.

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

Cập nhật: 16:46, 03/04/2024 (GMT+7)
(ABO) Thông qua quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ, công tác nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng đã khẳng định nhất quán rằng, việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là nhân tố quyết định trong toàn bộ hoạt động của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. 
 
PHẢI VỪA CÓ ĐỨC VỪA CÓ TÀI, TRONG ĐÓ ĐỨC LÀ GỐC
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác cán bộ có các vấn đề lớn có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Đó là “Hiểu biết cán bộ; Khéo dùng cán bộ; Cất nhắc cán bộ; Thương cán bộ; Phê bình cán bộ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác cán bộ cũng như việc đào tạo nhân tài là trọng yếu và rất cần thiết. Trong đó, chất lượng cán bộ là kết quả tổng hợp của tất cả các khâu: Đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, đề bạt, cân nhắc, kiểm tra, giám sát, phê bình... và sự nỗ lực phấn đấu của từng người. Từ đó, chất lượng cán bộ phản ánh toàn bộ chất lượng của công tác cán bộ. Do đó, công tác nhân sự, công tác cán bộ, cụ thể là tuyển chọn đội ngũ cán bộ “phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc” có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
Chiếu qua lăng kính lịch sử, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã chứng minh tính đúng đắn trong nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn lại chặng đường 38 năm đổi mới trên tất cả lĩnh vực, Đảng ta đã sáng suốt thực hiện chủ trương, đường lối đúng đắn, tạo ra thế và lực mới chuyển sang một thời kỳ mới: thời kỳ đổi mới và hội nhập. Trong đó, yếu tố có tính chất quyết định là vai trò quan trọng đội ngũ cán bộ nước ta được đào tạo, trau dồi có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu; trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao “quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. 
 
Xét trong thực tiễn hiện nay, đặc biệt thông qua các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng và cũng là định hướng mang tính lâu dài trong công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”. Để trở thành cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên”, mỗi cá nhân phải luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quá trình phấn đấu vươn lên bằng trí tuệ, năng lực, nhân cách của mình,… Đồng thời, việc chuẩn bị công tác nhân sự phải cần quan tâm đến tiêu chí cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), nhất là cán bộ càng cao thì càng phải gương mẫu phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của cách mạng, của đất nước, của nhân dân lên trước hết.
 
Lễ bế giảng lớp
Lễ bế giảng lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang quản lý năm 2023. 
 
Tuy nhiên, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB, ĐV đã và đang là mối nguy cơ đe dọa đối với sự tồn vong của chế độ, làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua các con số kỷ luật đảng, các vụ án tham nhũng đã xử lý hình sự thời gian qua, đặc biệt là các vụ án hình sự, kinh tế có tính chất nghiêm trọng như: Việt Á, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn,... được đông đảo nhân dân theo dõi là bằng chứng rõ ràng nhất, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” “dù người đó là ai, làm bất cứ điều gì”. Kết quả trên là tấm gương mang tính pháp lý có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe cho những ai có ý định làm việc không đúng, dùng tấm thẻ quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân để né tránh, từ bỏ ý định từ sớm, từ xa. 
 
Từ những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự là những yêu cầu, tiêu chuẩn cơ bản chung nhất của người cán bộ cách mạng trong tất cả các thời kỳ, ở tất cả các cấp, tất cả các địa bàn. Trước những yêu cầu này, các cấp, các ngành, các địa phương của cả nước và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có thể vận dụng để đề ra tiêu chuẩn cụ thể. Qua đó, có sự chuẩn bị công tác nhân sự (cấp ủy) cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng đảm bảo các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị được giao.
 
PHÁT HUY TÍNH NÊU GƯƠNG CỦA CB, ĐV, NHẤT LÀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CẤP ỦY
 
“Gương mẫu” là một đặc tính cần thiết của người lãnh đạo, người đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, người cán bộ phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, gương mẫu, lo cho cái lo của nhân dân và đôi khi phải chịu thiệt thòi, hy sinh, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh có biết bao CB, ĐV hy sinh, chịu đựng gian khổ, trung thành với Đảng, với lợi ích của dân tộc để xây dựng đất nước như ngày nay. Do đó, việc “muốn làm cán bộ thì trước hết phải làm người”, nghĩa là người cán bộ phải gương mẫu hơn những người bình thường, tiêu biểu về thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". 
 
Bất kỳ người đảng viên nào, dù là bình thường đến những người giữ chức vụ quan trọng, đều phải tự giác nâng cao năng lực, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng cả đức và tài như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” để luôn xứng đáng với tư cách đảng viên, luôn trung thành với Đảng, với nhân dân. Và khi áp dụng nhận thức vào thực tiễn cuộc sống, làm sao có thể phát huy được tốt nhất hiệu quả công tác trên mọi cương vị, lĩnh vực được giao, đảm bảo thực hiện đúng đắn chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 
 
Tại từng cấp ủy Đảng, đặc biệt những CB, ĐV làm công tác lãnh đạo quản lý cần tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả hơn nữa các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần giữ đúng nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc phê bình, tự phê bình để chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, tự soi, tự sửa mình mọi lúc, mọi nơi, thực hiện lời hứa của người đảng viên trước lá cờ Đảng. 
 
Vậy nên, vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và lãnh đạo các địa phương trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất lớn, quyết định đến kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Điều đặc biệt, năm 2024 cũng là năm tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, đây cũng là năm mà các cấp ủy từng địa phương phải chuẩn bị một bước làm tiền đề cho công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030 chọn người tài, đức, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động xứng đáng là người “đầy tớ thật trung thành với nhân dân” trong hệ thống chính trị các cấp. 
 
Riêng đối tỉnh Tiền Giang, vùng đất nhiều tiềm năng và thế mạnh đặt biệt. Tiền Giang đang phấn đấu đến năm 2030, tỉnh nhà cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Do đó, nhân tố con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng hơn lúc nào hết. Mỗi CB, ĐV cần tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập và rèn luyện, tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước, bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa“hồng, vừa “chuyên” ngang tầm nhiệm vụ với khát vọng đưa bức tranh tổng thể của Tiền Giang lên tầm cao mới trong tương lai.
LÊ NGUYÊN
 
.
.
.