.
CHÀO MỪNG LỄ KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HUYỆN TÂN PHƯỚC (27-8-1994 - 27-8-2024) VÀ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CÔNG NHẬN HUYỆN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NĂM 2024

10 điểm nổi bật của huyện Tân Phước sau 30 năm

Cập nhật: 10:44, 26/08/2024 (GMT+7)

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật sau 30 năm thành lập và phát triển. Điểm lại những điểm nhấn nổi bật để thấy rõ hơn sự phát triển toàn diện của vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” năm nào.

1. Huyện Tân Phước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2024

Qua quá trình triển khai thực hiện, đến nay, huyện Tân Phước đã đi từ không đến có với 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, năm 2020 chỉ mới có 4 xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, toàn huyện hiện có 3 xã là Thạnh Hòa, Tân Hòa Thành, Tân Lập 2 được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, đáp ứng bộ tiêu chí giai đoạn 2021- 2023. Thị trấn Mỹ Phước cũng được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Từ đó, huyện Tân Phước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2024.

2. Hướng đến vùng công nghiệp trọng điểm

Hiện trên địa bàn huyện có 393 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tăng 314 DN so với năm 1994. Các DN thu hút khoảng 24.300 lao động, tăng 24.000 lao động so với năm 1994. Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp (KCN) Long Giang với tổng diện tích là 540 ha. Đến nay, KCN Long Giang đã kêu gọi đầu tư được 55 dự án.

Một góc thị trấn Mỹ Phước hôm nay.                                                                                                                                                                                                                                                                                           Ảnh: TRỌNG THỨC
Một góc thị trấn Mỹ Phước hôm nay. Ảnh: TRỌNG THỨC

Hiện tỷ lệ lắp đầy của KCN này đạt 85%, với tổng vốn đầu tư là 1,78 tỷ USD và 166,34 tỷ đồng. Bên cạnh KCN Long Giang, trên địa bàn huyện còn có KCN Tân Phước 1 vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư. Ngoài 2 KCN nói trên, trên địa bàn huyện còn quy hoạch KCN Tân Phước 2 với tổng diện tích 450 ha.

3. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 1,59%

Đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện Tân Phước đã được nâng lên, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2020 - 2023 đạt  6,58%; thu nhập bình quân đầu người đạt 63,6 triệu đồng/người/năm (năm 1995 là 2,4 triệu đồng/người/năm); đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo thời điểm mới thành lập huyện có đến 45%, nay chỉ còn 1,59% theo chuẩn đa chiều.   

4. Cơ sở giáo dục và đào tạo ngày càng hoàn thiện

Năm 1994, khi mới thành lập, huyện Tân Phước chỉ có 16 trường học gồm 2 trường mẫu giáo, 10 trường tiểu học, 1 trường THCS, 2 trường phổ thông cơ sở và 1 trường THPT với hơn 7.000 học sinh các cấp. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, ngành GD-ĐT đã từng bước đề ra các giải pháp nâng chất đưa sự nghiệp GD-ĐT của huyện ngày càng có nhiều khởi sắc.

Đến đầu năm học 2023 - 2024, toàn huyện 29 cơ sở giáo dục, trong đó 9 trường mầm non, 12 trường tiểu học, 6 trường THCS và 2 trường THPT. Toàn huyện có 24/26 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó bậc mầm non đạt chuẩn là: 7/9 (77,77%); tiểu học: 11/11 (100%); THCS: 6/6 (100%).

5. Nâng cao đời sống văn hóa nhân dân

Vượt qua những khó khăn những ngày đầu mới thành lập, sau 30 năm huyện Tân Phước  hiện 100% các ấp đều có trụ sở Nhà Văn hóa ấp. Các ấp đều có các điểm tập luyện thể dục - thể thao đảm bảo diện tích quy định và đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân ở khu dân cư; có 3/3 xã nông thôn mới nâng cao đã thực hiện bố trí, lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở các điểm công cộng.

Công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện trong tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao được đảm bảo và nâng dần qua các năm.

6. Hạ tầng giao thông phát triển

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, hệ thống đường bộ trên địa bàn huyện đã từng bước được đầu tư đồng bộ bao gồm: Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (có một phần đi qua địa bàn huyện gồm 4-6 làn xe); 6 tuyến đường tỉnh (865, 866, 866B, 867, 874, 878), năm 1994 chỉ có 1 tuyến với tổng chiều dài 62,56 km, đạt cấp III-IV đồng bằng; 10 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 108,8 km, đạt cấp IV-V; 41 tuyến đường đô thị với tổng chiều dài hơn 17,1 km; 164 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 382,7 km, đạt từ cấp B, C, D. Hệ thống hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông thương, giao lưu hàng hóa và đi lại của nhân dân trong và ngoài huyện.

