(ABO) Sáng 19-7, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại đây, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề còn bất cập, hạn chế cử tri quan tâm trong thời gian qua. Trong đó có vấn đề về thiếu điện mùa khô và đầu tư hệ thống nước ở các huyện phía Đông của tỉnh.
ĐỂ KHÔNG CÒN ĐIỆP KHÚC “THIẾU ĐIỆN TRONG MÙA KHÔ”
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Lê Thị Thanh Nhàn chất vấn đối với ngành Điện lực tỉnh Tiền Giang: “Hiện nay, tình trạng thiếu điện, nguồn điện quá tải, không ổn định, một số nơi mất điện thường xuyên do nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, đời sống tăng cao, nhất là trong mùa nắng nóng; việc bổ sung quy hoạch, nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng lưới điện để theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân hiện còn chậm. Đề nghị Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp cụ thể trong thời gian tới?”.
|
Quang cảnh phiên chất vấn. |
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Lê Hữu Đức cho biết, giai đoạn 2015 - 2022, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, cũng như đảm bảo thực hiện đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn trên địa bàn tỉnh, Công ty Điện lực Tiền Giang đã thực hiện đầu tư lưới điện trên địa bàn 142 xã để đạt tiêu chí số 4 về điện, với khối lượng và vốn đầu tư trong giai đoạn này như sau: Đường dây trung thế dài 975 km, đường dây hạ thế dài 4.599 km, lắp mới và nâng công suất 2.440 trạm biến áp các loại với tổng dung lượng 123 MVA, tổng vốn đầu tư khoảng 1.192 tỷ đồng.
Đồng thời, làm tăng quy mô lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh, đến nay: Đường dây trung thế dài 3.947 km, đường dây hạ thế dài 9.985 km, 18.159 trạm biến áp với tổng dung lượng là 2.024 MVA. Với quy mô này, lưới điện phân phối được phủ kín trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tưới tiêu.
|
Đại biểu Lê Thị Thanh Nhàn chất vấn. |
Trong các năm gần đây, khu vực nông thôn người dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái ngày càng nhiều, cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn... làm cho nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao. Để đảm bảo cung cấp điện, hằng năm, Công ty Điện lực Tiền Giang đều có lập Kế hoạch đầu tư xây dựng đăng ký kế hoạch vốn với Tổng công ty Điện lực miền Nam để phê duyệt và triển khai thực hiện.
Cụ thể, năm 2023, Công ty Điện lực Tiền Giang đã thực hiện đầu tư lưới điện với tổng vốn đầu tư khoảng 359 tỷ đồng (bình quân mỗi huyện, thành phố được đầu tư 30 tỷ đồng), Năm 2024, Công ty Điện lực Tiền Giang đang thực hiện 24 công trình lưới điện với tổng vốn đầu tư 548 tỷ đồng. Trong đó, 7 công trình đang thi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2024; 17 công trình dự kiến khởi công trong tháng 9-2024, hoàn thành trong năm 2024.
|
Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Lê Hữu Đức trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Lê Thị Thanh Nhàn. |
Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Lê Hữu Đức cho biết, tình hình hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong năm nay diễn ra gay gắt và kéo dài, nhiệt độ cao nhất ngày liên tục vượt mốc lịch sử. Dẫn đến, tình hình sử dụng điện của người dân trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, nhưng Công ty Điện lực Tiền Giang vẫn đảm bảo cung cấp điện ổn định. Tuy nhiên, vẫn có một số trạm biến áp bị quá tải cục bộ, làm gián đoạn cấp điện cho người dân, nhất là khi người dân sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn, như: Máy bơm nước tưới tiêu, các thiết bị điều hòa không khí, bình đun nước, bếp điện, bàn ủi...
Trước tình hình này, Công ty Điện lực Tiền Giang đã huy động nhân lực, máy móc, vật tư thiết bị… của các Điện lực trực thuộc để tập trung giải quyết tình trạng quá tải các trạm biến áp; cụ thể đã xử lý quá tải 261 trạm biến áp, với tổng công suất 20.785 kVA và tổng công suất tăng thêm 9.449 kVA (riêng từ ngày 28-4-2024 đến ngày 3-5-2024, kể cả làm ban đêm và ngày Lễ 30-4, 1-5 đã xử lý 46 trạm biến áp với tổng dung lượng 8.010 kVA và tổng công suất tăng thêm 3.640 kVA) tập trung chủ yếu tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TP. Mỹ Tho nên đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân. Mặc dù đã huy động mọi nguồn lực nhưng do số lượng trạm biến áp quá tải trong cùng một thời điểm nhiều nên Công ty Điện lực Tiền Giang không thể xử lý nhanh theo mong muốn của người dân.
Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Lê Hữu Đức đã giải trình, làm rõ thêm, đối với trường hợp quá tải trạm biến áp hoặc lưới điện bị sự cố, nhiệm vụ của Điện lực phải xử lý kịp thời để đảm bảo nhanh chóng cấp điện lại cho khách hàng. Riêng đối với các trường hợp khách hàng đề nghị cấp điện ở khu vực chưa có lưới điện, công ty chỉ đạo các Điện lực khảo sát lập phương án, báo cáo công ty lập Kế hoạch đầu tư xây dựng hằng năm, trình Tổng công ty Điện lực miền Nam xem xét, phê duyệt bố trí vốn để triển khai thực hiện.
