Những câu hỏi thường gặp của Luật Căn cước
Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Luật Căn cước có 07 chương và 46 Điều. Báo Ấp Bắc xin giới thiệu Tài liệu tuyên truyền Những câu hỏi thường gặp cũa Luật Căn cước, do C06 - Bộ Công an biên soạn.
Các ĐBQH ấn nút thông qua Luật Căn cước. Ảnh: QH. |
1. Những điểm mới của Luật Căn cước?
(1) Chính thức đổi tên Căn cước công dân sang thẻ Căn cước;
(2) Chứng minh nhân dân hết giá trị sử dụng từ ngày 01/01/2025;
(3) Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin trong thẻ Căn cước;
(4) Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước;
(5) Bổ sung giấy tờ: Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam;
(6) Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 01/7/2024;
(7) Từ ngày 01/7/2024, công dân sẽ có Căn cước điện tử;
(8) Bỏ quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ Căn cước;
(9) Thủ tục cấp thẻ Căn cước: Phải lấy sinh trắc học mống mắt đối với các trường hợp công dân trên 06 tuổi;
(10) Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
2. Đổi tên từ thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước?
Việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước là để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhân dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới hiện nay (Idencity Card - Thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân). Bên cạnh đó, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.
Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân vì tại Điều 46 dự thảo Luật về điều khoản chuyển tiếp cũng đã quy định: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; thẻ Căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ Căn cước được quy định tại Luật này. Như vậy, việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.
3. Về người được cấp thẻ căn cước, Luật Căn cước có điểm gì mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014?
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ sung độ tuổi cấp Căn cước đối với người dưới 14 tuổi, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân. Việc bổ sung quy định này là bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 05 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới.
Mặt khác, thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của người dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân. Trong khi đó, thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế, Sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày nên hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn.
4. Luật Căn cước quy định thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm những thông tin gì? So với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì có những thay đổi gì?
Điều 9 Luật Căn cước quy định thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm:
(1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh.
(2) Tên gọi khác.
(3) Số định danh cá nhân.
(4) Ngày, tháng, năm sinh.
(5) Giới tính.
(6) Nơi sinh.
(7) Nơi đăng ký khai sinh.
(8) Quê quán.
(9) Dân tộc.
(10) Tôn giáo.
(11) Quốc tịch.
(12) Nhóm máu.
(13) Số chứng minh nhân dân 09 số.
(14) Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.
(15) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.
(16) Nơi thường trú.
(17) Nơi tạm trú.
(18) Nơi ở hiện tại.
(19) Tình trạng khai báo tạm vắng.
(20) Số hồ sơ cư trú.
(21) Tình trạng hôn nhân.
(22) Mối quan hệ với chủ hộ.
(23) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình.
(24) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
(25) Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.
(26) Thông tin khác theo quy định của Chính phủ.
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ sung các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Tên gọi khác; Số định danh cá nhân; Nơi sinh; Số chứng minh nhân dân 09 số; Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp; Nơi tạm trú; Tình trạng khai báo tạm vắng; Số hồ sơ cư trú; Mối quan hệ với chủ hộ; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân 09 số các thành viên hộ gia đình tại nơi cư trú; Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử; Thông tin khác theo quy định của Chính phủ.
5. Luật Căn cước quy định thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm những thông tin gì? So với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì có thay đổi gì không?
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm:
(1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh.
(2) Tên gọi khác.
(3) Số định danh cá nhân.
(4) Ngày, tháng, năm sinh.
(5) Giới tính.
(6) Nơi sinh.
(7) Nơi đăng ký khai sinh.
(8) Quê quán.
(9) Dân tộc.
(10) Tôn giáo.
(11) Quốc tịch.
(12) Nhóm máu.
(13) Số chứng minh nhân dân 09 số.
(14) Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.
(15) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.
(16) Nơi thường trú.
(17) Nơi tạm trú.
(18) Nơi ở hiện tại.
(19) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
(20) Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.
(21) Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
(22) Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
(23) Trạng thái của căn cước điện tử. Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức độ định danh điện tử.
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước quy định tại Luật Căn cước năm 2023 bổ sung một số thông tin sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói. Việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý Căn cước công dân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Đối với các trường thông tin khác như email, số điện thoại, nghề nghiệp... là những thông tin không bắt buộc, những thông tin này được thu thập qua quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ chính lợi ích của người dân.
