ghi nhận tương xứng... Tượng đài hữu nghị tại thủ đô Phnom Penh phản ánh rõ vai trò của Việt Nam trong việc lật đổ tập đoàn Pol Pot", Giáo sư Pankaj Jha khẳng định khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Là một nhà nghiên cứu thường xuyên theo dõi sát sao các vấn đề liên quan tới Việt Nam, Lào và Campuchia, nhất là giai đoạn từ sau năm 1975, Giáo sư Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) nhấn mạnh, dưới ách cai trị của tập đoàn Pol Pot, các vụ thảm sát hàng loạt xảy ra thường xuyên và mấy triệu người đã bị giết hại tại Campuchia. Những ngôi mộ tập thể được phát hiện sau đó chính là bằng chứng cho tội ác của tập đoàn Pol Pot. Nếu như chế độ diệt chủng tàn bạo tại Campuchia không bị lật đổ thì "số người dân Campuchia bị chúng giết hại sẽ còn lớn hơn nhiều".

Giáo sư Carlyle Thayer cho biết, hiện nay, giới học giả quốc tế đều có chung nhận định về những lý do Việt Nam đưa quân tình nguyện sang Campuchia vào cuối thập niên 1970. "Đó là một hành động tự vệ xét theo luật pháp quốc tế, đồng thời phản ánh một chuẩn mực mới của cộng đồng quốc tế-trách nhiệm bảo vệ thường dân vô tội trước tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, sự thanh lọc sắc tộc, tội ác chống lại loài người", vị học giả người Australia khẳng định với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Trong khi đó, theo tờ The Times of India, sự phối hợp giữa các lực lượng Việt Nam và Campuchia giải phóng thủ đô Phnom Penh vào ngày 7-1-1979 đã "mang lại hy vọng đặt dấu chấm hết cho cơn ác mộng" của người dân đất nước chùa tháp. Quân tình nguyện Việt Nam đã được người dân Campuchia chào đón "như là những người giải phóng họ khỏi sự tàn bạo và nỗi kinh hoàng" trong những năm tháng sống dưới ách cai trị của tập đoàn Pol Pot. "Yêu cầu cấp bách đặt ra với Việt Nam khi đó là phải bảo vệ biên giới trước các cuộc tấn công gia tăng của tập đoàn Pol Pot, đồng thời lật đổ tập đoàn Pol Pot vì lý do nhân đạo. Nếu chế độ diệt chủng tiếp tục tồn tại, chúng sẽ gây ra những tổn thất không thể khắc phục được cho Campuchia và leo thang các cuộc tấn công biên giới thành một cuộc chiến tranh toàn diện với Việt Nam", tờ The Times of India nêu rõ.

b

Người dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước. Ảnh tư liệu

"Hành động của Việt Nam là đúng đắn"

Sau khi thủ đô Phnom Penh được giải phóng vào ngày 7-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia đã được thành lập và tiếp tục đề nghị Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp truy quét tàn quân Pol Pot cũng như củng cố chính quyền cách mạng. Ngoài hoạt động quân sự, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia sang giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất giúp phục hồi kinh tế-xã hội từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại. "Người Việt Nam đã hỗ trợ khôi phục những tuyến đường giao thông huyết mạch, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng viện trợ quốc tế. Trường học mở cửa trở lại, các hoạt động của Phật giáo được khôi phục, người dân quay trở lại các thành phố, giao thương trong nước nở rộ... Đến tháng 6-1980, Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia 180.000 tấn lương thực và thóc giống bất chấp những khó khăn của riêng mình", tờ The Times of India khẳng định.

Qua quá trình kề vai sát cánh chiến đấu, xây dựng, với sự hỗ trợ của Việt Nam, lực lượng cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đủ khả năng tự lực bảo vệ thành quả cách mạng và hồi sinh đất nước. Từ thực tiễn đó, theo thỏa thuận giữa hai bên, năm 1989, Việt Nam rút hết quân tình nguyện về nước trong niềm tự hào, vinh quang, với những tình cảm lưu luyến, thắm thiết nghĩa tình của nhân dân Campuchia. “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”, báo Pracheachon (Nhân Dân) của Campuchia khẳng định trong bài xã luận vào ngày Quân tình nguyện Việt Nam về nước.

Sau nhiều năm xét xử với hàng trăm nghìn tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16-11-2018, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Pol Pot tại Campuchia (ECCC) do Liên hợp quốc bảo trợ đã chính thức ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của tập đoàn Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại. Dù mấy chục năm đã trôi qua, nhưng phán quyết này một lần nữa đã khẳng định tính chính nghĩa sáng ngời và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam dành cho Campuchia. “Bản án đối với các cựu thủ lĩnh của tập đoàn Pol Pot có ý nghĩa gì? Đây chính là sự công nhận của Liên hợp quốc rằng hành động của Việt Nam là đúng đắn...”, tờ Khmer Times dẫn lời Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.

Theo Báo điện tử Quân Đội Nhân Dân 

.
.
.