Các đơn vị sự nghiệp công lập huyện Gò Công Tây từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động
(ABO) Sáng 1-8, tiếp tục chương trình khảo sát chuyên đề, Đoàn khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang do đồng chí Tạ Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát đã đến làm việc với huyện Gò Công Tây về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Tham gia Đoàn khảo sát có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong thời gian từ năm 2018 - 2023, trên địa bàn huyện Gò Công Tây thành lập 6 đơn vị sự nghiệp giáo dục, 4 đơn vị sự nghiệp khác thuộc huyện; ngoài ra còn thành lập 2 đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập huyện hiện nay là 42, gồm sự nghiệp giáo dục 37 trường (mầm non 16, tiểu học 15 và trung học cơ sở 6); sự nghiệp khác 5, trong đó có 1 đơn vị sự nghiệp tự chủ là Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đề án 02-ĐA/TU về việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang, Huyện ủy đã xây dựng Đề án 05-ĐA/HU, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và tập trung triển khai thực hiện. Theo đó, huyện đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất, thành lập 5 đơn vị sự nghiệp khác, 14 đơn vị sự nghiệp giáo dục, tiếp nhận 1 đơn vị sự nghiệp tỉnh chuyển về.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức và quản lý của các ĐVSNCL đã từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong ĐVSNCL.
Nhìn chung, các ĐVSNCL từng bước nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị; đã ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện chế độ giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh những mặt đạt được thì còn một số hạn chế như: Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ĐVSNCL, xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế, thiếu vững chắc và chưa thực hiện được, số ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên chưa tăng tỷ lệ % cũng như số lượng đơn vị; xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công... gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được do đặc thù của địa phương là huyện xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, đơn vị sự nghiệp không đảm bảo nguồn thu để tự đảm bảo thực hiện tự chủ...
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát, lãnh đạo các trường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan đã làm rõ thêm một số vấn đề địa phương còn gặp khó khăn như: Nhiều trường học đang khó khăn do thiếu nhiều giáo viên, có biên chế nhưng do không có nguồn để tuyển dụng; không hợp đồng được giáo viên nghỉ hưu thỉnh giảng do quy định phải có bằng đại học trong khi giáo viên nghỉ hưu đa phần là cao đẳng; thiếu chế độ đãi ngộ đối với giáo viên dạy tiểu học nên không thu hút được giáo viên về các trường tiểu học vùng sâu vùng xa; vấn đề tài sản công cho thuê ở vùng nông thôn còn gặp khó khăn; khó khăn trong việc sắp xếp các điểm trường theo quy định; một số bất cập, chồng chéo trong quy định giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…
Lãnh đạo UBND huyện cùng lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. |
Lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các đơn vị ĐVSNCL huyện đã kiến nghị đến Đoàn khảo sát những khó khăn, bất cập và mong rằng Đoàn có ý kiến với các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan sớm tháo gỡ để địa phương thực hiện tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trong thời gian tới...
Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu ghi nhận các ý kiến kiến nghị của địa phương. |
HOÀI THU