6. Lợi ích của việc bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước?
Hiện nay, Bộ Công an đang cung cấp nhiều dịch vụ khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các bộ, ngành, địa phương như: (1) Dịch vụ xác thực thông tin công dân; (2) Dịch vụ xác thực thông tin hộ gia đình; (3) Dịch vụ tra cứu thông tin công dân; (4) Dịch vụ gợi ý số định danh cá nhân yêu cầu có số chứng minh nhân dân; (5) Dịch vụ gợi ý số định danh không yêu cầu có số chứng minh nhân dân; (6) Dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân và số chứng minh nhân dân… Các dịch vụ này trong thời gian qua đã được triển khai rất hiệu quả, đem lại nhiều thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, nổi bật nhất việc kết nối, chia sẻ thông tin với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND thành phố Hà Nội; UBND thành phố Hồ Chí Minh…
Giúp tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương sử dụng; tạo dựng cơ sở dữ liệu ban đầu chính xác, không phải tốn chi phí thu thập, làm sạch ban đầu. Các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm được chi phí thu thập, làm sạch dữ liệu về dân cư khi có thể khai thác, sử dụng thông tin có sẵn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với cá nhân: Không phải kê khai nhiều lần, làm việc với nhiều cơ quan nhà nước khác nhau để cung cấp thông tin cá nhân; thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng thông tin mình đã cung cấp vì dữ liệu này đã có tập trung ở Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
7. Giá trị sử dụng của thẻ căn cước?
- Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
- Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.
8. Luật Căn cước quy định như thế nào về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; việc sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp trong thẻ căn cước?
- Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa. Thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
- Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
- Việc sử dụng các thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
- Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
* Việc khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước được quy định như sau:
- Sử dụng thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin tích hợp trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước;
- Sử dụng thông tin trên thẻ căn cước qua thiết bị chuyên dụng để truy xuất, khai thác thông tin tích hợp qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống định danh và xác thực điện tử;
- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao;
- Tổ chức và cá nhân khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước của công dân khi được sự đồng ý của công dân đó.
9. Giá trị sử dụng của thông tin được tích hợp trên thẻ Căn cước?
Những thông tin được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp.
Việc sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.
Việc tiếp tục cấp hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Trong trường hợp thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay thế hoàn toàn cho việc sản xuất, cấp các loại giấy tờ khác thì sẽ được điều chỉnh, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.
10. Tại sao cần phải thực hiện việc cấp, quản lý đối với các trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam?
Thực tế hiện nay ở nước ta có khoảng 31.117 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch (trong đó, có 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch tập trung tại Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long...; 10.650 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai...; 16.161 trường hợp người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương...).
Trong quá trình xây dựng Luật Căn cước, Bộ Công an đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thấy rằng Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về người nước ngoài và công dân Việt Nam; trong đó, tập trung quy định về việc công nhận, xác định quốc tịch, quản lý cư trú (cấp thẻ thường trú, tạm trú…). Tuy nhiên, các luật này đều không điều chỉnh, quy định về quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy tại nước ta có một bộ phận không nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư… mà họ và các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch (những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân…) nên để giải quyết tình trạng này, Bộ Công an đã đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam; việc quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam tại dự án Luật là cần thiết và phù hợp; nội dung này không trái với quy định của Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
11. Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho đối tượng nào?
Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
12. Nội dung quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước bao gồm những nội dung gì?
Nội dung quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước bao gồm:
- Thu thập thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch;
- Cập nhật, điều chỉnh, khai thác, sử dụng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đã được thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước;
- Xác lập số định danh cá nhân cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch;
- Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại giấy chứng nhận căn cước.
13. Thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước bao gồm những thông tin gì?
Thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước bao gồm:
- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;
- Dòng chữ “CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC”;
- Ảnh khuôn mặt, vân tay;
- Số định danh cá nhân;
- Họ, chữ đệm và tên;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi sinh;
- Quê quán;
- Dân tộc;
- Tôn giáo;
- Tình trạng hôn nhân;
- Nơi ở hiện tại;
- Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ;
- Ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp;
- Thời hạn sử dụng.
14. Luật Căn cước quy định như thế nào về nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước?
- Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống;
- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
15. Luật Căn cước quy định như thế nào về giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước?
- Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
16. Lợi ích khi triển khai, thực hiện việc thu thập, cập nhật thông tin về người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước?
Việc thu thập, cập nhật thông tin về người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước giúp quản lý chặt chẽ hơn đối với những người này; các cơ quan nhà nước không phải thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập thông tin của công dân và người gốc Việt Nam một cách đơn lẻ trong hoạt động quản lý nhà nước như xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển có sử dụng thông tin cá nhân để phân tích, đánh giá, dự báo; giảm nhân lực và đầu mối cần bố trí để quản lý thông tin cá nhân.
Trong quá trình thu thập thông tin về người gốc Việt Nam, cơ quan Công an phải phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, rà soát và xác minh rất kỹ lưỡng trước khi thu thập, cập nhật thông tin của họ vào cơ sở dữ liệu để quản lý; các bộ, ngành, địa phương được khai thác, sử dụng các thông tin này để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình khai thác, sử dụng các thông tin này khi có biến động về thông tin hoặc điều chỉnh thông tin của cơ quan có thẩm quyền thì Bộ Công an sẽ thu thập, kiểm tra và điều chỉnh cho phù hợp. Chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ; đồng thời, tạo thuận lợi trong việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và giải quyết chế độ chính sách cho người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Trường hợp người gốc Việt Nam không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý mà vi phạm pháp luật thì cơ quan nhà nước sẽ không có thông tin để tra cứu, xác minh, nhất là thông tin sinh trắc học về vân tay, ảnh chân dung, gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
17. Mục đích của việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi?
Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Việc bổ sung quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực
hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 05 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước.
