.
6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024:

Tiền Giang thực hiện đạt hầu hết các chỉ tiêu và tăng so với cùng kỳ năm 2023

Cập nhật: 16:37, 02/07/2024 (GMT+7)

(ABO) Sáng 2-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị lần thứ 19, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để sơ kết việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

ĐẠT CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH ĐỀ RA

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự đoàn kết, quyết tâm chính trị của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự điều hành, quản lý của UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI sát với tình hình thực tế của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024.

Qua nửa năm triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu thực hiện đều đạt so với kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 5,56%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,32%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,07%, khu vực dịch vụ tăng 6,73%; kim ngạch xuất khẩu 2,97 tỷ USD, đạt 59,3%, tăng 10,9%. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 20.683 tỷ đồng, tăng 11,7%. Tiền Giang thuộc nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước, với tổng giá trị giải ngân hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 55%, tăng 4,7%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 44.221 tỷ đồng, tăng 9,7%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.078 tỷ đồng, đạt 69,1%, tăng 23,1%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 424 doanh nghiệp, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy gợi ý nội dung hội nghị tập trung thảo luận tại hội nghị
Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gợi ý nội dung hội nghị tập trung thảo luận tại hội nghị.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội ổn định; các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội được thực hiện tốt; đã giải quyết việc làm cho 8.450 lao động, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023; tổ chức chặt chẽ, chu đáo, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, có 16.257 thí sinh dự thi so với tổng số thí sinh đăng ký đạt 99,64%, không có trường hợp vi phạm quy chế thi. 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới” tiếp tục đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực. Các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác khám, điều trị bệnh, đặc biệt Bệnh viện đa khoa 1.000 giường đã đi vào hoạt động ổn định, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Trật tự xã hội được giữ vững, nhiều phương án phòng, chống tội phạm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, đã kéo giảm 4,1% số vụ tội phạm về trật tự xã hội so với cùng kỳ năm 2023.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy; coi trọng việc định hướng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn với phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng mô hình “Chi bộ, đảng bộ bốn tốt” gắn với mở rộng dân chủ trong hoạt động, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ và củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở; coi trọng việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, chủ động giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, bức xúc ngay từ khi mới phát sinh…

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, tỉnh hình xâm nhập mặn đến sớm và lấn sâu hơn so với năm 2023; việc phối hợp với bộ, ngành Trung ương trong công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu san lấp các dự án, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn chậm trễ; bệnh dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trên bò, thủy sản nuôi (nghêu) vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. 

Nhân lực ngành Y tế còn thiếu, chưa đáp ứng công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; một số vụ việc giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn kéo dài; tình trạng đình công, khiếu kiện vẫn còn xảy ra; tai nạn giao thông tăng trên cả 3 mặt.

Việc xây dựng kế hoạch củng cố, nâng chất tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở một số nơi còn chậm, nội dung củng cố, nâng chất còn chung chung, công tác rà soát quy hoạch cán bộ có nơi chưa đảm bảo; một số tổ chức Đảng chưa thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo, nhiều đảng viên ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, chưa thể hiện tính gương mẫu, nêu gương trong công việc.

Lãnh đạo tỉnh và cơ quan trung ương dự hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 19
Lãnh đạo tỉnh và cơ quan Trung ương dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 19.

Từ tình hình trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là cần đề cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, phát huy những kết quả đạt được và quyết tâm khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém; tăng cường các giải pháp; xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân và tổ chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao từ nay đến cuối năm 2024.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng nhằm tiếp tục phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

8 VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM

Chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang lưu ý 8 vấn đề cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm. Đó là:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các sở, ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể và các huyện, thành, thị nghiên cứu, bổ sung vào chương trình, kế hoạch 6 tháng cuối năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở cấp mình, ngành mình sao cho có hiệu quả.