Huyện Tân Phước đổi mới toàn diện qua công tác xây dựng huyện nông thôn mới. Ảnh: THỨC - THẮNG
Huyện Tân Phước đổi mới toàn diện qua công tác xây dựng huyện nông thôn mới. Ảnh: THỨC - THẮNG

7. Hệ thống cơ sở y tế đảm bảo phục vụ nhân dân

Khi mới thành lập, huyện Tân Phước có 3 bác sĩ từ tổ chuyên viên y tế của huyện, tuyến xã có 21 cán bộ y tế của 7 trạm y tế xã và 6 trạm y tế mới chưa có cán bộ. Ngày nay, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế huyện Tân Phước không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Tân Phước có quy mô 50 giường bệnh, được phân hạng Bệnh viện hạng III, với 182 viên chức và người lao động, đáp ứng đủ các chức danh theo quy định, đảm bảo cho các hoạt động y tế cơ sở.

8. Tổng mức bán lẻ đạt 3.640 tỷ đồng

Đến nay, huyện Tân Phước có 6 chợ (năm 1994 chỉ có 2 chợ), 2 chợ loại 2 gồm: chợ Tân Phước, chợ Phú Mỹ; 4 chợ loại 3 gồm: Bắc Đông, Tân Hòa Thành, Thạnh Tân, Hưng Thạnh với tổng số hơn 718 hộ kinh doanh (năm 1994 chỉ có 110 hộ) trong khu vực chợ.

Huyện Tân Phước có 393 DN đang hoạt động, thu hút khoảng 24.300 lao động.  	                                                                                                                     Ảnh: Văn Thảo
Huyện Tân Phước có 393 DN đang hoạt động, thu hút khoảng 24.300 lao động. Ảnh: Văn Thảo

Trên địa bàn huyện có 3 siêu thị điện máy và 3 cửa hàng tiện lợi. Số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện (ngoài khu vực chợ) có 2.123 hộ được cấp giấy phép kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực thương mại dịch vụ; các loại hình dịch vụ đã phát triển tương đối mạnh như: Ngân hàng, bưu điện, viễn thông, vận tải, các dịch vụ về ăn uống, giải khát, vui chơi giải trí phát triển nhanh phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân trên địa bàn huyện.

9. Du lịch với nhiều tiềm năng phát triển

Tân Phước có hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười đã mang lại cho huyện nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười có diện tích hiện tại 107 ha, huyện còn có lợi thế thu hút du lịch với đặc sản địa phương như khóm, kẹo khóm…và các điểm du lịch như Điểm Du lịch sinh thái Trung Kiên.

Về du lịch tâm linh, huyện Tân Phước có 2 cơ sở tôn giáo là Chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự) và Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác là điểm nhấn quan trọng thu hút hàng ngàn khách thập phương.

Huyện Tân Phước hiện có 8 cơ sở lưu trú du lịch, với 170 phòng ở các đơn vị: Thị trấn Mỹ Phước, Tân Hòa Tây, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Lập 1 (trong đó có 7 cơ sở đạt chuẩn tối thiểu để phục vụ khách du lịch).

10. Nông nghiệp phát triển mạnh mẽ với đa dạng cây trồng, vật nuôi

Hiện nay, huyện Tân Phước giữ vững đất trồng lúa khoảng 6.400 ha, với diện tích gieo trồng mỗi năm gần 18.000 ha, sản lượng gần 115.000 tấn lúa hàng hóa/năm. Vùng chuyên canh khóm với diện tích 15.397 ha tập trung tại các xã: Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông...

Vùng trồng thanh long quy hoạch tại các xã: Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Tân Lập 1, Tân Lập 2... Vùng trồng rau màu tập trung ở xã: Phú Mỹ, xã Tân Hòa Thành, thị trấn Mỹ Phước trên diện tích sản xuất mỗi năm trên 1.500 ha. Đối với chăn nuôi, huyện Tân Phước có 12 cơ sở chăn nuôi trang trại với quy mô hơn 23.700 con heo và 1,5 triệu con gà.

CAO THẮNG

.
.
.