Bài 1: Linh hoạt, sáng tạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là một khâu quan trọng trong công tác tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ của Đảng; những năm qua, tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hội tụ đủ “tâm” và “tầm” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại từng cơ quan, đơn vị.
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ (CB), đảng viên (ĐV) của tỉnh Tiền Giang có nhiều bước chuyển nổi bật, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương trong sạch, vững mạnh...
NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI đã xác định, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu về chất lượng trong tình hình mới là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Sơn trao Bằng tốt nghiệp Trung cấp LLCT hệ không tập trung, năm học 2022 - 2023. |
Vì thế trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CB, ĐV trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được các cấp ủy triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tính đến cuối năm 2022, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang có 734 tổ chức cơ sở đảng, hơn 51.000 đảng viên ngày càng được nâng cao về số lượng lẫn chất lượng.
Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Tiền Giang; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Hướng dẫn 43 ngày 2-11-2022 về công tác giáo dục LLCT năm 2023 (gọi tắt là Hướng dẫn 43) và được triển khai nghiêm túc, cụ thể đến các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, công tác LLCT được các cấp ủy Đảng đặc biệt quan tâm, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
"Trung tâm Chính trị TX. Cai Lậy đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Thị ủy, hướng dẫn chuyên môn của Ban Tuyên giáo các cấp, Trường Chính trị tỉnh và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thị ủy thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục LLCT cho CB ĐV, đoàn viên, hội viên trên địa bàn thị xã. Qua đó, hoạt động tuyên truyền, giáo dục LLCT được coi trọng và có bước phát triển, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, tạo sự đồng thuận trong CB, ĐV và các tầng lớp nhân dân”. TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO THỊ ỦY, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM CHÍNH TRỊ TX. CAI LẬY TRẦN VĂN ĐỘ |
Nhờ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều điểm sáng được ghi nhận, góp phần củng cố, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của CB, ĐV và nhân dân.
Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương) đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cấp ủy trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng LLCT, chuyên môn nghiệp vụ cho CB, ĐV theo đúng nội dung, thời gian, chương trình theo quy định.
Những điểm mới trong nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong từng giai đoạn được kịp thời bổ sung, cập nhật vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng dự học. Đồng thời, công tác giao ban, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, công tác lý luận luôn được chú trọng.
Cụ thể, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền cho 202 cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo cấp ủy huyện (tương đương), cán bộ tuyên giáo Đảng ủy xã, phường, thị trấn với các chuyên đề như: Phương pháp báo cáo một chuyên đề về lịch sử địa phương; Kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng; Hướng dẫn thao tác thực hiện phần mềm phân tích, xử lý trực tuyến dư luận xã hội… góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi CB, ĐV.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập LLCT ở Trường Chính trị và Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương) không ngừng được củng cố và nâng lên. Không những cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với giảng viên, học viên ngày càng được quan tâm, đội ngũ cán bộ, giảng viên được kiện toàn cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng.
Nhiều giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy, nghiên cứu, đầu tư đổi mới phương thức dạy và học, đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT hiện nay. Nhờ đó, tỷ lệ CB làm công tác Đảng, đoàn thể đương chức và dự nguồn trong hệ thống chính trị cơ sở được đào tạo có trình độ LLCT tăng lên rõ rệt, góp phần đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công tác.
KẾT HỢP CHẶT CHẼ GIỮA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang Lê Văn Tý cho biết: “Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong thời gian qua có sự thống nhất cao trong lãnh đạo, quản lý, điều hành mọi hoạt động, tham mưu kịp thời với Thường trực Tỉnh ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, ĐV; cơ sở vật chất của nhà trường.
Đồng chí Trần Văn Độ trao Giấy chứng nhận cho học viên tại Lễ Bế giảng lớp Bồi dưỡng LLCT dành cho đảng viên mới, năm 2023. Ảnh: Ban Tuyên giáo Thị ủy Cai Lậy cung cấp. |
Đồng thời, đội ngũ giảng viên của trường xây dựng bản lĩnh vững vàng về tư tưởng chính trị, đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ; trình độ chuyên môn, LLCT ngày càng được nâng lên. Công tác tổ chức lớp, phân bố thời gian, tiến độ hợp lý đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý đào tạo, bồi dưỡng…”.
Đồng thời, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu Tỉnh ủy mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho CB lãnh đạo, quản lý các cấp, lớp Trung cấp LLCT - hành chính… Cụ thể, trong năm 2023, các lớp trong kế hoạch đào tạo có 47 lớp với 4.740 học viên; các lớp ngoài kế hoạch đào tạo có 20 lớp, 3.560 học viên.
Cụ thể, trong hệ đào tạo Trung cấp LLCT có 14 lớp với 910 học viên. Học viên hầu hết đều là đảng viên, là lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ quan, đơn vị, có ý thức chấp hành kỷ luật, nên thuận lợi cho việc quản lý đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng chí Võ Thị Hồng Phượng, học viên lớp Trung cấp LLCT khóa 49, năm 2023 tại Trường Chính trị tỉnh, cho biết, trong suốt khóa học, những kiến thức, kỹ năng, khả năng lý luận được các thầy, cô Trường Chính trị tỉnh truyền đạt với nhiều môn học thật sự bổ ích và sát với vị trí việc làm của từng học viên.
Trên cơ sở thực hiện Hướng dẫn 43, Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị cấp huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng LLCT, nghiệp vụ cho CB, ĐV được cấp ủy phê duyệt và thực hiện. Cụ thể trong năm 2023, Trường Chính trị tỉnh mở 67 lớp với 8.300 lượt học viên; Trung tâm Chính trị cấp huyện mở 237 lớp có hơn 21.060 học viên dự học, góp phần nâng cao trình độ LLCT, nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và trang bị, cập nhật, bổ sung những kiến thức mới để đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của từng đối tượng CB, ĐV các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. |
Qua đó, đã bổ trợ rất nhiều cho học viên sau khi hoàn thành khóa học và trở về cơ quan công tác, góp phần phục vụ tốt hơn cho công việc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Đồng thời, bản thân học viên sẽ cố gắng phấn đấu, tôi luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, xứng đáng là người ĐV.
Khảo sát tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương), hầu hết CB, giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm nhiệm được cấp ủy lựa chọn từ các ban, ngành, đoàn thể trong huyện (tương đương). Đội ngũ giảng viên đều là những đồng chí có bề dày trong công tác nói chung và giảng dạy LLCT nói riêng, có đủ năng lực đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác giáo dục LLCT tại Trung tâm.
Đặc biệt, các Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương) đều chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng “lấy người học làm trung tâm”, có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong hình thức tổ chức mở lớp đối với từng loại chương trình, từng loại đối tượng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương như các lớp sơ cấp LLCT, bồi dưỡng LLCT cho đối tượng kết nạp Đảng...
Cụ thể, trong khung chương trình bồi dưỡng tại Trung tâm Chính trị cấp huyện (tương đương) đã phản ánh khá toàn diện, cập nhật kịp thời những thông tin, kiến thức về lý luận, thực tiễn, tình hình kinh tế - xã hội, thời sự của đất nước và thực tiễn địa phương... để truyền đạt, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đội ngũ CB, ĐV càng thêm “tin Đảng, yêu dân”, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Ngoài ra, còn tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế ở các cơ sở, địa phương khác nhằm trang bị thêm kiến thức thực tiễn, vận dụng hữu ích vào công việc sau khi học tập.
LÊ NGUYÊN
(Còn tiếp)