.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2024)

Vận dụng sáng tạo nghệ thuật chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Cập nhật: 10:23, 02/09/2024 (GMT+7)

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thể hiện sự tài tình, khôn khéo, sáng tạo trong nghệ thuật chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân của Đảng ta mà người cầm lái chính là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

NGHỆ THUẬT CHỚP THỜI CƠ GIÀNH CHÍNH QUYỀN

Tích hợp các giá trị lý luận, thực tiễn từ Cách mạng Tháng Mười Nga và phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Đó là con đường gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, gắn dân tộc Việt Nam với thời đại mà nhân loại đã bước vào, nhằm đấu tranh cho những mục tiêu cao cả nhất là hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Con đường ấy đã được phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam tiếp nhận từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX.

Nó đã trở thành đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng cách mạng chân chính do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập vào năm 1930. Từ đó trở đi, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở thành lãnh tụ của Đảng, rồi của cả dân tộc. Đảng do Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo đã thực sự đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, trở thành lực lượng chính trị tiên phong duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Những cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh; phong trào đấu tranh đòi dân chủ dân sinh (1936 - 1939) diễn ra đã làm rung chuyển cả chế độ thuộc địa, đã thực sự là bước chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám về sau này...

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945.

Bước vào những năm 40 của thế kỷ XX, khi tình hình thế giới và Việt Nam đã biến đổi nhanh chóng và đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau đúng 30 năm bôn ba ở nước ngoài đã trở về Tổ quốc để cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Dưới ngọn cờ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam từ năm 1941 đã đứng về phía Đồng Minh chống phát xít, đã trực tiếp có mối liên hệ với phe Đồng Minh, đã tổ chức và phát triển lực lượng rất nhanh chóng và đã giành được thắng lợi quyết định khi thời cơ đến.

Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Chỉ ít ngày sau Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt đạo quân Quan Đông trên 1,2 triệu tên, lực lượng chủ yếu của phát xít Nhật. Ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh.

Cùng với nhân dân các thuộc địa trên thế giới, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một” “để đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi tháng 8-1945 và tuyên bố độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã chấm dứt cuộc đời nô lệ, đã đưa hai chữ Việt Nam trở lại trên bản đồ thế giới mà chủ nghĩa thực dân, phát xít đã xóa bỏ suốt gần một thế kỷ.

Đây thực sự là cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam với một quá trình huy động lực lượng của toàn dân để tiến hành khởi nghĩa từng nơi, từng phần và đi đến đỉnh cao thắng lợi bằng cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân, toàn quốc vào tháng 8-1945.

SỨC MẠNH LIÊN MINH CÔNG NÔNG VÀ Ý NGHĨA THỜI ĐẠI

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng, nhưng trong khối đại đoàn kết đông đảo ấy phải lấy liên minh công nông làm gốc. Vận dụng một cách sáng tạo bài học kinh nghiệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc đề ra chiến lược, sách lược đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trong khối đại đoàn kết đó, một mặt tập hợp được tất cả lực lượng yêu nước trong xã hội; mặt khác, giữ vững được bản chất giai cấp công nhân trong liên minh.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn là cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, vì nó đã xóa bỏ chế độ phong kiến đã được thiết lập mấy chục thế kỷ trên đất nước ta. Cách mạng Tháng Tám là một bước ngoặt lịch sử vì đã thực hiện cả hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến, đã mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thực sự là một mũi đột phá vào khâu yếu nhất của chủ nghĩa thực dân, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi đầu tiên ở thế kỷ XX. Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, là một đóng góp có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam vào việc mở ra một thời đại thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi thế giới.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nhưng không phải là sự kết thúc, mà chỉ là sự mở đầu cho thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, nhân dân ta buộc phải liên tục chiến đấu chống thù trong giặc ngoài suốt 30 năm liền, vượt qua muôn trùng hiểm nguy, có khi như “ngàn cân treo sợi tóc” để bảo vệ nền độc lập mới giành được, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ.

Trong bối cảnh như vậy, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã vận dụng rất sáng tạo bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga là “Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản”, với phương pháp cách mạng là: “Dùng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền”.

Bài học phương pháp bạo lực cách mạng, từ Cách mạng Tháng Mười Nga, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức đầy đủ và vận dụng thành công vào Việt Nam mang lại những thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Sau Cách mạng Tháng Tám  năm 1945, Người đã lãnh đạo nhân dân xây dựng và củng cố chính quyền - công cụ thực hiện chuyên chính vô sản. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với quyết tâm cao độ của toàn dân tộc “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, được thể hiện qua Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với một kẻ thù hùng mạnh nhất, hung hãn nhất. Với tinh thần cách mạng triệt để, cả dân tộc phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quân và dân hai miền đã lần lượt đánh bại mọi chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và các thế lực phản động, tay sai; thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”, “chúng ta quyết không sợ…

Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, quân và dân cả nước đã giải phóng miền Nam kết thúc 30 năm can thiệp, xâm chiếm của đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và hội nhập với thế giới…

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế. Người là biểu tượng vĩ đại của tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung.

Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam; đồng thời, đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới; chống lại ách thống trị, xâm lược của thực dân, đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Những cống hiến vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xuất phát từ lòng yêu nước, thương nòi và sự tích hợp các giá trị lý luận và thực tiễn từ Cách mạng Tháng Mười Nga, vận dụng sáng tạo nghệ thuật chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân; tiếp đến Người cùng toàn Đảng lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam đánh đuổi thực dân, đế quốc thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và vững bước trên đường hội nhập.

Ths. NGUYỄN HOÀI SƠN

.
.
.