18. Nêu lợi ích của việc thực hiện cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi?
Thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế, Sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày.
Về chi phí, lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, Bộ Công an đã rà soát, đánh giá và thấy rằng nếu thực hiện quy định này thì xã hội không tốn chi phí trong cấp sổ tiêm chủng, sổ khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ học sinh … (với số công dân dưới 14 tuổi là 19 triệu người thì ước tính số tiền mà nhà nước và xã hội phải chi là khoảng 2.000 tỷ chỉ với một số ít giấy tờ liệt kê nêu trên). Ngoài ra, người dân còn tiết kiệm chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ.
Trong khi đó, chi phí sản xuất 01 thẻ Căn cước công dân là 48.000đ; chi phí sản xuất thẻ Căn cước công dân cho các công dân dưới 14 tuổi (trường hợp tất cả 19 triệu người dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp) là khoảng hơn 900 tỷ đồng. Chí phí cấp đổi, cấp lại cho người dưới 14 tuổi nếu bị mất, đổi theo nhu cầu do công dân thanh toán, không tốn ngân sách nhà nước.
Do vậy, hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn.
19. Luật Căn cước quy định như thế nào về căn cước điện tử?
Luật Căn cước quy định về căn cước điện tử như sau:
(1) Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.
(2) Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau đây:
- Nơi sinh.
- Nơi đăng ký khai sinh.
- Quê quán.
- Dân tộc.
- Tôn giáo.
- Quốc tịch.
- Nhóm máu.
- Số chứng minh nhân dân 09 số.
- Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.
- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.
- Nơi thường trú.
- Nơi tạm trú.
- Nơi ở hiện tại.
- Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.
- Thông tin nhân dạng.
- Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
(3) Thông tin gồm: thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
(4) Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
(5) Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.
20. Giá trị sử dụng của căn cước điện tử?
(1) Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
(2) Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
21. Một số điểm mới trong công tác cấp thẻ Căn cước theo quy định của Luật Căn cước
- Việc thay đổi mẫu thẻ căn cước không tác động đến những người đã được cấp thẻ căn cước công dân; những thẻ căn cước công dân đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ.
Luật quy định việc sắp xếp, lược bỏ một số thông tin in trên thẻ căn cước công dân như vân tay, đặc điểm nhân dạng, thay thế thông tin về nơi thường trú, quê quán thành nơi cư trú, nơi đăng ký khai sinh… là để bảo đảm thuận lợi cho công dân khi sử dụng thẻ căn cước công dân, bảo đảm tính riêng tư cho công dân khi thông tin sinh trắc học về vân tay được lưu trữ bảo mật trong chíp điện tử.
Công dân không có nơi thường trú, tạm trú thì vẫn được cấp thẻ căn cước công dân (như công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài…)
- Việc cấp đổi thẻ căn cước công dân khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của công dân (không bắt buộc); công dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước công dân điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác mà không phải cấp đổi thẻ căn cước công dân.
- Việc cấp lại thẻ căn cước công dân được thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công đem lại thuận lợi tối đa cho công dân.
22. Quy định về thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước?
Luật Căn cước quy định: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
23. Liên quan đến những thông tin có trong thẻ căn cước mới, đồng chí cho biết những điểm mới được quy định ra sao, nhất là những thông tin như ADN, mống mắt, giọng nói... sẽ được tiến hành thu thập như thế nào?
Thông tin trên thẻ căn cước được quy định cụ thể tại Điều 19 Luật Căn cước, ngoài ra tại khoản 2 Điều 22 Luật Căn cước còn quy định về thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp. Như vậy, thông tin trên thẻ căn cước ngoài các thông tin về căn cước thì còn bổ sung, tích hợp thêm các thông tin khác, việc sử dụng các thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, giao dịch khác. (khoản 3 Điều 22).
* Đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học như ADN, mống mắt, giọng nói:
- Về thông tin sinh trắc học mống mắt:
Điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước nêu rõ “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”, như vậy việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.
- Về thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói:
Điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước quy định: Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Như vậy, cơ quan quản lý căn cước sẽ không tiến hành việc thu nhận thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước được thực hiện thông qua việc các cơ quan có chức năng kết nối, chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.
24. Đồng chí có thể nói rõ hơn về việc bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ Căn cước?
Việc bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ căn cước để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.
Việc chỉnh lý thông tin “nơi thường trú” in trên thẻ căn cước công dân thành “nơi cư trú” in trên thẻ căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì với tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước; đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tuỳ thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.
25. Quy định về việc cấp lại thẻ căn cước trong Luật Căn cước năm 2023 có điểm gì khác so với quy định tại Luật Căn cước công dân năm 2014?
Luật Căn cước năm 2023 quy định việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước.
C06 - Bộ Công An