.
LỄ KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH GENEVA:

Sáng ngời tâm thế, bản lĩnh, bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Cập nhật: 14:11, 25/04/2024 (GMT+7)

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024).

b

Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Các Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ kỷ niệm. Cùng dự có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các ban, bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện gia đình thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện Hiệp định; Đại sứ, đại diện các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử…

b

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, với Hiệp định Geneva, lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế, được các nước, các bên tham dự Hội nghị thừa nhận và tôn trọng.

b

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

“Với Hiệp định Geneva, chúng ta đã thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải; có ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; sẵn sàng hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Với Hiệp định Geneva, chúng ta đã tạo nguồn cảm hứng và cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp năm châu, vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội và mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, thắng lợi tại Hội nghị Geneva trước hết và quan trọng nhất là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Thắng lợi này còn là kết tinh của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và bền bỉ của quân và dân ta trong 9 năm kháng chiến mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Thắng lợi còn là kết quả của sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có Nhân dân Pháp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneva vẫn để lại nhiều bài học quý báu, còn nguyên giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

b

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đọc diễn văn kỷ niệm. Ảnh: Đức Minh/TTXVN

Đọc diễn văn kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Hội nghị Geneva là hội nghị quốc tế đa phương lớn đầu tiên Việt Nam tham dự để đàm phán và ký kết điều ước quốc tế với sự tham gia trực tiếp của các cường quốc. Trong lần tham dự đầu tiên này, ngoại giao cách mạng Việt Nam đã khẳng định tâm thế, trí tuệ, bản lĩnh và cốt cách của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, vị thế của một quốc gia có độc lập, chủ quyền và yêu chuộng hòa bình.

Theo Bộ trưởng, thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneva bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước anh hùng cùng trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Geneva là kết tinh thành quả đấu tranh gian khổ và hy sinh to lớn của quân và dân ta, từ Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong thắng lợi chung của dân tộc, có đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của các thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như đội ngũ cán bộ phục vụ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneva 1954 là một mốc son trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học sâu sắc thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trước những biến động rất phức tạp trên thế giới hiện nay, vận dụng sáng tạo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam đã xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại trên cơ sở kiên định nguyên tắc, linh hoạt trong sách lược và ứng xử, nêu cao tinh thần hòa hiếu và hữu nghị, kiên trì đối thoại và hợp tác. Nhờ đó, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vừa thúc đẩy hợp tác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều bài học quý báu từ Hiệp định Geneva cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để kế thừa, vận dụng và phát triển trong xây dựng trường phái đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

b

Chương trình văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có những chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm mà ông đã được nghe lại từ cha của mình.

Đại sứ các nước Lào và Campuchia tại Việt Nam đã có các phát biểu nhấn mạnh: Hiệp định Geneva năm 1954 thể hiện rõ đường lối chiến tranh về mặt quân sự và chính trị ngoại giao sáng suốt, linh hoạt, tinh thần hy sinh và sự đoàn kết nội bộ và quốc tế của Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như lãnh đạo của Đảng Cộng sản 3 nước. Mặt trận quân sự là đình chỉ chiến sự, rút lực lượng quân sự nước ngoài ra khỏi 3 nước và lập lại hòa bình tại Đông Dương. Tuyến chính trị ngoại giao được chấp nhận và đảm bảo hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, Việt Nam và Campuchia, chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Bài học về đàm phán trong Hội nghị Geneva và Chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành ngọn đuốc mãnh liệt của cách mạng đấu tranh quân sự và chính trị trong nhiều chiến dịch chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài và hoàn toàn giải phóng đất nước của 3 nước Đông Dương trong năm 1975.

"Bảy mươi năm trôi qua, ngày ký Hiệp định chấm dứt chiến sự tại Hội nghị Geneva vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng hòa bình, bảo vệ giữ gìn và phát triển 3 nước Đông Dương trong bối cảnh hiện nay", Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh nói.

Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha đánh giá buổi lễ là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn để các thế hệ ngày nay nhớ lại về thời kỳ kháng chiến, những tấm gương kiên cường và anh dũng của các anh hùng quân đội giải phóng Việt Nam đã chiến đấu thắng lợi giành lại nền độc lập từ chế độ thực dân.

Theo Báo Tin Tức (TTXVN)

.
.
.