.

Đồng chí Trần Văn Vi: Bí thư Xứ ủy Nam kỳ trung kiên của Đảng

Cập nhật: 14:36, 01/05/2024 (GMT+7)

Là một người chiến sĩ cộng sản dày dặn kinh nghiệm trong đấu tranh và tổ chức các hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Văn Vi, nguyên Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam kỳ đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc nói chung và của tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) nói riêng. Với những chiến công đó, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.

TẤM GƯƠNG KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN TRONG NHÀ TÙ THỰC DÂN

Đồng chí Trần Văn Vi, bí danh Dân Tôn Tử, sinh ngày 2-5-1905 tại làng Song Thuận, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Là một người có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh cách mạng chống áp bức, bóc lột dưới sự cai trị của thực dân Pháp, đến tuổi trưởng thành, đồng chí Trần Văn Vi giác ngộ cách mạng, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Mỹ Tho, sau đó là Chi ủy viên Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phụ trách Đoàn Thanh niên.

Đến tháng 9-1929, đồng chí được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng (một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau đó, từ tháng 12-1929 đến tháng 5-1930, đồng chí là Bí thư Huyện ủy Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho). Năm 1931, đồng chí được điều động về Tỉnh ủy Mỹ Tho và tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho.

Trong quá trình tham gia cách mạng, đồng chí nhiều lần bị thực dân Pháp bắt. Lần thứ nhất, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù giam tại Khám Lớn (Sài Gòn), rồi bị đày đi Hà Tiên. Tháng 10-1932, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai, bị đày đi Ô Cấp (Vũng Tàu) và được thả vào tháng 10-1934.

Với bản lĩnh chính trị vững vàng, từ tháng 11-1934 -  4-1935, đồng chí tiếp tục công tác tại Xứ ủy lâm thời Nam kỳ và giữ nhiều chức vụ quan trọng: Xứ ủy viên Xứ ủy lâm thời, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời kiêm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho và bị thực dân Pháp bắt lần thứ ba, đày đi Bà Rá (nay thuộc phường Sơn Giang, TX. Phước Long, tỉnh Bình Phước).

Trong những lần bị địch bắt, mặc dù bị tra tấn dã man và chế độ đày ải cực kỳ khắc nghiệt khi phải đối mặt với bệnh sốt rét, chế độ ăn uống thiếu thốn..., đồng chí Trần Văn Vi vẫn ngời sáng tư tưởng cách mạng, tấm lòng kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản, một lòng trung thành với Đảng, cương quyết giữ bí mật của tổ chức.

Đồng chí Trần Văn Vi cùng các tù nhân cộng sản khác đã vượt qua nỗi đau về thể xác, kiên cường, chịu đựng và “biến nhà tù thành trường học cách mạng” để học tập và tu dưỡng bản thân, trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng và đường lối cách mạng của Đảng với một niềm tin mãnh liệt trở về với quê hương, với cách mạng, với nhân dân để cùng nhau sát cánh, tiếp bước trên con đường giải phóng dân tộc.

Sau ngày phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp (9-3-1945), đồng chí Trần Văn Vi cùng với một số đồng chí khác vượt ngục Bà Rá trở về hoạt động cách mạng. Ngày 20-3-1945, những người cộng sản thuộc nhóm Giải phóng như Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Văn Chim… họp tại Xoài Hột (xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) lập Xứ ủy lâm thời Nam kỳ, bầu đồng chí Trần Văn Vi làm Bí thư Xứ ủy (3-1945 - 5-1945). Được biết, Xứ ủy này thường được gọi là Xứ ủy Giải Phóng. Đến tháng 1-1948, đồng chí là Phó Trưởng Ban Chính trị Khu 8, phụ trách dân quân.

DẤU ẤN NỔI BẬT TRONG PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG

Mang trong mình trách nhiệm, tư chất của một cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, đồng chí Trần Văn Vi đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình tham gia cách mạng tại tỉnh Mỹ Tho và sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.

Ngay từ khi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Châu Thành, đồng chí Trần Văn Vi đã ra sức xây dựng tổ chức cơ sở Đảng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3-2-1930). Từ đó, chi bộ Đảng ở các xã Vĩnh Kim, Song Thuận, Kim Sơn, Bình Trung... lần lượt được thành lập, làm hạt nhân nòng cốt lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân.

Cùng với Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, tiêu biểu là hai cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1931) và nhân Ngày Chống chiến tranh đế quốc (1-8-1931) cùng sự tham gia tích cực của hàng ngàn người dân, diễn ra rất sôi nổi, quyết liệt, kết hợp nhiều hình thức như: Mít tinh, biểu tình thị uy, rải truyền đơn, treo băng khẩu hiệu, treo cờ đỏ búa liềm... đấu tranh chống cúp phạt, đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm tô, tăng tiền công cấy... làm rúng động bộ máy thống trị của chính quyền thực dân từ tỉnh xuống cơ sở.

Ở những bước chuyển của cách mạng, đặc biệt là giai đoạn sửa soạn, chuẩn bị các bước cho việc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Xứ ủy lâm thời Nam kỳ do đồng chí Trần Văn Vi làm Bí thư đã lãnh đạo thực hiện tốt công tác vận động quần chúng cách mạng.

Cụ thể là lấy Báo Giải phóng làm cơ quan ngôn luận của Xứ ủy, tờ báo có nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, hướng dẫn phong trào đấu tranh cho toàn Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ. Đồng thời, Xứ ủy còn ra thêm Báo Độc lập để phục vụ công tác vận động cách mạng.

Với phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực lãnh đạo của đồng chí Trần Văn Vi, đồng chí đã chỉ đạo thành lập hệ thống tổ chức Đảng ở các địa phương. Từ đó, Xứ ủy lâm thời Nam kỳ đã tổ chức được 10 Tỉnh ủy lâm thời và 6 Ban cán sự Đảng lâm thời ở các tỉnh trên địa bàn Nam kỳ. Đây là bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Giải Phóng.

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Văn Vi đã phân công các đồng chí Xứ ủy viên phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang, sắm sửa vũ khí, huấn luyện quân sự... nhằm chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công.

Tháng 2-1951, đồng chí tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Việt Bắc, sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng, Bí thư Liên chi, Ban Tiếp vận miền Nam. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, từ tháng 7-1954 - 4-1974, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Đội trưởng Đội Giảm tô, Đội trưởng Đội Cải cách ruộng đất ở Bắc Giang, Cù Vân (tỉnh Thái Nguyên), Vụ trưởng Vụ Địa phương miền Nam thuộc Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), đồng chí nghỉ hưu ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngày 2-8-1989, đồng chí Trần Văn Vi từ trần.

Tấm lòng kiên trung với Đảng, với dân, đồng chí Trần Văn Vi mãi mãi là tấm gương cho thế hệ cách mạng noi theo. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

LÊ NGUYÊN

.
.
.