.
PHỤ NỮ TIỀN GIANG TỰ HÀO LÀM THEO DI CHÚC CỦA BÁC HỒ

Bài 1: Tư tưởng của Người về phụ nữ - Niềm vinh dự lớn của phụ nữ Việt Nam

Cập nhật: 09:14, 04/06/2024 (GMT+7)

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Tiền Giang tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, có sức lan tỏa, thực sự đi vào đời sống cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân. Theo đó, các hoạt động đã trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy các phong trào của phụ nữ Tiền Giang ngày càng phát triển.

Cả cuộc đời 79 mùa xuân, Bác đã dành trọn vẹn cho dân, cho nước. Trước lúc đi xa, trong di chúc thiêng liêng để lại, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

BÁC HỒ MONG MUỐN BẢO ĐẢM QUYỀN BÌNH ĐẲNG NAM NỮ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, là cơ sở quan trọng để bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ được thực hiện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Người từng nói: “Không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi cuộc cách mạng”. Vì vậy, nói đến “giải phóng phụ nữ” là nói đến một giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Thị Thập tiếp đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số năm 1965.
Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Thị Thập tiếp đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số năm 1965.

Ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến phụ nữ và trẻ em ở những nước thuộc địa nói chung, Việt Nam nói riêng. Người cho đó là những lớp người khổ nhất trong những người khổ cực, họ không những phải chịu đựng nỗi đau của người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người. Ngay từ năm 1910, thế giới tiến bộ lấy ngày 8 tháng 3 là “Ngày đàn bà và con gái”, sau đổi là Ngày Phụ nữ quốc tế, nhằm đoàn kết phụ nữ các nước đấu tranh để giải phóng giới mình, giành các quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị và xã hội cho họ; cũng vì vậy mà khi thành lập Quốc tế Cộng sản (3-1919) hay Quốc tế III đã tổ chức Phụ nữ quốc tế vì những mục tiêu đó.

Cũng như Các Mác và Lênin, từ lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới, Bác Hồ thấy rõ vai trò của phụ nữ thế giới nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng. Người nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người cũng rút ra kết luận: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà tham gia”, rồi Người khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”.

Với cách nhìn toàn diện, Bác Hồ nhấn mạnh rằng, phụ nữ chiếm một nửa nhân loại: “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội”,  “Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa tổng số nhân dân ta”; Người còn chỉ rõ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”.

Vì vậy, theo Người: “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Bác Hồ phân tích có lý, có tình rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ”.

Trong Lời kêu gọi chống nạn thất học, Bác viết: “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”. Hay “Phụ nữ phải tham gia vào các cấp chính quyền, vào bộ máy lãnh đạo các ngành từ cơ sở đến trung ương, vào ban quản trị”. Bác Hồ phê phán mạnh mẽ vấn đề bạo hành trong gia đình, nhất là hiện tượng chồng đánh vợ. Bác viết “Khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ… Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thực sự bảo đảm”.

Những câu nói của Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích nhưng chứa nhiều hàm ý sâu sắc, như những lời răn dạy, chỉ dẫn quý báu đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và bản thân phụ nữ trong đấu tranh thực hiện quyền của phụ nữ và xây dựng xã hội mới trong giai đoạn hiện nay.

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ THẬP - NGƯỜI CHĂM LO CHO SỰ BÌNH ĐẲNG VÀ PHÁT TRIỂN PHỤ NỮ

Quê hương Tiền Giang tự hào về những thế hệ phụ nữ Tiền Giang trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hàng trăm các bà, các chị đã nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Hàng ngàn các mẹ, các chị gia nhập Hội Phụ nữ cứu quốc, phục vụ hậu cần tại chỗ giúp quân ta ăn no, đánh thắng, vùng du kích được mở rộng đều có công lao của phụ nữ. Ở đâu, trên mặt trận nào cũng thấy bóng dáng những người phụ nữ gan dạ, dũng cảm, quật cường, chịu đựng gian khổ và tràn đầy lạc quan cách mạng.

Bác Hồ và đổng chí Nguyễn Thị Thập (bìa phải) gặp gỡ cán bộ, hội viên phụ nữ
Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Thị Thập (bìa phải) gặp gỡ cán bộ, hội viên phụ nữ.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10-10 -1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho). Những người từng biết đến đồng chí Nguyễn Thị Thập, hay còn được gọi với cái tên trìu mến là “bà Mười Thập” đều cho rằng, bà thật xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Đồng chí là người giữ kỷ lục về thâm niên người đứng đầu tổ chức phụ nữ Việt Nam với 18 năm liên tục, cũng là người phụ nữ duy nhất có 33 năm liên tục là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1988); là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa II (1960-1964) và 17 năm liên tục ở cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1964-1981); là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng nhiều năm (từ khóa II đến khóa IV).

Đồng chí Nguyễn Thị Thập là tấm gương tiêu biểu của những người mẹ, người vợ Việt Nam kiên trung, bất khuất.

Qua hồi ký của đồng chí, chúng ta tự hào và không quên được hình ảnh người phụ nữ gần ngày sinh nở, vẫn thắt khăn nịt bụng, chỉ huy lực lượng vũ trang xông vào chiếm đồn bót, trương biểu ngữ, trương cờ khiến kẻ địch khiếp sợ, đồng chí viết: “Tôi như quên hẳn mình đang có thai gần kỳ sinh nở…

Tóc búi cao, quần xắn đến gối, tôi thắt chặt bụng chửa bằng chiếc khăn rằn. Khi lên trước, khi chạy ngược lại đằng sau nhắc nhở anh em chỉnh tề đội ngũ mà người cứ nhẹ tênh, tưởng mình như còn con gái…”.

Dù ở bất kỳ vị trí nào, bằng tài năng, tâm huyết và ý chí cách mạng, đồng chí cũng để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương, đồng chí đã chỉ đạo sâu sắc nhiều phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, đặc biệt Phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” đã trở thành cao trào cách mạng của phụ nữ, ghi dấu mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của phong trào phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam.

Trong thời gian giữ trọng trách là Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự thấu hiểu về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong tiến trình phát triển của đất nước và tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo tài ba, đồng chí đã đóng góp tiếng nói đại diện cho giới nữ vào việc sửa đổi Hiến pháp (năm 1960) và kiến nghị xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa, thực hiện nam nữ bình đẳng. Những chủ trương chỉ đạo mang tầm chiến lược của đồng chí vẫn còn nguyên giá trị thời đại, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, mãi lan tỏa đến nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, phụ nữ Việt Nam luôn vươn lên khẳng định vị trí quan trọng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống, xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế...

Trong hơn 20 năm qua, liên tục có Phó Chủ tịch nước là nữ, các nhiệm kỳ Đại hội Đảng luôn có nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng; tỷ lệ nữ trong Quốc hội chiếm 25%....

Trong phát triển kinh tế, lao động nữ chiếm tỷ lệ hơn 50% trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nữ tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước chỉ dành cho nam giới. Ở lĩnh vực khoa học, công nghệ, phụ nữ tham gia tới gần 40%; tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%; đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ lớn và nhiều người có trình độ cao...

LÊ PHƯƠNG

(còn tiếp)

.
.
.