.

Để thi đua thực sự ý nghĩa

Cập nhật: 14:43, 11/06/2024 (GMT+7)

Cách đây 76 năm, ngày 11-6-1948, để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi của Người đã lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trở thành sức mạnh, đưa cách mạng đi đến thắng lợi vẻ vang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc tại Hà Nội ngày 23-5-1957. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc tại Hà Nội ngày 23-5-1957. Ảnh: TTXVN

76 năm qua, từ lời hiệu triệu của Người đã được Đảng ta cụ thể hóa thành Phong trào thi đua yêu nước và hàng trăm phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các địa phương. Hằng năm, trong vườn hoa thi đua muôn màu sắc, có hàng nghìn công trình, sáng kiến, mô hình, cách làm sáng tạo của tập thể, cá nhân, góp phần quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là công sức, trí tuệ, tinh thần nhiệt huyết, sự kiên trì, bền bỉ, không ngừng nỗ lực cố gắng trong học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất của rất nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Kết quả thi đua của mỗi tập thể, cá nhân đã kết thành “trái ngọt”, được thể hiện sinh động và lượng hóa thành những con số về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo, hay rộng hơn là mức độ thụ hưởng của người dân, là những chỉ số để đánh giá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bởi vậy, có thể khẳng định, động lực từ thi đua cũng là một dạng nguồn lực mà mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải biết phát huy để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ và phục vụ sự phát triển của đất nước.

“Thi đua là gieo trồng”, nhưng để mỗi “mùa” thu hoạch có thêm nhiều “trái ngọt”, những đỉnh cao mới, thêm nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, đòi hỏi không chỉ “người người thi đua”, “nhà nhà thi đua” mà quan trọng hơn, mỗi người phải hăng hái thi đua với chính bản thân mình. Thi đua là quá trình bền bỉ, liên tục, không có điểm kết thúc, nên mỗi tập thể, cá nhân ngày hôm nay đã tốt hơn, nhưng ngày mai phải tốt hơn nữa và năm sau phải tốt hơn, thành tích cao hơn năm trước.

Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự coi trọng động lực, nguồn lực to lớn từ phong trào thi đua, tuyệt đối không thể “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi” trong khâu vận hành, tổ chức thực hiện. Để thi đua thực sự trở thành động lực, có sức lôi cuốn, cổ vũ mọi người, nhất thiết phải đoàn kết trên dưới một lòng, thống nhất về ý chí và hành động; đoàn kết để thi đua và thi đua để tăng cường đoàn kết.

Kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện ganh đua, “nuôi gà chọi” trong thi đua, khiến cho điển hình tiên tiến quá cao siêu, kỳ vĩ, dẫn đến khó nhân rộng và không thể học theo, làm theo điển hình. Đặc biệt, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện hình thức, biến tướng, trá hình, chạy theo thành tích; qua đó xây dựng được môi trường thi đua lành mạnh và phát huy ý nghĩa của thi đua.

(Theo www.qdnd.vn)

 

.
.
.