.
Kỷ niệm 118 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập (24-4-1906 – 24-4-2024)

Đồng chí Hà Huy Tập sống mãi cùng Đảng, Tổ quốc và Nhân dân ta

Cập nhật: 09:54, 24/04/2024 (GMT+7)

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập đã để lại bài học vô cùng quý giá về lý tưởng cộng sản, về tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân.

Cuộc đời người cộng sản Hà Huy Tập

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906, trong gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay thuộc xã cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước thương dân.

Hà Huy Tập học tiếng Hán từ cha, sau đó đi học và đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp trường tiểu học nhưng do gia cảnh khó khăn nên không được học tiếp. Từ tháng 9-1917, nhờ có người giúp đỡ, ông được học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt, được cấp học bổng do đỗ thủ khoa kỳ thi chọn học sinh xuất sắc vào năm 1919. Hà Huy Tập học tiếp Trường Quốc học Huế và tốt nghiệp loại ưu nhưng vì không có điều kiện học lên nữa nên đồng chí về vào làm giáo viên Trường Tiểu học Pháp - Việt tại Nha Trang (Khánh Hòa). Trong thời gian này, đồng chí tiếp xúc và đọc nhiều tài liệu, hiểu thêm về tội ác của thực dân Pháp, cuộc sống bần hàn của nhân dân lao động ở Việt Nam và Đông Dương.

a
Đồng chí Hà Huy Tập

Tháng 8-1926, đồng chí Hà Huy Tập chuyển về dạy học tại Trường Cao Xuân Dục ở Vinh, Nghệ An; tích cực hoạt động trong Hội Phục Việt, tích cực tuyên truyền tư tưởng chống chuyên chế và chống thực dân Pháp trong học sinh và tầng lớp lao động. Tháng 3-1927, đồng chí vào dạy học tại một trường tiểu học ở Gia Định, sau đó đến Bà Rịa làm công nhân, lập ra một chi bộ, một hội đọc sách báo và tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho công nhân.

Cuối tháng 12-1928, Hà Huy Tập cùng với một số đồng chí khác được cử đến Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ tháng 7-1929 đến tháng 4-1932, đồng chí được cử đi học tại Trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva. Khoảng tháng 6-1933, đồng chí về Trung Quốc hoạt động cách mạng, tham gia Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương; triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Từ tháng 7-1936 đến tháng 3-1938, đồng chí hoạt động cách mạng với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng. Từ Hội nghị lần thứ 3 (khóa I) Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3-1938, đồng chí thôi giữ chức Tổng Bí thư, nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương.

Ngày 1-5-1938, trong khi đang đi công tác, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt, đưa về giam tại Sài Gòn và Nghệ An. Ngày 28-8-1941, thực dân Pháp xử bắn đồng chí. Đồng chí hy sinh để lại tấm gương kiên trung, bất khuất, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

35 tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần hai năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta.

Nhà lãnh đạo cách mạng tài năng, không ngừng chăm lo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức

Đồng chí Hà Huy Tập là người chủ công xây dựng các văn kiện và chủ trì Đại hội Đảng năm 1935. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 7-1936, đồng chí Hà Huy Tập được phân công về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục tổ chức của Đảng. Ngay sau đó, đồng chí đã quyết định chuyển trụ sở của Đảng từ nước ngoài về xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Đây là quyết định có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện trong việc đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phong trào cách mạng lúc đó.

Tại Bà Điểm - Hóc Môn - Gia Định, đồng chí liên tục chủ trì ba Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Tại Hội nghị tháng 3-1937, Đảng chủ trương thống nhất các tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, xác định những chủ trương mới thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Tại Hội nghị tháng 9-1937, Đảng thông qua một số quyết định quan trọng về việc thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, phát triển cơ sở đảng trong các thành thị và đồn điền, kết hợp các hình thức đấu tranh công khai và bán công khai... Nhờ vậy, chỉ trong một năm, Đảng ta từ chỗ bị địch khủng bố trắng đã thành lập lại Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương. Tại Hội nghị tháng 3-1938, phân tích thái độ của các đảng phái, các tổ chức chính trị ở Đông Dương, công tác quần chúng, công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng, quyết định đổi Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương.

