.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng

Cập nhật: 13:26, 13/03/2024 (GMT+7)

Ngày 13-3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự.

a
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp.

Tham dự phiên họp, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Tiểu ban: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các đồng chí thành viên Tổ giúp việc của Tiểu ban.

Tại phiên họp, đồng chí Trương Thị Mai đã trình bày các Dự thảo: Quy chế làm việc của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng; Quyết định phân công nhiệm vụ cho các đồng chí thành viên Tiểu ban; Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban; Quyết định thành lập Tổ giúp việc và Quy chế làm việc của Tổ giúp việc.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng phân tích, nêu rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội; yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự của Đại hội XIV; nội dung, phương thức, cách thức tiến hành và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị địa phương, nhất là Tiểu ban Nhân sự.

Hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư nêu rõ, hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự). Hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.

Về yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự của Đại hội XIV, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khóa XIV, bảo đảm thành công của Đại hội và thắng lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội. Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia-dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Theo Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Tổng Bí thư yêu cầu, kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có một trong các khuyết điểm sau:

Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình;

Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị; Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút; Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Tổng Bí thư lưu ý, công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn, vì nó liên quan đến con người, là "công tác con người". Vì vậy, công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu.

Công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn, vì nó liên quan đến con người, là "công tác con người".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một ê-kíp, một tập thể thật sự "ăn ý", đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh. Muốn thế, phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tuỳ tiện, vô nguyên tắc.

Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn,...

Tổng Bí thư nhấn mạnh, mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang nhưng rất nặng nề của mình là lãnh đạo hoàn thành sứ mạng lịch sử, nhiệm vụ chính trị của mình, tổ chức toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.