.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:

Cải cách tiền lương kết hợp chính sách đặc thù và kiềm chế lạm phát

Cập nhật: 16:22, 25/06/2024 (GMT+7)

Chiều 25/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7. 

Trong ngày 25/6, Quốc hội đã điều chỉnh chương trình của kỳ họp. Theo đó, chiều 25/6, đại diện Chính phủ trình bày tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo nghị quyết 135/2020 của Quốc hội.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Quốc hội thảo luận tổ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ 1/7/2024; Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo nghị quyết 135/2020 của Quốc hội.

Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận hội trường về các nội dung liên quan tăng lương, phương án gia hạn trả nợ.

Trước đó, ngày 23/6, Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/6/2024 về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau nhiều lần họp Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và Thường trực Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành liên quan; trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19/6/2024, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo quan điểm, nguyên tắc bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội đồng thời cũng bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp. Giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển; những nội dung trong các Nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện thì triển khai ngay.

Những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn, phức tạp tình hình, hướng đến cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh  cho biết, việc tuyển dụng nhân lực cho hai lĩnh vực giáo dục và y tế rất khó khăn bởi các chính sách, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với hai ngành đặc thù này. Ngành giáo dục nhiều năm thiếu giáo viên, giữ chân giáo viên gắn bó với nghề rất khó. Nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, đặc biệt sau dịch COVID-19. Giáo dục vẫn được Đảng, Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu, y tế là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy, phải tăng chế độ ưu đãi với nhân viên hai ngành đặc thù này để giữ chân họ gắn bó với nghề.

Đại biểu Trần Đình Gia, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho biết: "Từ 1/7,  lương cơ sở sẽ được tăng lên 2.040.000 đồng.  Đây là lần tăng lương cao nhất từ trước đến nay. Trước thông tin này, cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước rất phấn khởi. Tuy nhiên, cần làm sao để chính sách nâng lương lần này đem lại giá trị thực sự cho người thu nhập từ lương, cũng như người dân không có lương. Nếu như tăng lương mà giữ được lạm phát ổn định, giá cả các mặt hàng không tăng, thì mới là điều tốt".

Liên quan đến cải cách chính sách tiền lương, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, hiện nay chưa thực hiện được. Đây cũng là một nhiệm vụ mà Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt. Cụ thể, theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương, lần này chúng ta phải cải cách thang bảng lương, cách tính lương, chứ không chỉ tăng lương. Tăng lương chỉ là một giải pháp trước mắt. Còn về lâu dài, phải thực hiện triệt để Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương. Cải cách tiền lương là vấn đề hết sức khó khăn. Nhiều người đang chờ xem hệ thống thang bảng lương theo chính sách cải cách tiền lương sẽ như thế nào? Bởi xây dựng hệ thống thang bảng lương theo vị trí việc làm, các ưu đãi nghề… có nhiều vấn đề phức tạp.

Theo đại biểu Trần Đình Gia, sau khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ quyết định tăng lương là giải pháp để khắc phục những bất cập trước mắt các khó khăn hiện nay. Khi chưa chín muồi, chưa đánh giá được tác động, dừng lại là thỏa đáng.

"Tôi quan tâm đến vấn đề tăng lương và kiềm chế được giá cả. Làm sao để người có thu nhập từ lương có lợi, mà người không có thu nhập từ lương cũng sẽ đỡ vất vả hơn”, đại biểu Trần Đình Gia chia sẻ.

Theo TTXVN

 

.
.
.