Do Công ty Điện lực Tiền Giang là doanh nghiệp nhà nước và là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam nên mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng phải thực hiện theo phân cấp. Đối với công tác đầu tư xây dựng hằng năm, Công ty Điện lực Tiền Giang phải đăng ký kế hoạch vốn với Tổng công ty Điện lực miền Nam trước tháng 6 của năm trước năm kế hoạch để được phê duyệt và triển khai thực hiện.
|
Đại biểu Đặng Văn Tung tham gia chất vấn bổ sung các nội dung liên quan đến việc đầu tư điện đối với khu vực phía Tây của tỉnh. |
Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Lê Hữu Đức cho biết thêm, ngành Điện là ngành quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, do đó Công ty Điện lực Tiền Giang luôn nhận thức được trách nhiệm phải đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, hằng năm trên cơ sở vốn đầu tư xây dựng được Tổng công ty Điện lực miền Nam phân bổ cho Công ty Điện lực Tiền Giang, công ty đều có triển khai đầu tư xây dựng lưới điện trên toàn bộ các huyện, thành phố với tổng vốn cho mỗi đơn vị từ 40 đến 50 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho nhân dân tỉnh nhà.
TỪNG BƯỚC HOÀN THIỆN MẠNG LƯỚI CẤP NƯỚC
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phan Hùng Mãnh đã chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng về tình hình đầu tư hệ thống nước ở huyện Gò Công Đông đến thời điểm này.
Theo đó, tại Công văn của UBND tỉnh về giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh hứa sẽ sớm triển khai thực hiện Nghị quyết 27 ngày 17-9-2021 của HĐND tỉnh về đầu tư 6 tuyến ống cấp nước cung cấp cho khu vực phía Đông của tỉnh, nhưng đến nay chưa thực hiện. Và tại Nghị quyết 10 ngày 13-7-2023 của HĐND tỉnh có ghi nhận công trình đầu tư mạng lưới thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn. Sau đó, Nghị quyết 38 ngày 8-12-2023 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 27 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cũng có ghi nhận dự án này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được, đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm thuộc về ai trong việc đã nhiều lần “lỡ hẹn” với cử tri và nhân dân các huyện phía Đông? Đồng thời, cho biết cụ thể quy mô đầu tư, nguồn vốn đầu tư, thời gian thực hiện dự án?
|
Đại biểu Phan Hùng Mãnh chất vấn nội dung liên quan đến đầu tư các tuyến ống cấp nước cho người dân các huyện phía Đông của tỉnh. |
Trả lời nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, 11 tuyến ống cấp nước trên (trên địa bàn huyện Gò Công Đông 6 tuyến và huyện Tân Phú Đông 5 tuyến) có tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng, đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh. UBND tỉnh luôn xác định nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất là nhu cầu cấp thiết, bức xúc, đặc biệt là trong mùa khô, hạn.
Lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm đầu tư các nhà máy cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, mời gọi đầu tư Nhà máy nước Đồng Tâm; phát triển hệ thống cung cấp nước sinh hoạt của các tổ hợp tác, hợp tác xã...
Tuy nhiên, cũng còn có những hệ thống cung cấp nước không đảm bảo chất lượng nên đã phải dừng cung cấp nước. Hiện nay, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư các dự án cấp nước như: Dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống truyền tải và đến nay chủ đầu tư đang triển khai trước Dự án Trạm bơm nước thô - Nhà máy nước Đồng Tâm.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng trả lời các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh đặt ra. |
Để việc cung cấp nước trên địa bàn tỉnh ổn định, Tỉnh ủy đã có chủ trương giao UBND tỉnh xây dựng Đề án Cấp nước trên địa bàn tỉnh (cấp nước cho 3 vùng). UBND tỉnh mà trực tiếp là Phó Chủ tịch đã làm việc với các đơn vị để triển khai chủ trương của Tỉnh ủy, phấn đấu đến cuối năm 2024 phải lựa chọn được đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết thêm, việc chậm trễ trong triển khai hệ thống cung cấp nước cho người dân liên quan đến nhiều vấn đề, như: Yếu tố kỹ thuật, về việc sử dụng ngân sách, đất đai, thủ tục đấu thầu... phải đảm bảo đúng theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật nên cần phải có lộ trình để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật, nhất là liên quan đến sử dụng ngân sách, đất đai, không thể thực hiện ngay được. Hiện nay, các sở, ngành đang hoàn thiện hồ sơ dự án 11 tuyến ống để trình thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công để làm cơ sở triển khai thi công trong năm 2025.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang tập trung quan tâm đầu tư các tuyến ống cấp nước theo kế hoạch, từng bước hoàn thiện mạng lưới cấp nước trên địa bàn của tỉnh, trong đó có huyện Gò Công Đông để cung cấp nước cho người dân và doanh nghiệp.
HÀ NAM - CAO THẮNG