.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý Dự án Luật Dược (sửa đổi)

Cập nhật: 21:39, 18/06/2024 (GMT+7)

(ABO) Chiều 18-6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã góp nhiều ý kiến cho dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Tại phiên thảo luận tổ, góp ý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các ĐBQH cho rằng dự án Luật là tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực dược; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh dược; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phòng, chống dịch và các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ ngay để bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhân dân; đổi mới mạnh mẽ quy trình, thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp…

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Văn Dương, ĐBQH tỉnh Tiền Giang, có ý kiến, dự thảo Luật có bổ sung một số loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, vận chuyển thuốc và dịch vụ nghiên cứu phát triển tại khoản 47, Điều 2. Đại biểu đề nghị thay đổi cụm từ chuỗi nhà thuốc thành chuỗi cơ sở bán lẻ thuốc, vì nếu quy định chuỗi nhà thuốc thì chỉ có những nhà thuốc mới thành lập được chuỗi bán thuốc, trong khi các cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm cả nhà thuốc và quầy thuốc; trường hợp cơ sở kinh doanh dược lập hệ thống bán lẻ thuốc trong đó có nhà thuốc và quầy thuốc thì khi đó có được xem là chuỗi không; vì vậy cần làm rõ.

Đối với việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chuỗi cơ sở bán lẻ thuốc, đại biểu cho rằng không nhất thiết phải do Bộ Y tế cấp bởi vì chuỗi cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm cơ sở phân phối thuốc trong chuỗi theo đúng quy định và các Sở Y tế vẫn đang cấp.

Đối với việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, máy bán thuốc tự động và quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh các dịch vụ trên. Đối với phương thức kinh doanh thuốc trên nền tảng thương mại điện tử được quy định tại Điều 42 cho thấy, các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở, sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành Công thương.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, việc cho phép bán thuốc qua sàn thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn đầy đủ đúng người, đúng bệnh theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc. Trên thực tế cho toa thuốc bình thường ra nhà thuốc mua kiểm soát còn rất khó huống chi trên môi trường điện tử, cho nên Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề này để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó còn có những vấn đề khác như thu hồi thuốc nếu thuốc có tác dụng bất lợi.

Dự thảo quy định các cơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh. Về nguyên tắc thì các công ty bán buôn không được phép bán lẻ đến người dân, vấn đề này cần được làm rõ khi doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ thuốc cho người dân, vì có liên quan đến trách nhiệm của từng chủ thể khi xử lý vụ việc.

Hàng giả bán trên Internet đang là một vấn đề dư luận phản ánh nhiều hiện nay do đó lực lượng chức năng vô cùng khó khăn bởi xử lý ngoài thực tế đã khó mà xử lý trên môi trường mạng còn khó hơn. Đề nghị Ban soạn thảo có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này. Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, do vậy thương mại điện tử thì cơ sở tham gia phải đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được bán thuốc thuộc danh mục không kê đơn, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Tại khoản 1 Điều 59, bổ sung khoản 4 vào Điều 59 về điều kiện lưu hành đối với oxy y tế theo hướng quản lý chất lượng oxy y tế theo tiêu chuẩn làm thuốc sử dụng cho người (tiêu chuẩn dược dụng), đại biểu cho rằng, hiện nay đã quy định ở khoản 2, Điều 1 tại Thông tư 07 năm 2024 của Bộ Y tế nếu quy định oxy là thuốc thì đòi hỏi phải đăng ký để được cấp số đăng ký giống như thuốc nhưng hiện nay, trên thị trường chưa có số oxy đăng ký nào, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vấn đề này.

Tại Điều 8, việc nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng nên bổ sung thành nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẵn có tại Việt Nam, do hiện tại nguồn này rất nhiều, tuy nhiên không có nguồn gốc rõ ràng thì khi trồng làm dược liệu sẽ làm ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương kiến nghị Ban soạn thảo, cần bổ sung vào khoản 1, Điều 84 Luật Dược năm 2016 được điều tiết thuốc giữa các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện tại được điều tiết danh mục cấp quốc gia hoặc cấp địa phương khi chưa về kho thuốc của các đơn vị, nếu được điều tiết thì sẽ giải quyết được vấn đề thiếu thuốc trong các cơ sở y tế và hạn chế việc nơi thừa nơi thiếu. Vì vậy cần xem xét bổ sung vấn đề này để giúp cho các cơ sở y tế hoạt động tốt hơn, chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung vấn đề chi phí cho phân phối thuốc. Hiện tại tất cả các Sở Y tế đều thực hiện tự chủ tài chính, tuy nhiên đối với việc phân phối thuốc trong các cơ sở y tế hiện nay không có được chi phí. Nếu cơ sở y tế có đầy đủ đội ngũ đấu thầu được thì giảm phần chi phí này, còn nếu mà không thì phải đi thuê nên phải bỏ tiền ra, trong khi hiện tại tự chủ về kinh tế nên rất khó khăn về tài chính. Vì vậy nếu được bổ sung vấn đề này, thì sẽ hỗ trợ cho các cơ sở khám, chữa bệnh tốt hơn.

Tại buổi thảo luận tổ, các ĐBQH cũng đã cho nhiều ý kiến thảo luận, góp ý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đa số các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hoá và đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, công phu, cơ bản bảo đảm chất lượng, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất giữa dự thảo Luật với các Luật liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Lưu trữ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đất đai... tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo.

THU HOÀI - MINH TRÍ    

.
.
.