Như vậy, trong 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã tận dụng được thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức Đảng trong nước, sớm hình thành được Ban Chấp hành Trung ương; triệu tập và chủ trì 3 hội nghị Trung ương; tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, đưa phong trào cách mạng tiến lên những bước mới.

Nhà lý luận sắc sảo, một cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và chính trị

Qua thực tiễn trong phong trào cách mạng sôi động của giai cấp công nhân và toàn dân tộc, bằng trí tuệ nhạy cảm, sự nhạy bén chính trị và ngòi bút sắc bén, đồng chí Hà Huy Tập thể hiện là một nhà lý luận chính trị sắc sảo, giữ vị trí quan trọng trong hoạt động báo chí, xuất bản. Đồng chí Hà Huy Tập là người sáng lập, tổng biên tập của nhiều tờ báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, tích cực nghiên cứu lịch sử Đảng. Ở tuổi 23, đồng chí đã hoàn thành cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam trong những năm đầu do Đảng lãnh đạo. Ngoài ra, đồng chí còn viết khoảng 25 tác phẩm khác.

Đồng chí đã có 3 bài báo đăng trên Tạp chí Cahiers du Bolchévisme (Tạp chí Bônsơvích - Cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp), nhiều bài viết đăng trên Tạp chí Bônsơvích của Ban Chỉ huy ở ngoài, là Tổng Biên tập tờ Le Peuple (Dân chúng); nhiều bài đăng trên các tạp chí khác như Tờ L'Avant-garde (Tiền phong), Báo En Avant (Tiến lên)…

a
Phần mộ đồng chí Hà Huy Tập tại Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên). Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Bằng ngòi bút đầy tính chiến đấu dưới nhiều bút danh khác nhau, các bài báo của đồng chí Hà Huy Tập vạch trần bộ mặt thật, phê phán quan điểm phản động của các phần tử Trôtxkít; tuyên truyền, kiên định bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Các tác phẩm: Vì một Mặt trận nhân dân Đông Dương, Vì sao cần sự ủng hộ Mặt trận bình dân bên Pháp... của đồng chí là những tác phẩm lý luận chính trị của Đảng có giá trị, góp phần chỉ đạo cách mạng trong thời kỳ vận động dân chủ. Tư duy và sự nhạy bén chính trị của đồng chí Hà Huy Tập còn thể hiện ở quan điểm dân tộc, giai cấp, coi đây là một điều kiện cơ bản dẫn tới mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những tác phẩm của đồng chí đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực chống Tờrốtxkít, một trào lưu cơ hội chủ nghĩa, “kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ”.

“Tôi chẳng có gì phải hối tiếc”

Từ một trí thức yêu nước, đi theo con đường cách mạng và trở thành Tổng Bí thư của Đảng ở tuổi 30, đồng chí Hà Huy Tập đã tỏ rõ năng lực dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi cùng với các cơ quan lãnh đạo của Đảng ta đưa ra những quyết sách phù hợp; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của Đảng, biến thời cơ thành hiện thực, dấy lên cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình và chống chiến tranh đế quốc ở nước ta những năm 1936-1939.

Trong hoạt động cách mạng, đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chấp nhận mọi thử thách, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cộng sản cao đẹp, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đối mặt với nhiều án tù của thực dân đế quốc, trong đó có án tử hình, thường xuyên bị kẻ thù rình rập, bao vây, khống chế cả về vật chất và tinh thần, thậm chí bị giam cầm, tra tấn dã man, nhưng đồng chí Hà Huy Tập vẫn kiên trung, bất khuất, giữ vững niềm tin và ý chí chiến đấu của người cộng sản. Trước tòa, nêu cao khí tiết của người cách mạng, bác lại lời cầu xin của trạng sư bào chữa, đồng chí khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động!".

Đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng hy sinh trước mũi súng tàn bạo của kẻ thù ở tuổi 35 với lời nhắn gửi: “Hãy xem tôi như người còn sống” thể hiện niềm tin mãnh liệt, khát vọng cống hiến, chiến đấu cho lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc.

Đánh giá công lao của Hà Huy Tập và các chiến sĩ cách mạng tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Hà Huy Tập tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta là rất quan trọng và to lớn. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí đã để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá về lý tưởng cộng sản, về tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Tinh thần và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập sống mãi cùng với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân ta./.

Theo dangcongsan.vn


 

.
.
.