Nhiều kết quả tích cực trong công tác tư pháp 6 tháng đầu năm
(ABO) Sáng 10-7, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Phạm Công Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh; cùng đại diện các ban, ngành tỉnh đến dự.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thi hành án dân sự, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương. Chủ động, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại điểm cầu chính (ảnh chụp qua màn hình trực tuyến). |
Từ kết quả số liệu thống kê cho thấy, kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Nổi bật là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành Tư pháp được Quốc hội thông qua, được Chính phủ ban hành. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.
Thể chế trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả; hợp tác quốc tế về pháp luật đạt nhiều kết quả ấn tượng... Những kết quả này đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các Bộ, ngành được đánh giá.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; việc triển khai một số nhiệm vụ còn chậm; kết quả thi hành án dân sự chưa đạt được như kỳ vọng; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực chưa kịp thời; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của toàn ngành Tư pháp trong thời gian qua. Đồng thời, đồng chí Lê Thành Long đề nghị Bộ, ngành, địa phương chú trọng, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp, pháp luật có trình độ, chuyên môn tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là các đề án, chương trình đã được Chính phủ phê duyệt…
LÊ MINH