.
KỶ NIỆM 154 NĂM NGÀY SINH V.I.LÊNIN (22-4-1870 - 22-4-2024)

Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới

Cập nhật: 10:05, 22/04/2024 (GMT+7)

V.I.Lênin tên thật là Vladimir Ilych Ulianov, sinh ngày 22-4-1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk, Nga), trong một gia đình nhà giáo tiến bộ. Ông là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của V.I.Lênin đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc.

Dù thời gian lùi xa và thế giới đã có nhiều đổi thay to lớn, song tư tưởng của V.I.Lênin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới.

NGƯỜI KẾ TỤC, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC

Là thanh niên có tư tưởng cấp tiến, V.I.Lênin đã sớm tham gia các hoạt động cách mạng chống lại sự tàn bạo, thối nát của chế độ Nga Sa Hoàng đương thời. V.I.Lênin nhận thấy bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, trở thành một người mácxít và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự thành công của chủ nghĩa Mác. Ông đã đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội trên luận cứ khoa học sắc bén. Trong cuộc đấu tranh đó, chủ nghĩa Mác đã được phát triển một cách toàn diện trên cả ba bộ phận hợp thành từ triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.

V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ  ở Moskva (Nga) trong Lễ kỷ niệm 1 năm ngày  Cách mạng  Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1918.  Ảnh: TTXVN
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva (Nga) trong Lễ kỷ niệm 1 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1918. Ảnh: TTXVN

Tháng 10-1917, nhân loại đã chứng kiến một sự kiện, đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, khai sinh ra nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại - quá độ lên chủ nghĩa xã hội, từ đây chủ nghĩa xã hội khoa học đã thành hiện thực. Qua cuộc cách mạng đó, V.I.Lênin đã giải đáp thành công những vấn đề mới đặt ra cho giai cấp công nhân khi thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Qua thực tiễn, V.I.Lênin đã luận giải tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của mọi dân tộc, rằng sớm hay muộn các dân tộc sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng cách riêng của các dân tộc mình.

Sau thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, 14 nước đế quốc bao vây nước Nga, hòng “bóp chết” chính quyền xã hội chủ nghĩa non trẻ, chủ nghĩa tư bản duy trì nạn áp bức giai cấp cùng nạn áp bức dân tộc, phát động chiến tranh đế quốc, V.I.Lênin khẳng định: Các dân tộc có quyền tự quyết, quyền bình đẳng trên cơ sở liên hiệp giai cấp công nhân các dân tộc trong tiến trình giải phóng dân tộc là một tất yếu lịch sử, tư tưởng đó của V.I.Lênin đã mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc hình thành lên một khuynh hướng mới vô cùng mạnh mẽ, trở thành “một dòng thác” cách mạng tấn công vào thành lũy của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.

31 năm sau khi V.I.Lênin qua đời, Bảo tàng Phòng làm việc và nơi ở của V.I.Lênin chính thức mở cửa. Người nước ngoài đầu tiên đến thăm Bảo tàng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc của những năm tháng sống và học tập, làm việc ở Liên Xô trước đây. Trên trang đầu của cuốn Sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:“Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt!”.

Tháng 2-1848, với sự ra đời của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản - đã đánh dấu sự xuất hiện chủ nghĩa Mác, tác phẩm được xem là “cẩm nang gối đầu giường” của những người cộng sản, tác phẩm đã chỉ ra đường đi, cách thức tiến hành cách mạng, phương pháp, mục đích cách mạng và các biện pháp xây dựng xã hội tương lai. Kể từ đó, phong trào công nhân đã có một học thuyết dẫn đường trong cuộc đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản để giải phóng mình và giải phóng nhân loại. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác, giai cấp công nhân đã được tổ chức, lãnh đạo bởi chính đảng của mình.

Về triết học, V.I.Lênin đã cống hiến xuất sắc trong phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng như quan niệm về vật chất, mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, về lý luận nhận thức cũng như hàng loạt các vấn đề cơ bản khác của triết học. Về kinh tế chính trị học, V.I.Lênin đã phát triển lý luận kinh tế chính trị học mácxít trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa trên các phương diện: Quá trình hình thành chủ nghĩa tư bản ở Nga; về tính chất “đan xen” giữa các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội...

Về chủ nghĩa xã hội khoa học, đây là đóng góp vĩ đại của V.I.Lênin về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới, về sự chuyển tiếp cách mạng từ dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, lý luận về nhà nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa, vai trò của liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, minh chứng thành công rõ nét nhất là sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn đã được V.I.Lênin giải quyết đúng đắn và rất sáng tạo mà chính sách kinh tế mới (NEP) là một trong những chỉ dẫn xuất chúng của V.I.Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể của nước Nga.

CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN SOI SÁNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Nǎm 1911, với bí danh Vǎn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành nhận làm phụ bếp cho tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) rời Sài Gòn đi Mác-xây (Pháp), bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Tháng 7-1920, qua Báo Nhân Đạo (Pháp), Người đọc được tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin. Sau này nhớ lại với niềm vui sướng khôn tả, Hồ Chí Minh viết: Luận cương của V.I.Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Từ đó, Người hoàn toàn tin theo V.I.Lênin và trở thành người cộng sản đầu tiên theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của Đảng ta vào năm 1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, được trang bị bằng chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều gian khổ để giành được những thành tựu vĩ đại: Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, với thắng lợi của Cách mạng Tháng 8-1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Một trong những bài học xuyên suốt hơn 94 năm qua của Đảng ta là trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, phải luôn kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện nước ta và tại Đại hội VII năm 1991 Đảng ta ghi nhận: Chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta.

NHƯ NGỌC (tổng hợp)

.
.
.