Chỉ đạo rà soát lại tất cả các chỉ tiêu so với Nghị quyết năm và Nghị quyết của nhiệm kỳ Đại hội; chỉ tiêu nào đạt thì nâng cao hơn; chỉ tiêu nào chưa đạt, khó đạt thì có giải pháp quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể với quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất vào cuối năm 2024.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện kiểm tra lại tất cả các công trình, dự án thuộc phạm vi trách nhiệm của mình để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện, không dây dưa kéo dài gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến sự phát triển, đến đời sống, sinh hoạt của người dân; những công trình, dự án nào có tiến độ thực hiện tốt thì tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; những công trình, dự án nào còn vướng mắc, chậm tiến độ thì tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; những công trình, dự án nào chưa triển khai, còn bỏ ngỏ thì nghiên cứu, đánh giá lại tính hiệu quả, tính khả thi và sự phù hợp để xem xét chuyển đổi, thu hồi đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Thứ hai, tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng ổn định, bền vững, tạo động lực mới cho phát triển; khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng thích ứng; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là phải xúc tiến nhanh việc thực hiện 15 dự án đã có quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư và 10 dự án đã trao chủ trương nghiên cứu đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh; các công trình quan trọng, trọng điểm của tỉnh, của các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó cần quan tâm: Một là, tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân còn lại nhận tiền bồi thường, đẩy nhanh tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công Dự án Cầu Rạch Miễu 2; hai là, khẩn trương hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để tạo điều kiện cho chủ đầu tư khởi công Dự án Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh theo tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ba là, khẩn trương khởi công xây dựng khu tái định cư Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo để bàn giao cho các hộ dân ổn định đời sống; thứ tư là, sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng còn lại của Dự án Đường tỉnh 864 để triển khai thi công theo kế hoạch nhằm bảo đảm thời hạn hoàn thành dự án và tiến độ giải ngân vốn được giao; năm là, tập trung giám sát, đôn đốc nhà thầu thi công Dự án Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định đúng theo tiến độ kế hoạch đề ra; sáu là, tái khởi động lại các mỏ cát có đủ điều kiện theo quy định để phục vụ cho các công trình của tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực theo chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, nghiên cứu lựa chọn công trình, dự án ở cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở để chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, các công trình, dự án đó phải đảm bảo ý nghĩa thiết thực, vì mục tiêu phục vụ sự phát triển, phục vụ người dân địa phương.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Thứ tư, UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các huyện, xã đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đối với các địa phương đã được công nhận từ thời điểm cuối năm 2021 trở về trước; tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện Tân Phước, huyện Tân Phú Đông xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024; đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình và giải pháp cụ thể để làm cơ sở, làm căn cứ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoàn thành mục tiêu tỉnh Tiền Giang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2025.

Thứ năm, thường xuyên theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với bão, lũ, sạt lở, lốc xoáy và phương án di dân vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, không để thiệt hại về tính mạng và hạn chế thiệt hại về tài sản, về sản xuất của nhân dân; chủ động lực lượng, chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm ba sẵn sàng là chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả và bốn tại chỗ gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện, kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Thứ sáu, phải thật sự coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực phản động, thù địch; kịp thời thông tin, phản biện, phản ánh các bản tin, bài viết của phóng viên có nội dung không đúng sự thật để chấn chỉnh, định hướng dư luận tích cực, đảm bảo hoạt động báo chí, tuyên truyền đúng tôn chỉ mục đích, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Ngành Công an cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, xử lý tình hình nổi lên, nhất là tội phạm hoạt động băng nhóm, cho vay lãi nặng, sử dụng hung khí, vũ khí giải quyết mâu thuẫn, cờ bạc, ma túy; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với tích cực hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thực hiện tốt qui định nêu gương về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống gắn với tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; phải nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận tụy, mạnh dạn, quyết đoán trong công việc, thể hiện rõ hơn tính năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và việc gì đã làm thì phải có kết quả, phải đạt chất lượng.

Thứ tám, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bầu cử trưởng ấp, trưởng khu phố trong quý III và đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trong quý IV năm 2024 theo nhiệm kỳ. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh; có kế hoạch hướng dẫn thực hiện và tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 35, ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị, các hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý về thời gian tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, đó là: “Thời gian tiến hành đại hội cấp cơ sở không quá 2 ngày bắt đầu từ tháng 4-2025, hoàn thành trước ngày 30-6-2025; cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày, hoàn thành trước ngày 31-8-2025; cấp tỉnh không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31-10-2025. Thời gian tổ chức đại hội điểm ở cấp cơ sở vào đầu quý I-2025; cấp huyện và tương đương vào đầu quý II-2025”.

THỦY HÀ

 

 

.
.
.